Thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát Công ty VPF được bầu tháng 11-2020 - Ảnh: VPF
Cuộc họp chiều 24-8 giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty VPF với lãnh đạo 27 CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam diễn ra trong không khí vô cùng căng thẳng.
Yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường Công ty VPF
Cuộc họp để thống nhất thông qua phương án hủy giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 nhưng nội dung chính lại là màn "đấu khẩu" giữa các CLB với lãnh đạo VFF, VPF.
Trong cuộc họp, lãnh đạo một số CLB Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Phố Hiến, Quảng Nam... đề nghị cải tổ bộ máy VPF. Các ý kiến này cho rằng VPF áp đặt, thiếu năng lực và bề trên với các đội bóng.
Ông Trương Sỹ Bá - chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An, ông Vũ Tiến Thành - đại diện CLB Phố Hiến, ông Văn Trần Hoàn - chủ tịch CLB Hải Phòng - yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông VPF để bàn về việc thay đổi nhân sự ở công ty này.
Cuộc "đối thoại" gay gắt đến phút cuối khi đến phần kết luận của chủ tịch hội đồng quản trị VPF Trần Anh Tú nhưng đại diện CLB Hải Phòng vẫn tiếp tục nói rất mạnh. Tuy nhiên lúc này micro của ông Hoàn đã bị tắt.
Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 đã bất ngờ bị hủy vì dịch COVID-19 và những bất đồng quan điểm từ các CLB dự giải - Ảnh: MINH ĐỨC
Các đội bóng cũng phải xem lại mình
Đáp trả lại ý kiến gay gắt của một số đội bóng, ông Lê Văn Thành - phó chủ tịch tài chính VFF - nói một số lãnh đạo CLB mới được bầu như Phố Hiến, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng chưa nắm rõ nên phát biểu thiếu khách quan, công bằng.
"VPF đang làm theo điều lệ công ty và chịu sự giám sát chặt chẽ của VFF cũng như các cổ đông", ông nói.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online sau cuộc họp, ông Thành nói thêm: "Lúc bóng đá Việt Nam khó khăn nhất thì ông Trần Anh Tú đứng ra nhận nhiệm vụ. Chính các CLB đã bầu ông Tú và giúp bóng đá Việt Nam có nhiều thành quả trong 3 năm qua.
Mùa giải 2021 trục trặc do COVID-19, việc điều hành vì thế cũng bị ảnh hưởng, có thể có những chệch choạc nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò của ông Tú cũng như VPF".
Ông Trần Anh Tú là thành viên thường trực VFF, là một trong những đại diện của VFF được giới thiệu tham gia hội đồng quản trị VPF. Hiện VFF nắm giữ hơn 30% cổ phần của VPF, số còn lại thuộc về 22 đội bóng chuyên nghiệp.
Năm 2017, ông Trần Anh Tú được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VPF nhiệm kỳ 3 (2017 - 2020). Thời điểm này bóng đá Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu hút nhà tài trợ cho giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trong 3 năm tại vị, ông Tú đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đưa về cho bóng đá những hợp đồng tài trợ lớn, V-League kéo ngày càng đông cổ động viên đến sân. Ngày 28-11-2020, tại đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 4 (2020 - 2023), ông Tú tái đắc cử chức danh chủ tịch hội đồng quản trị.
Trong hội đồng quản trị Công ty VPF hiện nay còn có 6 thành viên ngoài ông Tú là ông Nguyễn Minh Ngọc, bà Đinh Thị Thu Trang (đại diện vốn của VFF), ông Nguyễn Quốc Hội, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Minh Dũng (đại diện vốn của 22 CLB chuyên nghiệp).
Khi phê phán VPF cũng phải nói đến trách nhiệm của các CLB, đại diện các CLB tham gia hội đồng quản trị Công ty VPF. Bốn thành viên hội đồng quản trị Công ty VPF đại diện cho 22 CLB chuyên nghiệp hiện nay đều rất yếu, thiếu chuyên nghiệp.
Khi quyết định các vấn đề quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thời gian qua, các thành viên hội đồng quản trị này gần như im lặng và luôn "gật" với các đề xuất từ ban tổng giám đốc VPF trình lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận