Tháng 1-2023, trang UN News của Liên Hiệp Quốc chạy dòng tít: "Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho biết xe mô tô cứu thương đang cứu sống các bà mẹ và em bé ở Kenya".
Thật vậy, thời gian qua chủ đề xe mô tô cứu thương đã xuất hiện nhiều trên truyền thông khi loại xe này ngày càng phát huy tác dụng, mang lại lợi ích cho người dân ở nhiều nước.
"Cứu tinh" ở Ấn Độ - mô tô cứu thương
Ấn Độ là một trong những quốc gia mà xe mô tô cứu thương phát huy tác dụng đáng kể.
Trước đây trong một thời gian dài, người ta phải đi chân đất để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ở nhiều vùng nông thôn, nhưng xe mô tô cứu thương đã phổ biến trong những năm gần đây.
Huyện Narayanpur, nơi có nhiều rừng rậm thuộc bang Chhattisgarh ở miền trung Ấn Độ, là một trong những huyện có dân cư thưa thớt nhất ở Ấn Độ, với khoảng 140.000 cư dân sống trên diện tích 4.650km2.
Nhiều ngôi làng, chẳng hạn như Kodoli, nằm cách xa các con đường thuận tiện đi lại ít nhất 16km. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho dân địa phương, đặc biệt về mặt chăm sóc y tế.
Chhattisgarh là một trong những bang có tỉ lệ thai phụ tử vong cao nhất cả nước, với 137 người/100.000 ca sinh. Để thay đổi điều đó, những chiếc mô tô cứu thương đã vào cuộc.
Chúng được vận hành bởi chính quyền các địa phương và Tổ chức Saathi (tổ chức phi chính phủ làm việc với các cộng đồng ở nông thôn), với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Trong thời gian dài, người bệnh hoặc thai phụ thường ngồi trên ghế và được những người khác khiêng băng qua các địa hình hiểm trở và những dòng sông lầy lội ở miền trung Ấn Độ.
Sau đó, vào năm 2014, xe mô tô cứu thương đã được ông Bhupesh Tiwari, người sáng lập Tổ chức Saathi, giới thiệu đến khu vực.
"Những vấn đề mà phụ nữ gặp phải đã khiến tôi xúc động và tôi đã thiết kế loại xe cứu thương này. Vào năm 2014, khi tôi bắt đầu giới thiệu xe mô tô cứu thương, tình hình ở những ngôi làng hẻo lánh rất nghiêm trọng, với nhiều phụ nữ mất mạng trong lúc sinh con vì họ không đến được bệnh viện.
Tôi rất vui vì trong 8 năm qua, chúng tôi đã tạo ra những khác biệt đáng kể trong cuộc sống của phụ nữ ở những khu vực khó tiếp cận" - báo Arab News hồi tháng 1 dẫn lời ông Tiwari.
Ban đầu sáng kiến này được UNICEF hỗ trợ, sau đó chính quyền các địa phương cũng vào cuộc. Đến nay Tổ chức Saathi vận hành 17 xe mô tô cứu thương ở các huyện khó tiếp cận nhất, bao phủ 368 ngôi làng.
Hồ sơ của Saathi cho thấy kể từ năm 2014, đội ngũ của họ đã phục vụ hơn 21.000 phụ nữ mang thai trong khu vực.
Thai phụ Mungli Korram ở huyện Narayanpur chia sẻ: "Đối với những phụ nữ như chúng tôi, xe mô tô cứu thương chính là cứu tinh. Loại xe này đang cứu sống nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn, những người trước đây không được tiếp cận với những phương tiện như vậy".
Nhiều nước áp dụng 'mô hình' mô tô cứu thương
Xe cứu thương là loại xe chuyên dùng của ngành y tế, giúp đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu. Loại xe cứu thương đi đường bộ có thể là ô tô, mô tô… Trong đó, xe mô tô cứu thương - không phải mới xuất hiện gần đây - từng được người Anh, Pháp và Mỹ sử dụng trong Thế chiến 1.
Với kích thước nhỏ gọn, xe mô tô cứu thương có thể ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế nhanh hơn nhiều so với ô tô, xe tải hoặc xe cứu hỏa ở các thành phố lớn thường bị kẹt xe hoặc các khu vực có địa hình trắc trở.
Xe mô tô cứu thương đã được sử dụng ở nhiều nước như Úc, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Kenya, Nam Phi, Anh, Mỹ… Xe máy Honda, BMW và Yamaha là những mẫu xe phổ biến được sử dụng làm xe mô tô cứu thương ở các nước.
Một phần nhờ xe mô tô cứu thương mà tỉ lệ thai phụ tử vong ở nhiều vùng nông thôn của Ấn Độ đã giảm đáng kể trong vài năm qua.
Cô Phagni Poyam (23 tuổi), mang thai 9 tháng, là một trong những người đã được đến bệnh viện ở thị trấn Orchha an toàn bằng xe mô tô cứu thương. Nhờ vậy, tình trạng thiếu sắt trầm trọng của cô đã được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, việc vận chuyển bệnh nhân bằng xe mô tô cứu thương không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Cô Lata Netam, một y tá tại địa phương ở Ấn Độ, thường phải đẩy xe cứu thương trên những con đường dốc hoặc lầy lội để tiếp cận thai phụ ở làng Kodoli.
Làm tăng tỉ lệ sống sót
Xe mô tô cứu thương có thể làm tăng tỉ lệ sống sót cho bệnh nhân trong các tình huống nguy cấp, chẳng hạn ngừng tim.
Theo một nghiên cứu được đăng trên trang web của Thư viện y khoa quốc gia thuộc Viện Y tế quốc gia (NIH) của Mỹ, thời gian phản ứng của xe mô tô cứu thương ngắn hơn xe cứu thương truyền thống.
Ngoài ra, việc sử dụng máy khử rung tim ngoài tự động (AED) trên xe mô tô cứu thương có thể tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân bị ngừng tim bên ngoài bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận