Vậy làm cách nào để biến vệt đất quý giá dọc sông Sài Gòn thành công viên? Thách thức đặt ra là 42 công viên phải được quy hoạch, xây dựng làm sao xứng tầm với tiềm năng sông Sài Gòn.
Muốn làm được phải có nguồn vốn lớn và quyết tâm cao của chính quyền, tránh việc đề xuất rất đẹp nhưng rồi trở thành dự án "treo" kéo dài.
Thêu dệt ước mơ
Chảy qua TP.HCM với chiều dài 80km, sông Sài Gòn như một dải lụa mềm uốn lượn, tạo nên những bán đảo tuyệt đẹp như Thanh Đa, Thủ Thiêm. Nhưng dọc sông Sài Gòn mới chỉ có ở một số công viên như bến Bạch Đằng, bờ Thủ Thiêm hay công viên trong khu đô thị Vinhomes Central Park...
Theo báo cáo tổng kết đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045 (đề án) và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 - 2025 của UBND TP.HCM sẽ có 42 công viên cây xanh được xây dựng ở các vị trí ven sông Sài Gòn. Đây là cơ hội tạo hạ tầng đa chức năng, phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường chất lượng cảnh quan dọc hành lang sông và đa dạng sinh học.
Đồng thời hệ thống hạ tầng xanh hình thành có chức năng tích hợp giao thông giúp điều tiết nước, giảm ngập, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành chuỗi không gian cảnh quan đặc trưng về văn hóa lịch sử.
Trên cơ sở làm việc với nhóm chuyên gia trong nước và tư vấn nước ngoài, TP.HCM dự kiến chuỗi 42 công viên này được nghiên cứu xây dựng dọc sông Sài Gòn ở các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi...
TP cũng định hướng triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (công viên, kè bảo vệ bờ sông và bến thủy nội địa) theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian gắn với các dự án giao thông hạ tầng đô thị.
Ở giai đoạn từ năm 2025 - 2030, TP đặt ra mục tiêu đảm bảo chất lượng không gian đô thị khu vực dọc bờ sông hài hòa, địa phương tập trung khai thác tính bản sắc xây dựng hình ảnh biểu tượng. Song song đó, các đơn vị tổ chức không gian kết nối giao thông thủy - bộ; đầu tư phát triển hành lang với hệ thống kênh rạch, ao, hồ, mương nước tạo cảnh quan xanh đa chức năng.
Tuyệt vời nếu sông Sài Gòn "ôm" công viên
Trên thực tế, đánh thức vẻ đẹp của công viên dọc sông đâu chỉ trông chờ từ đồng vốn ngân sách. Còn nhớ, trước năm 2023, công viên bến Bạch Đằng đã được đầu tư khang trang thì phía bờ bên kia, dải đất dọc sông bờ Thủ Thiêm rác rến, cây cối mọc um tùm.
Chứng kiến cảnh ấy, một số doanh nghiệp đã đề xuất góp sức, tài trợ vốn để địa phương cải tạo biến bờ sông thành công viên, có cánh đồng hoa hướng dương xanh ngát. Cảnh quan đôi bờ Thủ Thiêm và Bạch Đằng hài hòa, cân đối và đang đẹp lên từng ngày.
Từ một dải đất cây cỏ um tùm, ít ai dám đến đó về đêm sau vài tháng cải tạo đã trở thành không gian vui chơi, check-in, tản bộ... và là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện sôi nổi thu hút lượng lớn người tham gia.
Giờ đây, người dân đã có thể đi bộ quãng đường gần 1km ven sông, nhìn ngắm hoàng hôn trong không gian xanh mướt với bãi cỏ, hàng hoa đủ màu sắc ven đường... Công viên bờ sông Sài Gòn ở Thủ Thiêm đã trở thành điểm thu hút đông đảo người dân TP.HCM và khách du lịch đến vui chơi, thưởng lãm, đặc biệt vào buổi chiều tối.
Chia sẻ về cách làm, ông Lưu Văn Tấn, giám đốc Trung tâm Phát triển quản lý hạ tầng TP Thủ Đức, cho biết việc đầu tư công viên bờ sông Sài Gòn hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, đây là mô hình cực kỳ hiệu quả.
Công viên hình thành, được người dân đánh giá cao là nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp cộng với nỗ lực, quyết tâm của chính quyền. Nhiều đoàn công tác trong nước và quốc tế tới tham quan cũng mong muốn học hỏi mô hình này.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, đại diện Công ty TNHH Thường Nhật - Sài Gòn Waterbus (chủ đầu tư các tuyến buýt sông Sài Gòn) nói việc đầu tư, khai thác không gian các công viên dọc bờ sông Sài Gòn mang nhiều ý nghĩa cả về giao thông, du lịch, văn hóa. Vốn dĩ đôi bờ sông Sài Gòn đã đẹp và thơ mộng, các đơn vị cùng đầu tư hạ tầng cảng, trồng thêm cây xanh... kết nối tạo nên điểm đến dọc bờ sông rất thú vị cho người dân.
Thời gian qua, Công ty TNHH Thường Nhật - Sài Gòn Waterbus đã đầu tư cầu bến ở khu vực bến Bạch Đằng (quận 1), công viên bờ sông Sài Gòn ở Thủ Thiêm... kết nối buýt sông cho người dân, du khách đi lại.
Đặc biệt, những khu vực lên xuống bến tàu đơn vị đã đầu tư hạ tầng dịch vụ ăn uống, văn hóa giải trí để hình thành "hệ sinh thái ven sông". Người dân từ trên tàu buýt xuống bờ Thủ Thiêm tham quan rồi quay về quận 1 nhộn nhịp, tạo khung cảnh "trên bến dưới thuyền".
Theo đại diện Công ty TNHH Thường Nhật - Sài Gòn Waterbus, khi những không gian ven sông ngày càng mở rộng, bến Bạch Đằng, bến Thủ Thiêm... kết nối đôi bờ sông càng đẹp hơn tạo điểm đến cho người dân thư giãn. Đô thị dọc sông cũng theo đó phát triển, đời sống tinh thần đa dạng hơn.
"Chúng ta phải định hướng ngay từ đầu, việc đầu tư cảnh quan, không gian không chỉ để khai thác cầu bến hay kinh tế của riêng ai. Điều quan trọng nhất ở đây là tạo không gian ven sông, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư nhộn nhịp, gìn giữ và phát huy giá trị dòng sông Sài Gòn.
Chúng tôi rất mong thời gian tới, TP sẽ kết nối đường thủy và metro liên thông tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng thuận tiện", đại diện Công ty TNHH Thường Nhật - Sài Gòn Waterbus nói.
Đừng để tái diễn "giấc mơ treo"
Tuy nhiên, có người vẫn băn khoăn: liệu giấc mơ công viên trên bến dưới thuyền này có thành hiện thực khi mà những quy hoạch lãng mạn, đẹp như mơ từng được vẽ lên trước đây đã bao lần phải để "treo".
Các dự án công viên như Đại Thế Giới, Sài Gòn Safari Củ Chi, lâm viên sinh thái TP Thủ Đức... dù được kỳ vọng bao nhiêu vẫn chưa xong. Còn từ cầu Phú Mỹ (quận 7) nhìn xa xa, ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè hiện lên, nơi từng được ghi dấu trong câu ca dao quen thuộc: "Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Cũng tại đây, dải đất Mũi Đèn Đỏ tuyệt đẹp được đề xuất làm công viên và bến tàu khách quốc tế vẫn "ngủ yên" giữa rừng cây rậm rạp. Ghi nhận mới nhất của phóng viên cho thấy khu vực Mũi Đèn Đỏ hiện vẫn là một khu đất trống, rào kín và vắng bóng người qua lại, cửa đóng then cài. Nhìn từ trên cao, toàn khu vực Mũi Đèn Đỏ vẫn là một khu đất trống hoang hóa.
Công viên "xanh" ven sông là hồn cốt của đô thị
Từ rất lâu TP Huế đã dành gần hết quỹ đất rộng lớn hai bên bờ sông Hương để tạo nên những công viên cây xanh tuyệt đẹp.
Những năm gần đây, TP tiếp tục cải tạo mở rộng, xây mới rất nhiều công viên khác dọc hai bờ sông theo hướng kéo dài vệt công viên lên phía thượng nguồn và về hạ nguồn sông Hương tạo nên mảng xanh mát mẻ, thơ mộng cho đô thị di sản.
Theo thống kê của Trung tâm công viên cây xanh TP Huế, đô thị này có mật độ cây xanh cao nhất cả nước với gần 70.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1.
Ông Lê Như Chinh, giám đốc Trung tâm công viên cây xanh TP Huế, cho biết hiện nay dọc sông Hương có 6 công viên công cộng kéo dài từ khu vực Đập Đá đến chùa Thiên Mụ. Những công viên này có mật độ cây xanh rất dày, trong số đó nhiều loài cây cổ thụ có tuổi đời từ vài chục đến cả trăm năm. Những công viên rộng lớn dọc sông Hương là không gian xanh công cộng mà người dân và du khách rất thích thú.
"Gần đây tỉnh đã đầu tư những tuyến đường đi bộ, đạp xe ven sông Hương để người dân, du khách có thể vãn cảnh, tập thể thao. Đây là những công trình hết sức ý nghĩa, giúp người dân có thể tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ", ông Chinh nói.
Ông Võ Lê Nhật, chủ tịch UBND TP Huế, cho biết cây xanh, công viên là hồn cốt của đô thị di sản Huế. Do vậy trong quá trình định hướng quy hoạch, phát triển đô thị, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn chú trọng gìn giữ, phát triển những mảng xanh dọc sông Hương.
Theo ông Nhật, TP thường xuyên bổ sung, trồng mới hệ thống cây xanh tại các công viên ven sông Hương. Đồng thời bố trí diện tích đất để đảm bảo vừa trồng cây xanh vừa bảo tồn cây xanh cổ thụ và không phá vỡ các thảm cỏ xanh dọc hai bờ sông.
"Chúng tôi đang nghiên cứu mời các đơn vị tư vấn quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị trên các công viên, tuyến đường nhằm đảm bảo hệ thống cây xanh phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có bản sắc và phù hợp với không gian đô thị", ông Nhật nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận