Dây chuyền sản xuất đem ra bán đấu giá nhưng khi có người mua hợp pháp thì không thể giao - Ảnh: N.TÀI
Tôi mua tài sản công khai, hợp pháp chứ có mua lén lút hay chạy chọt đâu mà giờ trần thân nhận tài sản. Mấy tháng liền không dám đi công tác xa vì sợ có việc mà mình không có ở địa phương để giải quyết liền. Tiền thì cũng đã nộp đủ 26 tỉ rồi.
Ông Phạm Phú Cường
Ông Lưu Thanh Quan (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết ông trúng đấu giá tài sản kê biên để thi hành án gồm thửa đất, nhà với số tiền 2,687 tỉ đồng. Buổi đấu giá do Trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào đầu tháng 8-2018. Bên có tài sản đấu giá là Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Sa Đéc.
Khổ vì chấp hành viên làm sai quy trình
Ông Quan đã nộp đầy đủ tiền đúng thời hạn nhưng chờ hoài chưa thấy được bàn giao tài sản. Nhiều lần đến Chi cục THADS để đốc thúc việc giao tài sản, nhưng bốn lần ông hỏi thì nhận được bốn câu trả lời khác nhau.
"Lần cuối cùng tôi đến hỏi thì ông phó chi cục trưởng cũng là chấp hành viên vụ việc xin được hủy hợp đồng và bồi hoàn tổn thất. Tôi mua tài sản qua đấu giá hợp pháp của Nhà nước mà còn bị nói tới nói lui là sao", ông Quan bức xúc.
Bà Bùi Thị Ngọc Kiều, chi cục trưởng Chi cục THADS TP Sa Đéc, xác nhận việc không giao tài sản là do chấp hành viên vụ việc sai sót bước tống đạt thông báo cho những người trong hộ bà L.T.D. (bên bị kê biên tài sản).
Cụ thể, đây là loại tài sản cấp cho hộ gia đình nhưng khi thực hiện quy trình, chấp hành viên chỉ thông báo cho vợ chồng bà D. mà không thông báo cho hai người con của bà D. có quyền và nghĩa vụ liên quan.
"Do có sai sót nên không thể thực hiện cưỡng chế tài sản để giao nhà cho bên mua. Là người đứng đầu, tôi đã mời ông Quan đến để nhận lỗi và mong muốn được hủy hợp đồng mua bán. Chấp hành viên Lê Văn Thạnh, chi cục phó, sẽ có trách nhiệm bồi thường những tổn thất hợp lý cho ông Quan", bà Kiều nói.
Ngoài ra, bà Kiều cho biết sắp tới sẽ yêu cầu ông Thạnh kiểm điểm, xem xét kỷ luật vì để sai sót.
Mua qua đấu giá cũng rủi ro?
Tương tự ông Quan, ông Phạm Phú Cường (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cũng chưa nhận được tài sản trúng đấu giá là công trình xây dựng và máy móc thiết bị đã qua sử dụng tại khu A1, Khu công nghiệp Sa Đéc.
Tài sản do phía Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp kê biên đảm bảo khoản vay ngân hàng. Sau gần 10 tháng mua thành công với số tiền 26 tỉ đồng, ông Cường phải ôm hồ sơ gõ cửa cầu cứu các cơ quan chức năng và những bên liên quan.
"Tôi mua tài sản công khai, hợp pháp chứ có mua lén lút hay chạy chọt đâu mà giờ trần thân nhận tài sản. Mấy tháng liền không dám đi công tác xa vì sợ có việc mà mình không có ở địa phương để giải quyết liền. Tiền thì cũng đã nộp đủ 26 tỉ rồi", ông Cường bức xúc.
Theo đó, nguyên nhân chưa bàn giao tài sản là do vướng mắc ở khâu thanh lý hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp của doanh nghiệp có tài sản bị kê biên. Từ đó, doanh nghiệp của ông Cường không thể lập thủ tục thuê đất trong khu công nghiệp mà tài sản, dây chuyền sản xuất nằm trong khu công nghiệp không thể "bứng" đi.
Ngoài ra, khi tiến hành bàn giao tài sản, doanh nghiệp bị xiết nợ cho rằng vẫn còn tranh chấp tài sản, tranh chấp hợp đồng cho thuê với bên ngân hàng nên không chịu bàn giao. Giải pháp mà phía ngân hàng đưa ra là sẽ tiến hành thủ tục khiếu kiện doanh nghiệp không bàn giao tài sản ra tòa. Như vậy ông Cường sẽ phải tiếp tục... đợi chờ.
Chấp hành viên phải bồi thường
Luật sư Trương Xuân Tám - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết theo khoản 1 điều 74 Luật THADS năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, việc chấp hành viên không thực hiện thông báo đã vi phạm quy định của Luật THADS, do đó việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để bán đấu giá là trái pháp luật.
Luật đấu giá không có quy định về việc hủy kết quả đấu giá khi cơ quan THADS vi phạm quy định về nghĩa vụ thông báo đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản đấu giá.
Tuy nhiên, theo khoản 2 điều 7 Luật đấu giá quy định: Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình.
Như vậy, thay vì trao đổi với ông Lưu Thanh Quan về việc hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, Chi cục THADS TP Sa Đéc nên bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đấu giá của ông Lưu Thanh Quan, trong khi chưa có thông tin rõ ràng về việc các con của hộ bà L.T.D. tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản.
Trường hợp ông Quan đồng ý hủy bỏ hợp đồng đấu giá, kinh phí bồi thường do lỗi của người thi hành công vụ sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước, còn chấp hành viên vi phạm sẽ có nghĩa vụ hoàn trả vào ngân sách nhà nước số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
Liên quan vụ việc ông Phạm Phú Cường (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) chưa nhận được tài sản trúng đấu giá là công trình xây dựng và máy móc thiết bị đã qua sử dụng tại khu A1, Khu công nghiệp Sa Đéc, chúng tôi đã liên hệ ông Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp - để tìm hiểu sự việc.
Ông Hùng cho biết phải xin ý kiến Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam mới trả lời báo chí, nhưng đến nay đã hơn một tháng trôi qua ông vẫn chưa có ý kiến trả lời.
TTO - Đó là nội dung kêu cứu được Công ty TNHH MTV Vipico (Công ty Vipico) gửi đến các cơ quan chức năng về vụ trúng đấu giá lô đất 11.487m2 trên đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, Đà Nẵng nhưng không được giao đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận