Dòng xe nối đuôi nhau trên đường Phan Văn Trị đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Lê Đức Thọ, P7, Gò Vấp tối 7-9 - Ảnh: Q.KHẢI |
Có lẽ chưa cần đến các số liệu, chẳng cần đến những cuộc thống kê, mỗi người dân TP.HCM, Hà Nội cũng cảm nhận được sự vất vả trong chuyện di chuyển mỗi ngày khi ra đường.
Một con đường hoành tráng, đẹp đẽ như đường Phạm Văn Đồng, khi ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho khu vực Gò Vấp, Phú Nhuận... (TP.HCM), nhưng nay thì mỗi sáng và lúc chiều tà đã bắt đầu thấy di chuyển vất vả khó khăn, chẳng còn bon bon thông thoáng như những tháng đầu sau khi khánh thành.
Nghĩ cũng bình thường thôi, khi một thành phố hơn 13 triệu dân như TP.HCM mà hệ thống giao thông chỉ sống nhờ trên bề mặt. Con số này tương đương với Tokyo. Nhưng thử nhìn hệ thống giao thông của Tokyo thì thấy ngay vì sao TP.HCM khốn khổ vì giao thông.
Đó là thủ đô Nhật Bản đã có một hệ thống xe điện ngầm mà nhiều người ví nó chằng chịt như mạng nhện và nhiều tầng như một tổ kiến! Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, TP.HCM hay cả thủ đô Hà Nội làm sao mơ được chuyện xây dựng một hệ thống giao thông ngầm như Tokyo?
Chẳng lẽ chúng ta bó tay chịu trận, để ngày lại ngày khốn khổ với chuyện di chuyển, vừa tốn thời gian vừa phải hít khói bụi? Đã có giải pháp đưa ra, như Hà Nội vừa dự tính, đó là xây dựng một lộ trình cấm dần xe máy cho đến lúc cấm hẳn. Thật ra, TP.HCM cách đây vài năm cũng có đề xuất này nhưng đã gặp phải sự phản ứng của dư luận.
Nhưng có lẽ đã đến lúc phải quay trở lại câu chuyện này, trong một bối cảnh khác, bức xúc hơn, quyết liệt hơn. Đặc biệt, cũng cần phải mở rộng hơn vấn đề, đó là không chỉ hạn chế xe máy, mà phải tính luôn cả chuyện siết các phương tiện giao thông cá nhân.
Bởi cứ nhìn vào thực tế trên đường, đâu phải chỉ có quá tải vì xe máy, mà xe hơi cũng là tác nhân quan trọng gây ùn tắc khi một chiếc chiếm cả chục mét vuông mặt đường nhưng trên xe chỉ có một hoặc hai người. Ở nhiều quốc gia tiên tiến như Mỹ, Singapore... đã có những biện pháp quyết liệt để hạn chế chuyện xe hơi đi giờ cao điểm mà chỉ có chở một, hai người. Tại sao chúng ta lại không?
Và nữa, một khi siết người dân về phương tiện cá nhân, liệu Nhà nước có đủ lực để đảm bảo một hệ thống xe buýt thật ngon lành?
Và còn gì nữa để giúp giải cứu cho giao thông ở hai đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội? Kính mời bạn đọc là những người tâm huyết với thành phố, là những chuyên gia am hiểu giao thông... cùng tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” trên Tuổi Trẻ từ hôm nay (*). Trên số báo này, diễn đàn sẽ mở đầu bằng ý kiến quyết liệt của TS Lương Hoài Nam trong vấn đề cấm xe máy.
_________
(*) Các bài viết tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” xin gửi về địa chỉ email: [email protected], và thư tay xin gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài phong bì xin ghi rõ tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận