29/02/2024 16:11 GMT+7

Môi giới hối lộ ở trạm cảnh sát giao thông Suối Tre: Sao không có ai bị xử lý hành vi nhận hối lộ?

TUYẾT MAI
và 1 tác giả khác

Có 8 người nhận tiền của nhà xe, tài xế bị truy tố về hành vi môi giới hối lộ. Các bị can khai lấy tiền với mục đích ‘hối lộ cảnh sát giao thông’ để bỏ qua các lỗi vi phạm, nhưng chưa có ai bị truy tố về hành vi nhận hối lộ.

Lực lượng cảnh sát giao thông trạm Suối Tre tuần tra, kiểm soát trên đường - Ảnh: A LỘC

Lực lượng cảnh sát giao thông trạm Suối Tre tuần tra, kiểm soát trên đường - Ảnh: A LỘC

Hơn 200 nhà xe, tài xế đưa tiền để "mua đường"

Toàn bộ cáo trạng vụ án "môi giới hối lộ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra ở trạm cảnh sát giao thông Suối Tre (Đồng Nai) đã hé mở một đường dây đưa, nhận hối lộ tồn tại trong nhiều năm, liên quan nhiều tỉnh, thành.

Theo cáo buộc của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, nhóm Trương Công Quang đã nhận hơn 2.200 giao dịch tiền bằng tài khoản, đưa tiền mặt, với tổng số tiền trên 2,7 tỉ đồng để môi giới hối lộ cho cảnh sát giao thông.

Theo Viện KSND, cơ quan điều tra xác định có trên 200 chủ xe, tài xế chở hàng trên các quốc lộ đã móc nối với những người trên để chuyển tiền vào tài khoản, với "mục đích hối lộ cảnh sát giao thông bỏ qua không kiểm tra, xử lý vi phạm với người và xe vi phạm luật giao thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai".

Cơ quan điều tra xác định Trần Quang Tân - tài xế riêng của cựu trưởng trạm cảnh sát giao thông Suối Tre - đã nhận tiền từ Trương Công Quang (Quang lấy tiền từ chủ xe, tài xế) gần 1,6 tỉ đồng "để hối lộ cảnh sát giao thông".

Ở lời khai khác, Trần Thị Diệu Hoa (nhân viên trạm xăng dầu Lan Phượng 2016, đóng trên quốc lộ 1 thuộc huyện Xuân lộc, Đồng Nai) khai có mối quan hệ thân quen với trung tá Lê Ánh Dương (trưởng trạm giao thông Suối Tre) và quen biết một số cán bộ cảnh sát giao thông của trạm.

Hoa khai trung tá Dương nói với Hoa nếu có tài xế nào muốn chung chi, hối lộ cho cảnh sát giao thông thì Hoa cứ nhận và có người của ông Dương đến nhận.

Sau đó tài xế riêng của ông Dương là Tân đến gặp Hoa theo chỉ đạo của ông Dương. Tổng số tiền Hoa đã nhận từ các lái xe khoảng 220 triệu đồng, với mục đích hối lộ cảnh sát giao thông để bỏ qua, không kiểm tra, xử lý vi phạm của người và xe. Trong tổng số tiền đã nhận, Hoa khai đã đưa cho tài xế Tân 150 triệu đồng.

Cáo buộc của Viện KSND cũng nêu rõ Trần Công Quang khai nhận của Hoa 70 triệu đồng đưa cho một cảnh sát giao thông thuộc "tổ tuần tra đặc biệt". Nguyễn Đăng Khoa khai sau khi nhận tiền từ chủ xe, tài xế cũng đã đưa 65 triệu đồng cho một người tên D. thuộc "tổ tuần tra đặc biệt".

Theo cáo trạng, trung tá Lê Ánh Dương đã phủ nhận lời khai của bị can khác. Riêng các lời khai về việc đưa tiền cho một số cảnh sát giao thông, cơ quan điều tra vẫn đang xác minh. Do vậy, vụ án này sẽ được tiếp tục điều tra và chưa có ai bị truy tố về hành vi nhận hối lộ.

Môi giới hối lộ phải có người đưa và người nhận

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trong Bộ luật Hình sự đã có quy định các tội danh nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Theo ông Hoan, hiểu theo lẽ thông thường, có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ. Có người môi giới hối lộ thì phải có người nhận hối lộ và người đưa hối lộ.

Luật sư Hoan nói: "Tội môi giới hối lộ được hoàn thành kể từ thời điểm đạt được sự thỏa thuận giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ, không phụ thuộc vào việc người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền (vật chất) hay chưa".

Cũng theo luật sư Hoan, điều 364 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…". Ở đây việc sẽ đưa "lợi ích" cũng bị xử lý, chứ không phải chỉ "đã đưa".

Còn đối với điều 354 ở bộ luật trên thì "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ" cũng bị xử lý về tội nhận hối lộ

Như vậy, dấu hiệu bắt buộc của "tội môi giới hối lộ" là phải có sự thống nhất giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ về việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn và lợi ích phải đưa mà sự thống nhất này thông qua trung gian là người môi giới.

"Nếu một người nhận lợi ích của người đưa và nói rằng sẽ đưa cho người nhận nhưng không có người nhận hối lộ thì hành vi này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Hoan nói.

Truy tố nhóm Truy tố nhóm 'cò' nhận tiền tỉ bảo kê cho xe quá tải qua trạm Suối Tre

Viện KSND tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất cáo trạng truy tố nhóm 'cò' môi giới hối lộ, lấy tiền tỉ để bảo kê cho xe quá tải qua trạm cảnh sát giao thông Suối Tre. Đáng chú ý, trong nhóm 'cò' này còn có tài xế riêng của cựu trưởng trạm Suối Tre.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp