03/06/2015 11:53 GMT+7

Mổ tim cho bé trai nặng 2kg

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Một trong hai bé trai sinh đôi ở Châu Phú, An Giang mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, tiên lượng nặng, vừa được Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) phẫu thuật tim thành công.

Bệnh nhi con chị N.P.N.H. (An Giang) lúc đang nằm điều trị tại phòng hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Bệnh nhi con chị N.P.N.H. (An Giang) lúc đang nằm điều trị tại phòng hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Sáng 2-6, bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn - trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - nhận định ca phẫu thuật tim cho con chị N.P.N.H., ở An Giang, mới 2 tuần tuổi, nặng 2kg, mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp đã thành công hơn sự mong đợi của các y, bác sĩ.

Cân nhắc nhiều trước khi mổ

Trước đó ngày 18-5, chị H., 26 tuổi, đã sinh hai con trai tại Bệnh viện Hạnh Phúc (An Giang) khi thai mới 35 tuần tuổi. Lúc hai bé chào đời, các bác sĩ phát hiện một bé khóc yếu, thở nhanh, người tím tái.

Mười ngày sau (28-5), bệnh viện đã chuyển cả hai bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong đó một bé được chẩn đoán suy hô hấp, sinh non, theo dõi bệnh màng trong.

Ca phẫu thuật diễn ra vào đúng Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, cũng là ngày kỷ niệm tám năm kể từ ngày đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 1 bắt đầu triển khai phẫu thuật tim hở.

Bác sĩ Tuấn cho biết sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chăm sóc, nâng đỡ sức khỏe cho bệnh nhi để vết mổ mau lành, giữ tim đập ổn định. Tuy nhiên bệnh nhi này sinh non nên sự trao đổi oxy của phổi không tốt.

Khi điều trị tim bé ổn định, các bác sĩ tiếp tục điều trị phổi cho bé. Thời gian điều trị cho cả tim và phổi có thể kéo dài vài tháng.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi được thăm khám, một bé sức khỏe bình thường đã được về nhà cùng mẹ. Bé còn lại bị tím tái nhiều, các bác sĩ nghi ngờ bé mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp nên cho siêu âm tim. Kết quả bé bị dị tật tim bẩm sinh, có bất thường tĩnh mạch phổi về tim toàn phần thể dưới tim.

Bác sĩ Tuấn cho biết bình thường máu của tĩnh mạch phổi (máu đỏ) sẽ đổ về nhĩ trái, xuống thất trái ra ngoài để nuôi cơ thể, còn bệnh nhi này ngược lại.

Tất cả máu đỏ đổ vô một đường bất thường, đi xuống gan và đổ về tĩnh mạch chủ dưới, sau đó đi ngược lên trên tim, qua một lỗ thông liên nhĩ ở trong tim để qua tim trái rồi mới ra bên ngoài.

Chính vì sự bất thường này mà máu đen và máu đỏ của bệnh nhi trộn lẫn với nhau để ra bên ngoài nuôi cơ thể, trong khi cơ thể sống được là nhờ máu đỏ. Trong bất thường tĩnh mạch phổi về tim toàn phần có ba thể, thể trên tim, thể trong tim và thể dưới tim.

Thể trên tim thường gặp có tiên lượng nhẹ, còn thể dưới tim ít gặp và có tiên lượng nặng. Do bệnh nhi còn nhỏ quá nên các bác sĩ rất cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật chắc chắn bệnh nhi sẽ tử vong. Chưa kể ngay sau nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 một ngày bé bị tím tái nhiều, các bác sĩ phải đặt nội khí quản và cho thở máy.

Chỉ 20 - 30% hi vọng thành công

Sau khi hội chẩn nhóm, hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tim cho bệnh nhi dù hi vọng thành công rất ít, chỉ 20 - 30%. Nhưng nếu ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi sẽ có cuộc sống như bao trẻ bình thường.

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: trong tám năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phẫu thuật tim cho 1.814 bệnh nhi mắc bệnh tim, nhưng trong đó mới phẫu thuật cho sáu bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh như trên và đây là ca bệnh nhỏ tuổi nhất, nhỏ ký nhất mắc bệnh tim bẩm sinh thể này được phẫu thuật.

Các bác sĩ chuẩn bị rất kỹ nhiều khâu liên quan đến ca mổ... Khâu khó khăn nhất là hỗ trợ tim phổi nhân tạo trong lúc mổ tim. Đây là một bệnh nhi rất nhỏ về ngày tuổi và cả cân nặng nên người điều khiển loại máy này phải điều chỉnh lưu lượng máu lên não và các cơ quan khác thật chính xác. Lưu lượng máu phải đúng với lượng máu cần cho cơ thể nặng 2kg.

Nếu để máu lên não nhiều quá sẽ gây ra xuất huyết não, ngược lại nếu chỉnh lượng máu lên não ít quá sẽ ảnh hưởng đến tri giác của bé. Trong quá trình phẫu thuật (từ 9g20 - 11g30) bệnh nhi sống phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc máy này nên vai trò người điều khiển máy rất quan trọng.

Do được chuẩn bị rất kỹ nên khi ca mổ diễn ra, các khâu từ gây mê đến chạy tim phổi nhân tạo... đều “vận hành” tốt. Các bác sĩ đã chuyển hết máu đỏ về nhĩ bên trái để máu đi đúng đường, hoạt động của tim trở về bình thường.

Chia sẻ với chúng tôi sau ca mổ, anh P.T.H. - 26 tuổi, ba của bệnh nhi - kể suốt thai kỳ vợ anh theo dõi tại một bệnh viện ở An Giang nhưng con trai anh không được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Đến khi con trai anh được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, anh rất bất ngờ và lo lắng khi bác sĩ thông báo một bé mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp. 

Trước khi ca mổ được tiến hành, các bác sĩ đã tư vấn cho gia đình anh nếu không mổ bé sẽ tử vong, còn nếu mổ bé sẽ có cơ hội được cứu sống nên gia đình đồng ý. 

Dù bước đầu nghe nói ca mổ đã thành công nhưng anh vẫn rất lo lắng vì biết sự chăm sóc và hồi phục sau cuộc mổ cũng rất quan trọng.

Anh H. luôn mong con trai sớm khỏe mạnh để đoàn tụ cùng gia đình vì vợ anh đang ở quê chăm sóc một bé, còn anh ở bệnh viện trông ngóng thông tin của bé còn lại.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp