Ngoài vắc xin ngừa COVID-19, Moderna đang nghiên cứu vắc xin ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm khác - Ảnh: REUTERS
Trong một cuộc phỏng vấn, chủ tịch Moderna Stephen Hoge cho biết theo chiến lược phát triển mới, Moderna hiện đang cộng tác với các đối tác để phát triển vắc xin ngăn ngừa khoảng 15 mầm bệnh như Crimea-Congo, sốt xuất huyết, Ebola, sốt rét, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), COVID-19.
Cũng theo ông Hoge, Moderna dự định cung cấp công nghệ mRNA cho các nhà nghiên cứu đang bào chế vắc xin mới phòng ngừa các bệnh mới xuất hiện hoặc những bệnh không được chú ý đến thông qua chương trình có tên Tiếp cận mRNA.
Ông chia sẻ: "Điều chúng tôi muốn đảm bảo là các nhà khoa học có ý tưởng tuyệt vời về cách họ có thể tạo ra vắc xin sẽ có thể tiếp cận các tiêu chuẩn và công nghệ của chúng tôi, gần như thể họ làm việc tại Moderna. Moderna cũng sẽ tìm kiếm thêm đối tác mới hoặc tự phát triển các loại vắc xin phòng bệnh khác".
Trước đó, giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel cho biết 15 loại virus gây các bệnh nói trên là mối đe dọa đã được biết đến nhưng chưa được nhiều nhà sản xuất thuốc giải quyết triệt để. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã làm quá nhiều người tử vong trong hơn 2 năm qua và điều đó chứng tỏ cần phải có sự thay đổi.
Ngay từ giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, Moderna đã cam kết miễn trừ quyền bảo hộ sáng chế vắc xin ngừa COVID-19 khi cuộc khủng hoảng y tế trong giai đoạn khẩn cấp. Điều này đã cho phép phát triển một nhà máy sản xuất vắc xin ở châu Phi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ như một phần của dự án thí điểm trao cho các nước thu nhập thấp và trung bình bí quyết để sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.
Công ty thông báo sẽ kéo dài quyền miễn trừ này vô thời hạn đối với 92 nước thu nhập trung bình và thấp theo Cam kết thị trường tiên tiến COVAX (COVAX AMC) về phân phối công bằng vắc xin.
Moderna công bố chiến lược mới trước thềm diễn ra hội nghị thượng đỉnh về chuẩn bị cho đại dịch toàn cầu do Chính phủ Vương quốc Anh và Liên minh Đổi mới sẵn sàng vì dịch bệnh (CEPI) tài trợ. Trong kế hoạch hoạt động 5 năm kể từ năm 2022, CEPI kêu gọi các quốc gia hỗ trợ khoản đầu tư khoảng 3,5 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận