24/10/2022 10:48 GMT+7

Mời dân trồng rau sạch

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Nửa năm qua, nhiều người đi đường khi qua trước cổng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đều trầm trồ trước hai cánh đồng rau xanh, nhiều vườn cây um tùm che kín đầu người.

Mời dân trồng rau sạch - Ảnh 1.

Khu đất um tùm cây dại tồn tại hàng chục năm được ông Tăng Tấn Tài phát dọn và biến thành vườn rau, cây trái - Ảnh: B.D.

Nỗi sợ "ăn rau bẩn" khiến nhiều người thành phố có xu hướng tự gây dựng vườn trồng cây trong thùng xốp, giàn treo.

Nhưng ở thành phố Đà Nẵng lại có những câu chuyện thú vị khi chính quyền đứng ra phát dọn, lắp điện nước rồi mời dân vào trồng hàng ngàn vườn rau.

Nửa năm qua, nhiều người đi đường khi qua trước cổng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đều trầm trồ trước hai cánh đồng rau xanh, nhiều vườn cây um tùm che kín đầu người. 

Khi ủy ban phường đi "khai hoang" đất cho dân

Chúng tôi ghé vườn rau của các hộ dân trước cổng Trường Nguyễn Thượng Hiền vào buổi chiều. Một cảnh tượng "ra đồng" rôm rả, vui vẻ y hệt như trên cánh đồng vùng nông thôn. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà số 16 đường Nguyễn Khắc Nhu (Hòa Minh), trước đây không có kiến thức làm nông. Nhưng nửa năm qua ông đã thành một "nông dân" chính hiệu, tự gầy dựng vườn rau rộng gần 60m2 của mình trong khoảnh đất có tổng diện tích hơn 1.000m2 mà các hộ dân ở quanh Trường Nguyễn Thượng Hiền đang làm. 

Vườn rau của ông hai bên được chất hai hàng gạch, đá xà bần cao gần nửa mét. 

Ông Hùng nói rằng trước đó khu đất này bị bỏ không, xe xà bần hạ giải tấp lên nền đất, cây dại, cỏ gai mọc um tùm. 

Khi bà con gọi nhau ra khai hoang, mọi người phải mất cả tuần "sàng" từng viên gạch, dùng bồ cào đào xuống lớp đất rồi lựa đá bỏ qua một bên.

Chúng tôi chú ý đến dòng băng rôn lớn được treo rất trang trọng trước vườn rau của ông Hùng và bà con ở tổ dân cư Hòa Mỹ 7. Trên băng rôn này có ghi rõ đây là công trình của chi hội nông dân thuộc phường Hòa Minh. 

Điều rất bất ngờ mà các "nông dân" ở đây kể là sở dĩ họ có khu vườn rau đẹp, xanh mướt như vậy là từ sự phát động và triển khai của phường. Một người trồng rau nói rằng tháng 4 đầu năm, phường thông qua các tổ dân phố và đoàn thể gửi thông báo xuống từng hộ dân ai có nhu cầu... làm rau sạch, làm vườn thuốc nam, trồng cây cảnh thì đăng ký. 

"Bà con tạo nhóm Zalo theo các tổ dân phố rồi đăng ký rất rôm rả. Nghe nói có đất làm vườn ai cũng thích, dù nhiều người cả đời chưa cầm cây cuốc, chưa bón một hạt phân cho cây. Điều thú vị hơn là ủy ban phường sẽ đứng ra "khai hoang" đất, phát dọn xà bần, chuẩn bị mặt bằng và rào lưới, lắp đồng hồ nước, quây lưới thép bao quanh để bà con làm" - bà Lê Thị Tú, đường Nguyễn Khắc Nhu, kể.

Hóa ra câu chuyện "phường đi khai hoang đất cho dân" không phải là chuyện nói cho vui. Ông Đinh Hữu Phúc - chủ tịch UBND phường Hòa Minh - đưa cho chúng tôi một bản kế hoạch vận động, thông báo tạm sử dụng các khu đất mà phường đang được giao quản lý. 

Có khoảng 4.000 lô như vậy nằm rải rác ở các khu dân cư, trong đó nhiều block đất rộng hàng ngàn mét vuông nằm liền kề nhau. Quá lâu không được sử dụng, nhiều khu cỏ dại mọc um tùm, trở thành bãi đẻ cho côn trùng, chuột... Nhiều khu đất trống trở thành bãi đổ trộm rác, xà bần. 

Theo ông Phúc, thay vì bỏ hoang, phường đã nảy ra sáng kiến vận động bà con trồng rau, làm vườn. 

"Chúng tôi phân về cho các tổ dân phố, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân. Để khích lệ bà con phường bỏ kinh phí cho xe san ủi, dọn dẹp cây cối và xà bần bề mặt; mua lưới quây rào lại, lắp đặt đồng hồ nước về tận nơi" - ông Phúc nói.

Mời dân trồng rau sạch - Ảnh 2.

Vườn rau của các hộ gia đình ở phường Hòa Minh được UBND phường lắp nước, làm hàng rào và dọn dẹp xà bần rồi tặng cho bà con trồng rau xanh - Ảnh: B.D

Những "hai lúa" chính hiệu

Buổi chiều đi dọc các khu đất trống chưa xây dựng nhà cửa ở các quận như Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn... dễ dàng thấy những vườn rau xanh mướt, mỗi mùa một thứ cây, rau, cây trái được người dân chỉ nhau chăm bón và đơm hoa kết trái khiến ai cũng thích thú. 

Nhiều người làm vườn ở thành phố nói rằng họ thậm chí trồng rau, cây trái lên là để ăn. Nhưng trồng thấy cây lớn "diệu kỳ" và thích quá nên... không nỡ thu hoạch, cứ để quả, lá mơn mởn vậy cho tới già. 

"Chúng tôi nhìn ngắm cũng thấy "no" rồi. Ai trồng cây mới hiểu cái cảm giác thích thú và kỳ diệu khi thấy công sức, nước non đổ xuống từ thửa đất khô khát để thành một mầm cây và đơm hoa kết trái. 

Không biết rau mình trồng có ngon thật không chứ cảm giác ăn vào như ăn của ngon vật lạ vậy, vừa ăn vừa ngắm vừa kể, quan trọng nhất là an tâm vì sạch tuyệt đối" - ông Hồ Văn Minh (khu đô thị Phước Lý, quận Liên Chiểu) kể. 

Nhiều người dân cho biết việc khai hoang, trồng rau sạch được chính quyền khuyến khích và tạo mọi điều kiện để bà con làm vừa sạch sẽ môi trường quanh khu dân cư, người dân lại có nguồn rau hữu cơ để dùng hằng ngày.

Mấy tuần qua, nhiều người đi qua khu dân cư tổ 29 phường Hòa Khánh Nam đều thấy một sự thay đổi đáng kể ở các vệt đất hoang. Nhiều năm bỏ trống, các lô đất này nơi thì bị bao chiếm, nơi thì dày đặc cây dại làm chỗ ở cho côn trùng, ruồi muỗi, chuột rắn. 

Bỗng một ngày, một hộ dân có ý tưởng "khai khẩn" để làm vườn rau. Người này cho xe ủi về san đất, mua thép gai quây hàng rào, đất làm sạch và gieo hạt lên tươi tốt làm nhiều bà con thích thú. Thấy có rau sạch ăn, các hộ dân khác cũng bắt đầu làm theo. 

Vào cuối ngày sau giờ làm việc, một nhóm đàn ông cởi trần, nhiều người khệ nệ bụng mỡ ra cầm dao phát dọn cây cối. Không rõ làm năng suất ra sao, nhưng chiều nào khu đất hoang này cũng vui như trẩy hội.

Sau nhiều ngày, khi quay lại vị trí này, chúng tôi đã bất ngờ khi thấy tất cả cây hoang, xà bần đã biến mất. Thay vào đó là những khoảnh đất được chia lô, phát quang sạch sẽ. Những mầm chuối đã hé đọt non, những luống rau, hàng khoai môn đã được bà con gieo lên. 

Ông Hồ Sĩ Hậu - một thành viên tổ 29 - cho biết ông từng tận dụng các lô đất trống quanh khu dân cư để làm vườn, nhưng phần lớn làm được một thời gian thì đất bị lấy đi để làm nhà cửa. Việc khai hoang này được tổ dân phố, chính quyền phường rất ủng hộ.

"Khu đất mà tôi cùng bà con đang làm là đất chưa chia lô, làm được lâu dài nên mình ra phát dọn rồi trồng cây trái. Tôi xuất thân từ nông dân nên việc dọn vườn, trồng rau nằm trong tầm tay". Ông Hậu nói rành rọt về quy trình trồng tỉa trên đất mới "khai hoang", khi mới trồng thì ưu tiên cây gì, mùa nào thì trồng cây nào cho thích hợp. 

"Khoảnh đất mới khai hoang chỗ nào cằn cỗi tôi sẽ trồng củ sắn cho xốp đất, chỗ nào đá nhiều thì mình trồng cây khoai môn, chọn chỗ đất thịt tơi xốp để trồng các loại rau. Cứ siêng năng chịu khó là có rau ăn, buổi chiều đi làm về thay vì cầm điện thoại, chạy thể dục thì làm vườn sẽ lợi cả đôi đường" - ông Hậu nói.

Kề sát bên khu đất ông Hậu "khai hoang", ông Tăng Tấn Tài - một hộ mới chuyển về tổ 29 - cũng mua thép gai quây bao toàn bộ dải đất trống, thuê máy ủi về san xới rồi mời bà con vào cùng trồng rau. 

"Tôi dân làm nông nên khi về đây thấy đất bỏ hoang mà thèm. Mình chịu khó một tí vừa có rau ăn, vừa có niềm vui. Giờ có tiền nhưng ra chợ, đi siêu thị chắc gì đã mua được rau sạch" - ông Tài nói.

Những "chợ" rau đặc biệt

Ở thành phố Đà Nẵng ngoài siêu thị, chợ thì ở các khu dân cư có những "chợ" rau vô cùng đặc biệt mà chỉ có thầy cô giáo, cán bộ phường, bà con lân cận mới biết.

Từ các lô đất trống mà phường cho sử dụng, các hộ dân đã làm rau cung cấp cho gia đình, tặng cho hàng xóm, người thân và một phần bán cho người mua.

Những mớ rau này không đưa ra chợ mà ai biết thì ghé tới hỏi, người bán cũng chỉ ngồi ra đường mua niềm vui từ công việc "buôn bán" của mình, có khi người mua tự tới vườn để hái.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở nhà số 16 Nguyễn Khắc Nhu nói nửa năm nay nhà ông và gia đình các con không đi mua rau bên ngoài mà lấy từ mảnh vườn do ông tự tay trồng tỉa, chăm sóc.

"Tui làm ra ăn dư thừa thì cứ ngồi trước cổng trường bán cho các thầy cô, họ thích trả bao nhiêu thì trả. Mỗi ngày gom được ít nhất 20.000 đồng để trả tiền nước tưới, rứa là vui rồi" - ông Hùng nói.

Bà Phan Thị Trúc (Hội phụ nữ Hòa Minh) nói rằng khoảnh rau của bà và chị em trồng nửa năm qua ngoài cung cấp phần cho các hội viên, bà con thì còn bán được gần 3 triệu đồng, toàn bộ được dành tặng trẻ em mồ côi và mua quà trung thu cho thiếu nhi.

Trồng rau sạch, sống khỏe ở miền Trung Trồng rau sạch, sống khỏe ở miền Trung

TTO - Nước sông Vệ thênh thang chảy về đoạn cuối trước khi đổ ra biển, bên tả ngạn (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) rau sạch xanh rì, không có thuốc và phân hóa học...

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp