13/06/2013 07:52 GMT+7

Mơ về một bảo tàng cổ vật biển

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC

TT - Những đoán định của giới chuyên môn cho rằng số lượng tàu cổ phát hiện và khai thác được dù giá trị tương đương những kho báu lớn nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong hơn 1 triệu cây số vuông diện tích vùng biển VN. Do đó rất cần thiết phải có một đội ngũ chuyên môn khảo cổ dưới nước bài bản, cũng như việc thành lập một bảo tàng về con đường gốm sứ trên biển.

U4Rvb42o.jpgPhóng to
Tiến sĩ khảo cổ dưới nước Mensun Bound chuẩn bị lặn tại cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước tàu cổ Cù Lao Chàm - Ảnh từ sách Treasures from the Hoi An hoard của Công ty Butterfields
8JabvvDK.jpgPhóng to
Một thợ lặn tiếp cận tàu Châu Thuận Biển - Ảnh của Công ty ĐAD

“Khảo cổ học dưới nước” hay chỉ là “trục vớt cổ vật”?

Tại VN, chưa tính đến con tàu ở Bình Châu (Quảng Ngãi), đã có năm tàu đắm được trục vớt. Tuy nhiên từ việc trục vớt cổ vật đến việc thực hiện khảo cổ học dưới nước lại là một khoảng cách không đơn giản! Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có ba năm tham gia khai quật khảo cổ học dưới nước ở Cù Lao Chàm, trong điều kiện hiện nay sẽ khó có cuộc khai quật khảo cổ dưới nước nào thực hiện một cách bài bản và khoa học như ở Cù Lao Chàm, nếu VN tự tiến hành mà không có sự tham gia của các công ty nước ngoài chuyên nghiệp. Kể về cuộc khai quật này, ông Hỷ cho biết họ phải sử dụng đến quy trình của hàn chân giàn khoan dầu khí ở dưới đáy biển với rất nhiều thiết bị chuyên dụng và các quy trình bài bản, rất tốn kém và mất thời gian.

Nhiều năm trước, giáo sư Hà Văn Tấn cũng cho rằng VN rất cần phải quan tâm đến khảo cổ học dưới nước. Bởi lẽ ở VN từ xưa cho đến nay gần như chưa từng có một người nào được đào tạo bài bản về khảo cổ học dưới nước. Đây là một hạn chế lớn, nếu không nói là thiệt thòi cho nền khoa học nước nhà. Cũng cho đến nay tại VN chưa từng có một chuyên ngành khảo cổ dưới nước trong các trường đại học hay viện nghiên cứu chuyên môn. Do đó phần lớn cuộc khai quật phải thuê các công ty thực hiện và chủ yếu nghiêng về kỹ thuật trục vớt, khó đáp ứng được các tiêu chí về khoa học khảo cổ.

Trong quá trình tìm hiểu về việc trục vớt con tàu cổ Cù Lao Chàm, chúng tôi được biết tiến sĩ Mensun Bound - giám đốc khai quật khảo cổ học dưới nước của chuyến khai quật này, cũng là giám đốc phân khoa khảo cổ học dưới nước của Đại học Oxford (Anh). Ông Mensun cho rằng đào tạo những người chuyên môn trong lĩnh vực này, ngoài khoa học khảo cổ còn phải là một thợ lặn chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Các thành viên tham gia cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm kể rằng tiến sĩ Mensun Bound, lúc ấy tuổi đã cao, cũng phải trực tiếp lặn xuống ở độ sâu đến hơn 70m. Điều này là cần thiết để tránh trường hợp làm khoa học “thông qua nhãn quan người khác”, chưa nói đến lỗ hổng về chuyên môn, thực hiện khai quật dưới nước mà không chạm được tận đáy biển, tận xác tàu...

Không chỉ dưới đáy biển, mà trên rất nhiều dòng sông trên đất liền cũng đang ẩn chứa những dấu ấn văn minh của người Việt rất cần được khai quật. Để hướng đến giải mã những điều này, rất cần có một đội ngũ khai quật khảo cổ học dưới nước được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp chứ không phải bán chuyên nghiệp như hiện nay.

Cũng xuất phát từ việc chưa có một đội ngũ các nhà khoa học chuyên về khảo cổ học dưới nước được đào tạo bài bản nên ở VN hiện vẫn chưa có một bảo tàng về di sản và cổ vật biển, dù đó là giấc mơ của không riêng gì nhiều nhà khảo cổ học chuyên tham gia khai quật các con tàu cổ bị đắm mà cả những doanh nghiệp gắn bó với công việc này.

Chung một giấc mơ

Với bờ biển dài hơn 3.260km lại nằm trên con đường giao thương quốc tế thuộc hàng sôi động bậc nhất trong hàng trăm năm qua, nhưng theo nhà nghiên cứu Hồ Tân Phan: “Số lượng tàu biết được có thể chưa nói lên được điều gì cả, vì ta chưa có cuộc tổng thám sát khảo cổ nào ở vùng biển. Cho nên con đường gốm sứ quốc tế ngang qua hải phận VN vẫn đang còn là một ẩn số. Những chiếc thuyền xuất lộ chỉ mới hé lộ một phần và cũng chưa xác định được nó chiếm vị trí bao nhiêu, và chắc chắn sự xuất lộ ấy chiếm một vị trí không lớn”.

Với tiến sĩ Phạm Quốc Quân, ông cho rằng thành lập bảo tàng là việc rất nên làm: “Thứ nhất, VN nằm trên “con đường tơ lụa trên biển”, biển Đông nằm ở vị trí rất quan trọng trên “con đường tơ lụa” ấy. Thứ hai, từ những phát hiện của mình về khảo cổ học dưới nước, nhất là những con tàu đắm cổ và ngoài những cái mà chúng tôi đang khai quật, cộng với những thông tin tư liệu quốc tế nắm được thì biển VN còn trữ lượng hiện vật rất lớn. Ngày trước Lê Quý Đôn có nhắc đến việc nhiều người dân vùng Ô Cấp (Vũng Tàu hiện nay) sống bằng nghề tìm kiếm tài sản dưới biển để bán đi và có thể sống được. Vị trí, vai trò của biển VN rất quan trọng trên “con đường tơ lụa trên biển”. Thứ ba, trong những con đường biển như thế có rất nhiều hàng hóa của VN, trong đó có cả gốm Đại Việt và Champa. Thứ tư, lịch sử con đường gốm sứ từ rất sớm. Thông tin chúng tôi nắm được có thể lên đến 20 thế kỷ, từ thời thế kỷ thứ 1-2 cho đến thế kỷ thứ 7-10, rồi 13-14, 15-16, rồi 16-17 thời Công ty Đông Ấn... đều có những tàn tích mà dân người ta phát hiện, thu thập được”.

Dự án về một bảo tàng cổ vật biển cũng đã được Công ty Đoàn Ánh Dương từng bước triển khai. Theo ông Đoàn Sung, cố vấn công ty, UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép công ty lập dự án xây dựng bảo tàng cổ vật trên con đường gốm sứ trên biển của VN ở đảo Phú Quốc. Đã có 50ha đất được cấp dành xây dựng bảo tàng. Đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/500 đã được tỉnh phê duyệt, dự kiến xây dựng trong thời gian tới. Ông Sung cho hay công ty ông hiện sở hữu đến 62.000 hiện vật trục vớt và khai quật từ rất nhiều con tàu đắm trên vùng biển VN. Bản thân công ty đã tham gia thăm dò, khảo sát 11 tàu đắm ở vùng biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau và Kiên Giang, trong đó trực tiếp trục vớt và khai quật hai con tàu Cù Lao Chàm (đợt hai) và tàu Châu Thuận Biển. Ông Sung cũng đang có “tham vọng” đi khảo sát để tiếp cận tất cả các con tàu đắm trên vùng biển VN để có kế hoạch cụ thể hơn phục vụ hoạt động của bảo tàng. Tại những điểm đã khai quật như tàu Cà Mau, tàu Bình Thuận, tàu Hòn Cau (Bà Rịa-Vũng Tàu) hay tàu Hòn Dầm (Kiên Giang)... ông Sung cho biết sẽ xin các địa phương khảo sát lại để “vét” hiện vật còn sót và ván tàu dưới đáy biển. Những địa điểm thuận tiện có thể đề xuất thành điểm du lịch lặn biển. “Hiện chắc chắn còn nhiều con tàu nằm sâu ngoài khơi. Đối với cổ vật tôi rất quý song chưa phải mê. Niềm đam mê nhất của tôi là những con tàu cổ. Tôi quyết tìm cho bằng hết các con tàu đắm...”.

Những giấc mơ của nhà khoa học và những nhà sưu tập cổ vật đã gặp nhau. Nhưng để có một bảo tàng như thế, nơi người dân có thể nhìn tận mắt khối gia tài văn hiến khổng lồ đưa lên từ lòng biển, phục dựng câu chuyện về con đường hàng hải sôi động thông qua các cổ vật quý giá, minh chứng sinh động công cuộc khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo VN suốt mấy ngàn năm qua thì không chỉ dựa vào nỗ lực của cá nhân hay tổ chức mà cần có sự đầu tư thích đáng kể cả của Nhà nước.

-----------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp