18/01/2025 16:18 GMT+7

Môi biến dạng, chảy dịch sau khi xăm môi thẩm mỹ, cảnh giác biến chứng xăm môi

Một tháng sau khi xăm môi, chị T. phát hiện môi xuất hiện các nốt mụn nước. Chỉ trong hai ngày, tình trạng nhanh chóng trở nên nghiêm trọng với hiện tượng chảy dịch và đóng vảy.

Môi biến dạng, chảy dịch sau khi xăm môi thẩm mỹ - Ảnh 1.

Cô gái gặp biến chứng sau khi xăm môi tại cơ sở thẩm mỹ - Ảnh: BVCC

Cẩn trọng với biến chứng khi xăm môi

Cách đây 1 tháng, chị L.T.T. (29 tuổi, Hà Nội) thực hiện xăm môi tại một cơ sở thẩm mỹ. Hai ngày trước khi đến cơ sở y tế thăm khám, môi chị T. xuất hiện các tổn thương mụn nước. Sau đó 1 ngày có hiện tượng chảy dịch và đóng vảy. Lo lắng, chị T. đến cơ sở y tế kiểm tra.

Tại cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm cho thấy chị T. dương tính với HSV-1 IgM, phù hợp với nhiễm trùng cấp, có tình trạng bội nhiễm. Chị được các bác sĩ chẩn đoán mắc vi rút Herpes simplex bội nhiễm tụ cầu vàng.

Chị T. được chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường uống và bôi tại chỗ, Acyclovir đường uống, hướng dẫn chăm sóc môi tại nhà.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Trang - bác sĩ chuyên khoa da liễu, vi rút Herpes simplex (HSV) là một loại vi rút gây bệnh da liễu phổ biến, chủ yếu gồm hai chủng chính: HSV-1 chủ yếu gây tổn thương ở vùng miệng, môi và mặt; HSV-2 thường liên quan đến nhiễm trùng sinh dục.

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn thường trú trên da, có khả năng xâm nhập và gây nhiễm trùng khi da hoặc niêm mạc bị tổn thương. 

Bội nhiễm tụ cầu vàng xảy ra khi các tổn thương do HSV tạo ra trở thành cửa ngõ cho vi khuẩn tụ cầu xâm nhập, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng phức tạp và khó điều trị hơn.

Vi rút lây truyền thế nào?

Bác sĩ Trang cho hay HSV lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ tổn thương mụn nước, nước bọt hoặc qua các vật dụng nhiễm vi rút như khăn mặt, bàn chải đánh răng, ly uống nước.

Vi rút cũng có thể lây qua các thủ thuật thẩm mỹ không đảm bảo vô trùng như xăm môi, cắt mí. Tụ cầu vàng xâm nhập qua các vết thương hở hoặc tổn thương trên da, có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc qua bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn.

Người bị Herpes môi có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như hạch bạch huyết sưng, các cơ nhức mỏi, đau đầu, đau họng, sốt nhẹ...

HSV bội nhiễm tụ cầu vàng có thể gây tổn thương da nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ để lại sẹo hoặc loét sâu.

Nhiễm trùng có thể lan rộng, gây viêm mô tế bào, áp xe hoặc thậm chí nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. HSV trong một số trường hợp có thể lan vào hệ thần kinh, gây biến chứng nặng như viêm màng não hoặc viêm não.

Ngoài ra, tổn thương vùng mặt và môi nặng nề có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây tâm lý tự ti cho người bệnh.

Phòng bệnh ra sao?

Bác sĩ Trang khuyến cáo, để phòng bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người có tổn thương mụn nước hoặc đang nhiễm HSV; không sử dụng chung đồ cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, ly uống nước.

Chọn các cơ sở làm đẹp uy tín, đảm bảo quy trình vệ sinh, vô trùng khi thực hiện các thủ thuật như xăm môi, cắt mí; tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau thủ thuật.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt khi có vết thương hở trên da; tránh cào gãi hoặc làm vỡ các mụn nước, vì điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập;

Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc; nếu xuất hiện các tổn thương bất thường ở môi, đặc biệt sau khi thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Môi biến dạng, chảy dịch sau khi xăm môi thẩm mỹ - Ảnh 2.Herpes môi (mụn rộp môi)

Bệnh Herpes môi, đôi khi được gọi là mụn nước sốt (sốt vỉ), là đám vết phồng rộp nhỏ trên môi và xung quanh miệng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp