04/06/2008 13:02 GMT+7

Mobylette hồi sinh

Theo KIM CÚCDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo KIM CÚCDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bây giờ, khi bị kẹt xe, ai cũng tranh thủ từng phút từng giây, cố đi nhanh hơn để qua khỏi những con đường đông nghịt đầy khói bụi. Trong các đoàn xe dài nối nhau trên đường, cứ ngỡ không còn chỗ cho những chiếc xe đạp máy cổ lỗ sĩ, vừa chậm chạp vừa hay dở chứng. Vậy mà thỉnh thoảng, vẫn xuất hiện trên đường phố những chiếc xe mobylette với tiếng máy khua nghe chậm chạp như muốn trêu ngươi.

Những người yêu “lết”

hoqVJxe2.jpgPhóng to

Một chiếc mobylette vừa được tân trang

Sau ba lần thất hẹn, cuối cùng chủ nhân chiếc xe mobylette “gin” nhất còn lại ở Việt Nam (do Hội Liên Hiệp Thanh Niên tỉnh Khánh Hòa và Hội Honda 67 Việt Nam công nhận) mới cho xe “lộ diện”. Nguyên nhân là hai lần hẹn trước, chủ nhân chiếc xe quý hiếm này nhất quyết không mang theo “bảo bối” vì sợ nước mưa làm… gỉ xe.

Thoạt nhìn, chiếc xe như vừa được ai đó tiếc rẻ lôi ra từ một gánh ve chai. Đó là một chiếc mobylette ba đũa đã gần 60 năm tuổi với lớp sơn ngoài loang lổ, nhuốm màu thời gian. Vậy mà người chủ xe đã say sưa thuyết minh về “mớ sắt vụn” đó hàng giờ đồng hồ: “Đừng thấy lớp sơn bị bong tróc từng mảng mà xem thường! Đó mới chính là màu sơn nguyên thủy của dòng xe ba đũa này. Khi mới mua về, tôi phải dùng kỹ thuật lột từng lớp sơn mà mấy người chủ trước quét bên ngoài mới lộ ra được cái màu sơn “gin” này đấy!”.

Để tìm được những chiếc mobylette còn “gin” hiếm hoi như thế (có khi chỉ là cái sườn xe), dân chơi mobylette phải lặn lội về các vùng ven như Thủ Đức, Hóc Môn, thậm chí xuống các tỉnh Long An, Tiền Giang hoặc ngược lên Đồng Nai, Bình Dương... Anh Tuấn - thường được bạn bè trong hội “lết” gọi là “Tuấn CD” - kể: “Lần đó tôi xuống tới Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm được một chiếc mobylette người ta treo trong chuồng heo. Ban đầu, người chủ đồng ý bán với giá ba triệu rưỡi. Đến khi mang tiền xuống lấy xe, anh ta lại lên giá. Đến lần thứ tư, giá tăng lên bảy triệu rưỡi, tôi mới mang được chiếc xe đó về”.

Cũng chính nhờ những chuyến đi như thế mà hiện nay, anh Tuấn đã thu thập được hơn 30 chiếc mobylette đủ các loại: xanh, xám, đũa... Tuy nhiên, người sở hữu nhiều xe mobylette nhất (hơn 50 chiếc) ở TP.HCM là anh Tấn Hoàng, thường được các tay chơi xe gọi là “Hoàng bitis”. Anh Hoàng không chỉ nổi tiếng về số lượng xe mà còn được nhiều anh em nể vì cách chơi xe khá độc. Nếu thấy một người đàn ông trung niên, mặc bộ đồ bà ba màu xám xưa cũ, đầu đội nón cối, chạy mobylette bình bịch ngoài đường, đó đích thị là “Hoàng bitis”.

Mobylette là một thú chơi hoàn toàn mở, từ những ông chủ như anh Hoàng đến những người bình dân, thanh niên lẫn người già, cả nam lẫn nữ đều có thể trở thành “tín đồ” của “giáo phái bình bịch” này. Anh Nhạc (ở Gò Vấp), một người thợ sửa xe mobylette, nổi tiếng khắp hội không phải vì tài sửa xe mà vì có ba cô con gái rất mê mobylette. Dịp 30-4 vừa rồi, cả câu lạc bộ rủ nhau đi Nha Trang. Mọi người đều đi bằng xe hơi, chỉ chạy xe lúc về. Riêng hai cô con gái lớn nhà anh Nhạc thì chạy mobylette cả hai lượt đi, về.

Mỹ Hòa - cô chị cả vẫn còn rất vui khi nhớ lại: “Hai chị em cùng với một anh thợ sửa xe khởi hành từ Gò Vấp lúc 12 giờ đêm. Đến hai giờ chiều hôm sau mới tới nơi. Nhờ chuyến đi đó mà “tay nghề” sửa xe của tôi cũng tiến bộ lên một chút. Bây giờ, thay bugi, gắn sên, siết ốc, tháo dây cua-roa... chỉ là chuyện nhỏ thôi!”. Việc mày mò sửa xe giữa đường và bị trầy xước đã trở thành chuyện hằng ngày của những người lỡ yêu “lết”. Trong chiếc túi da đeo bên hông xe, ngoài những ốc vít, kềm, búa… còn có thêm một hộp gạc y tế. Thế mới biết, làm bạn với mobylette vui thì rất vui, mà cực cũng rất cực, nhiều phen dở khóc dở cười.

Người trẻ chơi xe có niềm đam mê riêng của họ, thường là muốn sưu tầm được nhiều chiếc xe đẹp và độc. Anh Nguyễn Thạch Lân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mobylette Sài Gòn không giấu giếm: “Hôm nào mua được một chiếc xe ưng ý là tối đó không ngủ được, thức suốt đêm chỉ để lau xe!”. Ngoài ra, anh còn chịu khó lục lọi khắp các quầy sách cũ để tìm cho được những tấm ảnh về xe mobylette mấy chục năm về trước. Người già lại mê xe theo kiểu khác. Trong khu phố nhỏ ở phường 10, quận 11 có một ông luật sư đã về hưu, tuổi già mắt kém, nhưng khi ra đường, nếu thấy bóng dáng “con lết” nào độc là cố nhìn thật kỹ rồi về nhà vẽ ra giấy. Ông mê mobylette đến mức nhớ rõ từng chi tiết của mỗi đời xe, từ chiếc Cady đầu tiên không có phuộc nhún đến Cady 1970 có phuộc nhún sau…

Nơi gặp gỡ của những đam mê

zGc46I6G.jpgPhóng to
Câu lạc bộ Mobylette Sài Gòn trong chuyến đi Đà Nẵng (tháng 3-2008)

Được thành lập chưa đầy một năm (tháng 9-2007), nhưng Câu lạc bộ Mobylette Sài Gòn đã có hơn 40 thành viên chính thức và nhiều nhóm “chiến hữu” ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Đây là nơi có nhiều hoạt động rôm rả nhất trong số các hội mobylette từ Bắc chí Nam. Hằng tuần, sau khi tụ tập “khoe xe” tại Công viên 23-9 hoặc Công viên Gia Định, cả hội kéo nhau về nhà các thành viên ở ngoại thành, vừa để hưởng chút không khí trong lành, vừa là dịp “cập nhật thời sự” mobylette trong tuần.

Chúng tôi cũng đã có dịp tham gia vào một ngày “họp mặt gia đình mobylette”. Sau một tiếng theo sau đoàn “cào cào” băng qua những con đường nội ô đầy khói bụi, chúng tôi bắt đầu đi vào những con đường nhỏ rợp bóng tre xanh mát của xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. “Điểm tập kết” tuần này là nhà anh Ba Lạc, một người chơi xe mobylette đã lâu năm. Ngoài những buổi rong ruổi ra ngoại thành, câu lạc bộ còn thường xuyên làm những chuyến đi dài ngày, như một cách phản bác lại quan điểm “mô-lết chậm, mô-lết không đi xa”.

Chưa đầy một năm, nhưng hội “lết” đã đi được khá nhiều nơi, thường là vào các dịp như Festival Biển ở Vũng tàu, Festival Hoa ở Đà Lạt và Ngày hội Honda 67 ở Nha Trang... Sự có mặt của những chiếc xe bình bịch đã làm cho không khí lễ hội thêm một chút vui tươi, vừa cổ điển, vừa hiện đại, sang trọng và cũng rất bình dân. Vào thời điểm này, câu lạc bộ cũng đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi Phú Quốc vào đầu tháng Sáu, chủ yếu là kiểm tra máy móc để đảm bảo xe không bị “nằm đường”.

Câu lạc bộ Mobylette Sài Gòn có nhiều hoạt động sôi nổi như hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của một người trẻ tuổi yêu “lết” - chủ nhiệm Nguyễn Thạch Lân. “Hoạt động đầu tiên của câu lạc bộ là đợt diễu hành vận động người dân đội nón bảo hiểm vào tháng 9 năm ngoái. Chúng tôi được hỗ trợ 50 chiếc nón bảo hiểm nhưng không ngờ số người đăng ký lại quá đông. Lúc đó, tôi phải bán một chiếc mobylette của mình với giá 12 triệu đồng để có tiền mua thêm 100 chiếc nón bảo hiểm phát cho các thành viên. Bán xe để chơi xe, nhưng niềm đam mê của anh không dừng lại ở đó.

Gần một năm sau khi thành lập câu lạc bộ, anh Lân đang ấp ủ ý tưởng khá độc đáo về một quán cà phê mobylette: “Tôi sẽ thiết kế mọi vật dụng trong quán đều mang dáng dấp mobylette. Ly uống nước sẽ có hình dạng như một cái pô xe ống dài. Những chiếc cốc đựng kem là hình ảnh cách điệu của các loại gáo đèn và đĩa đựng trái cây trông giống như mâm dây cua-roa”. Đó không chỉ là nơi gặp gỡ của các thành viên trong câu lạc bộ mà còn là nơi thỏa mãn niềm đam mê của những người yêu “lết”.

Những đôi tay tài hoa

izpqXraS.jpgPhóng to
Tiệm sửa xe mobylette của anh Phú (phường Đông Hưng Thuận, quận 12)

Anh Phương, Việt kiều Mỹ, thành viên CLB Mobylette Sài Gòn, cho biết: “Đâu chỉ có người Việt Nam chơi xe mobylette, ở nhiều nước khác, vẫn còn những chiếc mobylette được gìn giữ rất cẩn thận, họ có bãi, có nhà giữ xe tập trung. Thế nhưng, chỉ có ở Việt Nam, những chiếc mobylette còn lại đến bây giờ mới quý hơn nhiều, vì nó “từng trải” hơn, qua hai cuộc chiến tranh, có chiếc nằm trong gánh ve chai, có chiếc biến thành xe thồ hàng... Vậy mà người ta đã tìm lại được và trả lại cho nó hình dáng ban đầu”.

Để trả lại cho mobylette vẻ đẹp một thời như anh Phương nói thì phải kể đến vai trò của những người thợ tài hoa và tâm huyết, đã phục hồi những chiếc xe từ một đống sắt gần như đồng nát. Hiện nay, khi đã có nhiều người chơi xe mobylette, có nhiều tiệm sửa xe honda, xe đạp bình thường cũng kiêm luôn việc sửa chữa và tân trang mobylette. Tuy nhiên, địa chỉ tin cậy nhất của những người chơi mobylette vẫn là những cửa hiệu lâu năm, có uy tín. Số cửa hiệu như thế hiện nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Cửa hiệu Năm Chí (gần cầu Tham Lương) được người trong giới đánh giá là nơi “dọn” xe đẹp nhất. Mỗi khi thấy một chiếc mobylette nào có bộ cánh mới lộng lẫy lượn lờ trên phố, dân chơi nào cũng tấm tắc: “Nhất định, nó đã qua tay Năm Chí!”.

Cường “sinh đôi” trên đường Nguyễn Thiện Thuật lại nổi tiếng về khâu làm đồng. Người không tinh ý khó có thể nhận ra những nếp cắt, mối hàn, đường gò... trên những chiếc xe do anh làm đồng. Chiếc mobylette xám, bình xăng nằm phía dưới yên xe, sau khi làm đồng được anh Cường đưa lên nằm ngay trên sườn xe đã mang dáng dấp của một chiếc mobylette cổ chai độc đáo. Để có đầy đủ “đồ nghề” gia cố những chiếc xe như thế, anh Cường có cả một kho lưu trữ phụ tùng hơn hai trăm chiếc mobylette. Trong đó, có đến bảy mươi bộ sườn đũa còn nguyên tem “moto confort” chính hiệu.

Nhờ những người thợ tài hoa và giàu đam mê như Năm Chí hay anh Cường... mà những chiếc xe cũ kỹ, tưởng chừng đã lạc hậu mới có cơ hội sống lại vẻ thanh lịch, độc đáo như lúc nguyên sơ. Cũng nhờ vậy mà người dân Sài Gòn mới còn dịp chiêm ngưỡng những kiệt tác của nền công nghệ moped một đi không trở lại, cũng chính là vẻ đẹp đã thuộc về quá khứ đang được một số ít người trân trọng, giữ gìn.

xtQske7q.jpgPhóng to
Chiếc Mobylette sườn lượn trị giá hơn 2.000 USD của anh Phương
ZCk5s7Fu.jpgPhóng to

Xe dở chứng giữa đường

Theo KIM CÚCDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp