01/05/2019 08:56 GMT+7

Mối lương duyên với Việt Nam của Nhật hoàng Akihito

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Tháng 3-2017, dù ở tuổi 83 và trong điều kiện sức khỏe không còn như trước, chỉ vài tháng sau khi tuyên bố sẽ thoái vị, Nhật hoàng Akihito đã thực hiện chuyến thăm nước ngoài cuối cùng của mình với điểm đến là Việt Nam.

Mối lương duyên với Việt Nam của Nhật hoàng Akihito - Ảnh 1.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiki thăm hoàng cung Huế và thưởng thức nhã nhạc (4-3-2017) - Ảnh: TRỊ THIÊN

Các chuyến thăm nước ngoài của nhà vua Nhật Bản được xem là khá hiếm hoi và thường chỉ diễn ra một hay hai năm một lần, nên việc Việt Nam được chọn là điểm dừng chân cuối cùng của Nhật hoàng - người không chỉ được xem là biểu tượng tinh thần của Nhật Bản mà còn là "đại sứ cao nhất" của nước này trong quan hệ đối ngoại, càng cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm này.

Nhưng mối liên hệ của Nhật hoàng đối với Việt Nam không chỉ ở cấp độ giữa hai quốc gia mà còn nằm trong những quan tâm riêng của cá nhân Nhật hoàng và những thành viên hoàng gia khác. 

Trong quốc yến do Việt Nam thết đãi, Nhật hoàng Akihito đã xúc động nói về những điệu múa và âm nhạc của Việt Nam được lưu truyền sang Nhật Bản từ thế kỷ 18 còn được giữ nguyên vẹn trong những khúc nhã nhạc Nhật Bản mà hiện nằm dưới sự bảo trợ của hoàng gia Nhật Bản với tên gọi nhạc Lâm Ấp (Rinyu). 

Tại thành phố Nagoya của Nhật Bản vẫn còn lưu giữ bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được vẽ trước năm 1640 mô tả thương cảng Faifo - Hội An ngày nay của Việt Nam và thương thuyền của các nhà buôn Nhật Bản đến từ thành phố Nagasaki cùng những khu phố Nhật Bản.

Đối với cá nhân Nhật hoàng, ngài đã từng thực hiện một công trình nghiên cứu về cá bống cát trắng Việt Nam tại Cần Thơ khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 và đã trao tặng nghiên cứu của ngài cho Việt Nam, và gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống cho Bảo tàng động vật của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1974 sau khi hai bên lập quan hệ ngoại giao và khi ngài còn đang trên cương vị hoàng thái tử.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Nhật hoàng đã chọn thăm thủ đô Hà Nội và cố đô Huế, thưởng thức nhã nhạc tại Duyệt thị đường, thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu - danh nhân đã khởi xướng "Phong trào Đông du" đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học đầu thế kỷ 20 và gặp thân nhân gia đình Việt Nam của những cựu binh Nhật Bản từng sinh sống tại Việt Nam sau chiến tranh.

Với chuyến thăm năm 2017 của mình, cho đến nay Nhật hoàng Akihito là vị hoàng đế Nhật Bản đầu tiên và duy nhất đã thăm Việt Nam. Nhưng trước đó đã có những mối quan tâm khác của hoàng gia Nhật Bản; cả hai người con trai của Nhật hoàng là hoàng thái tử Naruhito và thái tử Akishino và các công nương đều đã có những chuyến thăm đến Việt Nam. 

Thái tử Akishino thậm chí đã đến Việt Nam để nghiên cứu về gia cầm và tặng Bảo tàng sinh học tiêu bản gà quý hiếm của Nhật Bản để trưng bày và phục vụ nghiên cứu.

Nay thái tử Naruhito lên ngôi, vương triều mới - Lệnh Hòa - sẽ bắt đầu. Dù vậy, những chính sách đối ngoại của Thái thượng hoàng Akihito và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ còn được tiếp tục. Là con sếu đầu đàn trong mô hình "đàn sếu bay" ở châu Á, Nhật Bản đã là niềm cảm hứng cho sự nổi lên của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và cũng là những gì Việt Nam đang hướng tới.

Hi vọng trong vương triều mới Lệnh Hòa, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau gần nửa thế kỷ, với cột mốc là chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng Akihito, sẽ còn tiếp tục phát triển và tân hoàng đế Nhật Bản Naruhito một ngày nào đó sẽ trở lại thăm Việt Nam.

Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989 sau khi cha ông, Nhật hoàng Hirohito, qua đời. Trong suốt 30 năm trị vì của mình, Nhật hoàng có 28 chuyến thăm nước ngoài.

Trong số đó, nếu không kể các chuyến thăm đến các nước có mối liên hệ hoàng gia như Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Thái Lan..., số lượng các chuyến thăm nước ngoài của Nhật hoàng không nhiều.

Dù theo hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng chỉ giữ vị trí biểu tượng của đất nước và không có vai trò chính trị, tuy nhiên mỗi chuyến thăm của Nhật hoàng đều mang những ý nghĩa biểu tượng lớn, thể hiện những hàm ý chính sách lớn của Nhật Bản.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư tới Thượng hoàng Nhật Bản Akihito

TTO - Ngày 30-4-2019, nhân dịp nhà vua Nhật Bản Akihito thoái vị, trở thành thượng hoàng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới Thượng hoàng Nhật Bản Akihito.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp