26/09/2012 07:32 GMT+7

Mỏi mòn chờ tái định cư

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Hàng trăm dự án đã, đang và sẽ thực hiện trên địa bàn TP.HCM kéo theo hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi nơi ở cũ. Trong số đó, rất nhiều gia đình vẫn chưa thể ổn định cuộc sống sau gần chục năm di dời.

Năm 2005, UBND Q.10 giải tỏa khu vực P.14 để làm đường Thành Thái nối dài. Có 23 hộ dân chọn phương án tái định cư (TĐC) tại chỗ bằng nền đất nên phải tạm cư. UBND Q.10 hứa sẽ cấp đất TĐC cho người dân trong vòng 18 tháng tại mặt tiền đường Tam Đảo nối dài (kết nối từ đường Thành Thái đến đường Lý Thường Kiệt) ở lô B29 khu C30 (P.14, Q.10).

TydpfbUB.jpgPhóng to

Ông Trần Xuân Danh, tạm cư tại A2 phòng 416, chung cư Hòa Bình (P.14, Q.10, TP.HCM) nhiều năm nay (từ tháng 10-2005). Với diện tích 54m2, ông phải ngăn phòng để tiện cho sinh hoạt của ba người trong gia đình. Hiện chung cư xây từ năm 1990 này đã xuống cấp - Ảnh: T.T.D.

Hứa và... hẹn

Ông Trần Xuân Danh, một trong 23 hộ tạm cư của dự án đường Thành Thái nối dài, nói: “Tháng 10-2012 là tròn bảy năm gia đình tôi tạm cư”. Trong sáu năm qua, ông Danh và những người đồng cảnh ngộ tạm cư đã nhiều lần đi lại giữa UBND Q.10 và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.10 (chủ đầu tư dự án TĐC) để hỏi về tiến độ xây dựng khu TĐC. Ban đầu chủ đầu tư hứa đến cuối năm 2007 sẽ giao nền nhà. Rồi sau đó công ty hứa đến 30-4-2008, rồi hẹn thêm một năm nữa... Giữa tháng 7-2010, UBND Q.10 hứa cuối năm 2010 sẽ có nền nhà. Nhưng thực tế đến tháng 6-2011 ông Danh mới được bốc thăm nhận nền nhà... trên giấy, đến nay vẫn chưa được giao nền thực tế.

Kiến nghị hỗ trợ người không đủ tiền mua nhà tái định cư

Sở Tài chính TP.HCM vừa kiến nghị cơ quan chức năng về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và giá nhà ở, đất ở TĐC khi Nhà nước thu hồi đất ở TP. Theo đó, trường hợp bồi thường 1m2 đất ở không đủ để nhận chuyển nhượng 1m2 nhà ở, đất ở TĐC thì cần xem xét hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng với chi phí đầu tư hạ tầng tính trên 1m2 do Bộ Xây dựng công bố, nhưng không vượt quá đơn giá chuyển nhượng 1m2 nhà đất TĐC. Diện tích để tính hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế bị thu hồi (không tính đất có nguồn gốc lấn chiếm) nhưng không vượt hạn mức giao đất ở theo quy định. Sau khi được hỗ trợ, nếu người dân vẫn không đủ tiền mua nhà đất TĐC thì số tiền còn thiếu sẽ được trả góp tối đa là 15 năm, tính theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Sở Tài chính TP cũng kiến nghị đối với người bị thu hồi đất đặc biệt khó khăn, khi đến nơi ở mới chưa có việc làm ổn định thì được chậm trả tiền mua nhà hoặc hoãn trả tiền thuê nhà không quá năm năm.

Đến khi có được nền nhà TĐC thì ông Danh đành phải rao bán vì không đủ tiền trả phần chênh lệch cho Nhà nước. Năm 2005, căn nhà 25m2 trong hẻm của ông được Nhà nước bồi thường tổng cộng gần 500 triệu đồng, nay ông nhận nền đất gần 50m2 trong khu TĐC với giá gần 1,7 tỉ đồng. Ông Danh tính: “Hiện tôi còn thiếu 1,2 tỉ đồng tiền mua đất, cộng thêm gần 1 tỉ đồng tiền xây nhà theo mẫu quy định (dự kiến một trệt hai lầu và phòng trên sân thượng). Mấy tháng nay, ông Danh rao bán nền đất TĐC nhưng chưa bán được do thị trường nhà đất đang đóng băng. “Mặc dù Nhà nước hứa cho chúng tôi trả góp tiền mua nền đất trong mười năm nhưng tôi đã già, tiền đâu ra để trả góp. Lỡ mình chết sớm thì để nợ cho con cháu, tội nghiệp lắm. Bán được nền đất, tôi sẽ trả hết nợ cho Nhà nước, còn lại vợ chồng tôi sẽ mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành” - ông Danh nói.

UBND Q.10 cho biết dự án TĐC trên bị chậm do nhiều nguyên nhân. Nguyên khu đất C30 (nơi bố trí dự án TĐC) trước đây do Tập đoàn Bưu chính viễn thông quản lý nên UBND quận phải chờ đến khi hoàn tất thủ tục chuyển giao đất cho UBND TP.HCM. Sau đó, UBND quận giao cho Công ty cổ phần Xây dựng bưu điện di dời đường dây điện cao thế đi ngang qua khu đất và xây dựng đường Tam Đảo nối dài để mở đường giao thông cho phần đất thuộc Q.10 của khu C30. Công ty trên triển khai rất chậm nên giữa năm 2009, UBND TP giao hai việc trên cho UBND Q.10 chủ trì thực hiện.

Đến nay, đường dây điện cao thế đã được đưa lên cao, hạ tầng của khu TĐC đã làm xong. Hiện UBND Q.10 đang xin ý kiến của UBND TP về việc đóng tiền sử dụng đất và mẫu nhà cho khu TĐC. Dự kiến UBND Q.10 giao nền đất cho dân trong vòng một tháng tới.

Chưa hết tạm cư dài hạn

Cuối năm 2009, gần 350 hộ dân ở năm lô chung cư Nguyễn Kim cũ thuộc P.7, Q.10 giao nhà cho chủ đầu tư dự án, tự nguyện tạm cư chờ nhận nhà TĐC tại chỗ. Theo kế hoạch, đến năm 2015 chủ đầu tư sẽ xây xong chung cư Nguyễn Kim mới trên nền năm lô chung cư cũ. Nếu dự án hoàn thành đúng như tiến độ cam kết, 350 hộ dân trên cũng phải sống tạm cư trong sáu năm.

Chị Bình - một cư dân đang tạm cư ở lô B, chung cư Bàu Cát 2 (Q.Tân Bình) - cho rằng thời gian tạm cư như vậy là quá dài. Hơn hai năm nay, gia đình chị Bình gần như không mua sắm thêm bất kỳ đồ đạc gì trong nhà. Với tâm lý tạm cư, cái gì trong nhà chị cũng tạm bợ từ tấm màn che hờ làm phòng ngủ của hai vợ chồng đến cái giường xếp vừa là chỗ ngủ vừa là chỗ học cho đứa con trai... Tất cả đều như để dành chờ ngày về nhà mới. “Chỉ mong chủ đầu tư giao nhà đúng hẹn” - chị tâm sự. Hiện nay, chủ đầu tư dự án (Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) đã xong phần thăm dò địa chất khu đất xây chung cư mới.

Khu tạm cư cho người dân bị di dời trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở P.An Lợi Đông (Q.2) nằm heo hút giữa đồng với nhiều dãy nhà tạm mái thấp. Ban ngày trong nhà nóng hầm hập. Ban đêm, con đường ngoằn ngoèo rộng chừng 2m dẫn từ khu tạm cư ra đại lộ Đông Tây khúc có đèn đường, khúc tối thui. Anh P., một hộ dân đang tạm cư ở đây, cho hay đêm nào anh cũng phải ra đường lớn để đón con gái đi học về vì không yên tâm để con đi một mình giữa đồng trống. Muốn mua con cá, mớ rau, người dân phải chạy xe máy gần 4km mới đến chợ An Khánh.

Còn khu tạm cư ở P.An Phú (cũng cho người dân bị di dời trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2) là dãy nhà tạm một tầng. Mỗi hộ tạm cư trong căn phòng rộng hơn 20m2, bất kể bao nhiêu người. Nhiều gia đình phải gửi nhờ đồ đạc, xe máy ở nhà người quen vì nhà chật, có gia đình không đủ chỗ ngủ ban đêm. Cái khó của nhiều hộ dân đang sống trong hai khu tạm cư ở Q.2 là họ đang phải ăn dần vào số tiền để dành vì đa số là những người buôn bán ở mặt tiền đường Lương Định Của hoặc chợ An Khánh cũ, nay tạm cư không có mặt bằng để buôn bán nên thất nghiệp.

Khẩn trương giải quyết tái định cư

Nghị quyết 57 năm 2006 của HĐND TP.HCM yêu cầu UBND TP chỉ đạo khẩn trương giải quyết TĐC cho các hộ tạm cư. Căn hộ chung cư, nền đất ở phải đảm bảo chất lượng các công trình và hạ tầng kỹ thuật; chậm nhất đến ngày 30-6-2007 hoàn tất việc TĐC cho các hộ tạm cư. Đối với những dự án đầu tư mới có giải tỏa, bồi thường, thu hồi đất, phải có phương án TĐC cho người dân, trong trường hợp buộc phải thực hiện tạm cư, không để tái diễn tình trạng tạm cư kéo dài như thời gian qua.

Tiếp đó, UBND TP cũng ban hành chỉ thị 32 chỉ đạo: hướng căn bản trong quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch là chọn phương án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn chỗ ở của nhân dân khi thực hiện dự án đầu tư, giải quyết TĐC căn cơ, giảm dần và đi đến chấm dứt việc tạm cư khi thực hiện các dự án đầu tư bằng cách tạo lập trước quỹ nhà TĐC của TP và của quận huyện.

(còn tiếp)

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp