25/09/2016 11:18 GMT+7

Mỗi lần ký thư giới thiệu xuất ngoại tôi suy nghĩ mãi

Giáo sư PHAN VĂN TRƯỜNG (nguyên cố vấn Chính phủ Pháp)
Giáo sư PHAN VĂN TRƯỜNG (nguyên cố vấn Chính phủ Pháp)

TTO - Tôi có một người cháu bộc lộ tài năng từ bé. Lúc cháu học lớp 6, Đại sứ quán Mỹ đã theo dõi và khi cháu học lớp 10 thì gia đình cháu nhận được thư mời gặp từ Chính phủ Mỹ, sau đó cháu được hỗ trợ để đến Mỹ học tập, cống hiến.

Giáo sư Phan Văn Trường (phải) giao lưu với các bạn trẻ ở TP.HCM
-  Ảnh: CÔNG NHẬT
Giáo sư Phan Văn Trường (phải) giao lưu với các bạn trẻ ở TP.HCM - Ảnh: CÔNG NHẬT

Nước Mỹ hùng cường nhưng không phải người Mỹ nào cũng giỏi và siêng năng. Bí quyết thành công của họ phần lớn dựa vào chính sách thu hút, tận dụng nhân tài các nước hiệu quả.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn ở VN nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn chưa tạo được những dấu ấn trong việc thu hút tài năng, tạo ra những giá trị lớn cho xã hội"

Giáo sư PHAN VĂN TRƯỜNG

Chấp nhận sự thất bại

VN nói chung và TP.HCM đang ở một thời kỳ rất thuận lợi bởi có nhiều người trẻ và rất nhiều người trong số họ rất sáng tạo. Khi tôi gặp họ và khơi gợi một vấn đề nào đó, họ đã đưa ra nhiều ý kiến rất mới mẻ mà chưa chắc giới trẻ Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc... có thể nghĩ đến. Giới trẻ cần thấy TP.HCM là nơi đón nhận sự sáng tạo, sự khác biệt. Sự tò mò, sáng tạo là yếu tố quan trọng để xã hội phát triển.

Một điểm nữa là chúng ta cần cho người trẻ biết rằng chúng ta chấp nhận sự thất bại ở họ. Thất bại hay thành công đều là thành quả, giúp cho chúng ta tiến tới. Từ đó các trí thức trẻ sẽ không bị áp lực mà xông xáo hơn.

Và để làm được điều này chúng ta cần những chương trình quy mô. TP.HCM cũng như các bộ ở VN nên phối hợp với nhau nhiều hơn để chính sách hoàn thiện nhất trong mức có thể. Chúng ta hãy làm thực, chứ không phải làm để cho có. Tương lai của đất nước chính ở đây.

Hồi tôi còn trẻ, Hàn Quốc là một quốc gia nghèo nhưng họ đã mạnh dạn mượn tiền Ngân hàng Thế giới để xây các nhà máy điện hạt nhân, trong đó họ có nhờ Pháp hỗ trợ kỹ thuật cho một số dự án.

Thời điểm tôi làm việc cho Chính phủ Pháp, chúng tôi thường “toát cả mồ hôi” mỗi khi qua Hàn Quốc thương thuyết các dự án, do họ luôn đặt câu hỏi “tại sao” và “tại sao”.

Khi hợp đồng được thương thuyết xong cũng là lúc họ kéo màn cho chúng tôi xem họ đã xây xong một dự án giống cái họ vừa thương thuyết với chúng tôi.

Nghĩa là mỗi khi đặt câu hỏi, họ đồng thời miệt mài “thử nghiệm”. Bên cạnh lòng yêu nước, họ còn có chính sách chỉn chu, quyết liệt thực hiện. Đây là điều mà tôi thấy ít xảy ra ở VN.

Người tài chỉ có ước mơ: xã hội thừa nhận

Có thể nói bí quyết thành công căn bản của Hàn Quốc là bằng mọi giá phải làm được mục tiêu đề ra và khuyến khích người dân mơ lớn.

Tôi có cơ hội gặp nhiều sinh viên Việt, tôi chưa thấy em nào dám mơ lớn. Một phần do chính các em nhưng phần lớn do chương trình học và do xã hội chưa tạo điều kiện để các em tự tin vào bản thân.

Tôi đang giảng dạy ở nhiều đại học cũng như Viện John Von Neumann (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), nơi tập trung nhiều tinh hoa trẻ ở TP.HCM lẫn nhiều nơi khác. Gọi là “nhiều” nhưng không là bao nhiêu nếu so với nhu cầu của xã hội. Một trong những lý do chính là vì đây mới chỉ là một chương trình mũi nhọn chứ quy mô, sự quan tâm chưa được đất nước đặt đúng tầm.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực nhất định chúng ta đã kêu gọi được vài ngàn trí thức trẻ quay trở về đóng góp cho quê hương, nhưng số lượng người Việt trẻ tài năng ở nước ngoài là con số hàng chục ngàn, rất nhiều người trong số đó đã có những thành tích đến người nước ngoài cũng phải nể phục. Đơn cử trong rất nhiều bộ của Mỹ có nhiều người Việt làm việc.

Đừng đợi chờ, trì hoãn nữa. Những người tài Việt rời đất nước vài chục năm trước vẫn còn nói tiếng Việt, trong mình dòng máu Việt vẫn chảy, vẫn còn trăn trở thì vẫn còn có thể gọi họ về đóng góp cho đất nước. Không gọi được họ về lúc này thì đến thế hệ con cháu của họ, mọi việc sẽ khó gấp bội, lúc đó mọi thứ sẽ phải rất sòng phẳng.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta chưa tạo ra nhiều giá trị để có thể thu hút trí thức trẻ, vì vậy họ dần tìm cách “đầu quân” ra nước ngoài.

Tôi thường xuyên phải ký thư giới thiệu để các em xuất ngoại, điều đó khiến tôi suy nghĩ mãi. Đừng bao giờ nghĩ họ chỉ đi tìm đồng lương. Đừng đánh giá thấp động lực thật của họ. Người tài thường chỉ có một ước mơ rằng xã hội thừa nhận và tận dụng tối đa năng lực của họ.

Ở nước ngoài họ được động viên, tạo điều kiện đạt tối đa những gì trời phú cho họ. Ở trong nước hay TP.HCM, điều này có lẽ còn quá xa để bàn tới.

Bạn suy nghĩ như thế nào? Các ý kiến đóng góp cho diễn đàn, mời bạn gửi về báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM”), email: [email protected], hoặc: [email protected].

Giáo sư PHAN VĂN TRƯỜNG (nguyên cố vấn Chính phủ Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp