Nhiều loại trái cây nổi tiếng ở miệt vườn ĐBSCL được nông dân và các doanh nghiệp chú trọng nâng chất lượng đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính Ảnh THANH TÚ
Không nhiều "kèn trống", các mặt hàng trái cây đã âm thầm đạt cột mốc tăng trưởng kỷ lục: 43%. Kiêm ngạch mà trái cây mang về vượt con số 3,5 tỉ USD. Trong đó, vùng đất mà niều nơi hay gọi là "miệt vườn" ĐBSCL đã đóng góp phần lớn vào bức tranh chung đó.
So với con số trên 1,5 tỉ USD rau quả nhập khẩu, mặt hàng này của Việt Nam xuất siêu đến 2 tỉ USD.
Theo Hiệp hội rau quả VN, có 40 loại trái cây của VN có mặt ở 60 nước. Ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, trái cây của VN đã vào được các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật, Australia… Trái cây của VN cũng có mặt ở những phân khúc sang trọng như ở các nhà hàng 5 sao của thế giới…
Ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, có được kết quả tốt như trên là do thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng rau quả, an toàn thực phẩm để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ông Đoàn Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang), đơn vị vừa xuất khẩu thành công nhiều lô hàng vú sữa Lò Rèn sang Mỹ hồi cuối năm 2017, cho biết bên cạnh vú sữa, trái xoài cũng là mục tiêu chiến lược của công ty để xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, thanh long cũng là mặt hàng chủ lực của công ty đối với thị trường Hoa Kỳ từ mấy năm nay. Hiện công ty đã tự trang bị hệ thống chiếu xạ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường này.
Theo ông Sang, thị trường tiêu thụ nông sản càng khó tính thì giá trị kinh tế mang lại càng cao. Với kinh nghiệm xuất khẩu trái vú sữa, loại trái cây khó bảo quản thì không có lý do gì không nghĩ đến những loại trái cây đặc sản khác như xoài cát Hòa Lộc, thanh long...
Vấn đề là để xuất khẩu nông sản sang thị trường khó tính, việc đầu tiên của doanh nghiệp là phải có vùng nguyên liệu để chủ động qui trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật, Viện NCCAQ miền Nam, cho rằng diện tích trồng cây ăn trái của cả nước hiện có khoảng 830.000ha, trong đó ĐBSCL là 308.000ha. ĐBSCL cũng là nơi trồng được nhiều loại trái cây đặc sản nhiệt đới có giá trị kinh tế cao như thanh long, vú sữa Lò Rèn, nhãn, bưởi, cam....
Trong bối cảnh mặt hàng rau quả của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng theo từng năm, thì rõ ràng để tăng sản lượng lẫn chất lượng là vấn đề không phải khó. Bởi dư địa cho các sản phẩm trái cây hiện nay còn rất lớn, đồng thời các qui trình sản xuất cho trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã được nông dân tiếp cận trên diện rộng.
Thực tế, các tỉnh ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng và nâng cao năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP khá nhiều. Đây chính là nhân tố dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tăng. Đứng về góc độ của Viện NCCAQ miền Nam, thời gian qua, công tác nghiên cứu, lai tạo cho ra giống mới đáp ứng nhu cầu về năng suất, chất lượng có những bước tiến vượt bậc. Hiện Viện NCCAQ miền Nam đã cung ứng, chuyển giao cho nhiều nông dân các giống cây mới có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, thanh long tím hồng, nhãn, xoài vỏ dày (lai giữa xoài cát Hòa Lộc với các giống xoài khác), cam sành chịu mặn (chống biến đổi khí hậu), bưởi long ghép bưởi da xanh....
Về qui trình sản xuất, Viện NCCAQ miền Nam cũng đã chuyển giao qui trình thâm canh tăng năng suất bằng cách sử dụng phân NPK hợp lý, biện pháp tỉa cành tạo tán trên cây cam, thanh long, bưởi, xoài. Kỹ thuật thu hái giảm trái hư....hoặc qui trình trồng thanh long theo hàng, qui trình bảo quản sau thu hoạch, kiểm soát dự lượng thuốc BVTV tiền thu hoạch....
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận