01/01/2011 07:32 GMT+7

Mở thêm đường huyết mạch về ĐBSCL

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Tuyến N2 - đường Hồ Chí Minh từ huyện Củ Chi (TP.HCM) về vùng Đồng Tháp Mười - được xem như tuyến đường huyết mạch thứ hai rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM.

Iah0BtYU.jpgPhóng to
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang xây dựng cạnh tuyến đường N2 đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa, tỉnh Long An - Ảnh: THANH ĐẠM

Những ngày cuối năm 2010, tuyến đường N2 đang được khẩn trương thi công chuẩn bị cho sự tăng tốc đầu tư xây dựng vào năm 2011. Bên cạnh đường N2, nhiều công trình giao thông khác cũng đang và sắp xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long để kết nối các tỉnh miền Tây với tuyến đường huyết mạch này.

Quy mô của tuyến đường N2

Tuyến N2 đường Hồ Chí Minh được nhiều người ví như đoạn đầu của tuyến quốc lộ thứ hai bên cạnh quốc lộ 1 hiện hữu. Đường này bắt đầu từ cầu vượt Củ Chi (TP.HCM) rẽ vào tỉnh lộ 8, qua Long An về thị trấn Mỹ An (Đồng Tháp) dài khoảng 100km. Trên tuyến này sẽ nâng cấp, cải tạo một số đường hiện hữu và làm mới gần 32km. Cho tới nay đã thấy rõ hình hài tuyến đường mới với việc nâng cấp, mở rộng cho hai làn xe lưu thông từ Củ Chi về Tân Thạnh (Đồng Tháp) dài 70km. Các chủ xe tải, xe container đã chọn đi tuyến đường này về TP.HCM vì ngắn hơn khoảng 20km so với quốc lộ 1 và thời gian đi nhanh hơn do có rất ít giao lộ.

Trên tuyến đường N2, có 30 chiếc cầu được xây dựng, giúp vùng sông nước chằng chịt Đồng Tháp Mười không còn cách trở.Theo ông Âu Phú Thắng - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận, nhờ tuyến đường, so với cách đây hai năm, một vùng đất mặn, phèn chua hoang vu đã thay đổi hoàn toàn.

Ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc BQLDA Mỹ Thuận - cho biết tiếp theo tuyến đường N2 sẽ triển khai dự án đường “kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án này sẽ xây dựng đường từ Mỹ An về đến Vàm Cống dài 70km để kết nối Đồng Tháp và An Giang. Ngoài làm đường sẽ xây cầu Vàm Cống (có quy mô lớn như cầu Cần Thơ) và cầu Cao Lãnh (lớn như cầu Mỹ Thuận). Phái đoàn tìm hiểu dự án của Ngân hàng Phát triển châu Á, Úc và Hàn Quốc đã xác định thực hiện ba dự án xây cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến đường từ cầu Cao Lãnh đến Vàm Cống với tổng vốn đầu tư 751 triệu USD.

Dự án cầu Vàm Cống sẽ khởi công cuối tháng 12-2011, dự án cầu Cao Lãnh dự kiến quý 4-2012 khởi công. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu BQLDA Mỹ Thuận phải nỗ lực đẩy tiến độ sớm hơn một năm, nhằm khởi công cầu Cao Lãnh cùng lúc với cầu Vàm Cống vào cuối năm 2011.

BQLDA Mỹ Thuận cũng cho biết đang nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đường mới Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang, nằm song song với quốc lộ 80), đi từ cầu Vàm Cống về đến Rạch Sỏi (trong tương lai nhiều đoạn trên tuyến đường này trở thành đường cao tốc Bắc - Nam phía tây, đi từ tỉnh Phú Thọ đến Kiên Giang dài 1.321km với quy mô bốn làn xe).

Tuyến đường N2, đường kết nối đồng bằng sông Cửu Long và tuyến đường mới Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khi kết nối hoàn chỉnh sẽ có điểm đầu ở Củ Chi (TP.HCM) và điểm cuối ở Rạch Sỏi (Kiên Giang), về đến Rạch Sỏi sẽ kết nối với đường hành lang ven biển phía nam dài 220km từ Kiên Giang về đến TP Cà Mau. Điều này có nghĩa là kết nối tuyến đường hành lang ven biển VN - Campuchia - Thái Lan dài 1.000km.

8CFhsMqi.jpgPhóng to

Sơ đồ tuyến N2 đường Hồ Chí Minh từ Củ Chi về An Giang cùng một số tuyến giao thông mới ở ĐBSCL - Đồ họa: Như Khanh

Thêm nhiều tuyến đường mới

Ở một nhánh giao thông khác của đồng bằng, dự án đường Quản Lộ - Phụng Hiệp (dài 123,3km) khởi công từ năm 2005, qua một vùng dân cư nghèo nàn của các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, đến nay đã thông xe 111km, đạt hơn 95% khối lượng. Ông Nguyễn Thành Nam - giám đốc BQLDA 7 - cho biết tuyến đường mới này đã góp phần thay đổi cuộc sống cư dân và rút ngắn khoảng 40km so với tuyến quốc lộ 1. Tuyến đường đã góp phần hình thành tuyến cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Mỹ Tú, thành lập thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) và một số xã được nâng cấp lên thị trấn, thị tứ...

Tương tự, sau gần năm năm xây dựng tuyến đường mới Nam Sông Hậu (tổng chiều dài 167,4km) từ Cần Thơ đi Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đến nay đã hoàn thành 99% khối lượng. Từ khi có đường này, cuộc sống của dân cư nghèo khó gắn liền với kênh rạch chằng chịt đã có nhiều thay đổi.

Một nhà tài trợ Nhật cũng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và BQLDA Mỹ Thuận về kế hoạch tài trợ vốn cho dự án xây cầu Mỹ Thuận 2. Dự kiến sẽ xây cầu này hai tầng, một tầng cho đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và một tầng cho đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ được xây dựng trong tương lai.

Dọc theo tuyến đường N2, đoạn từ Đức Hòa về Thạnh Hóa (Long An), trên cánh đồng lúa xanh mởn, ông Đỗ Hữu Tính (ấp 3, xã Long Thành, Thủ Thừa, Long An) cho biết: “Nhờ có tuyến đường N2, việc vận chuyển lúa được thuận tiện hơn. Trước đây phải vận chuyển bằng ghe, xuồng giới hạn trọng tải nên phải đi nhiều chuyến. Nay chỉ cần thuê xe tải đến ngay bờ ruộng chở lúa theo quốc lộ 62 về phơi phóng gần TP Tân An”.

Có hơn 2 mẫu đu đủ, 7 mẫu mía, ông Huỳnh Văn Minh (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, Long An) vui vẻ nói: “Nhiều lúc thu hoạch mía đưa lên ghe thuyền chở ra vựa rồi bị thương lái ép giá, chúng tôi cũng đành bán cho xong chứ hơi đâu mà chở về. Từ lúc có tuyến đường N2, thương lái chạy xe đến vườn nhà tôi để xem và mua luôn, chúng tôi không bị ép giá như trước nữa”.

Ông Lưu Đình Khẩn, giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết hai năm qua, tuyến đường N2 hoàn thành đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa đã phần nào vực dậy nền kinh tế nông nghiệp ở khu vực, đồng thời kết nối khu này với vùng kinh tế Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM. Tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng các tuyến đường kết nối với tuyến đường N2 như tuyến Thủ Thừa - Bình Thành, Thủ Thừa - Long Thạnh...

Theo ông Lý Ngọc Hòa - chủ nhiệm HTX Trường Thịnh (An Giang), nếu đường N2 cùng hai cầu Cao Lãnh, Vàm Cống sớm hoàn thành thì lộ trình và thời gian vận chuyển hàng hóa, nông thủy sản giữa ĐBSCL với TP.HCM và các vùng miền khác được rút ngắn đáng kể, cước phí cũng giảm nhiều. “Đó không chỉ là mong ước của riêng HTX, anh em tài xế chúng tôi mà của bao người dân và các doanh nghiệp lâu nay” - ông Hòa tâm sự.

Ông Trương Vĩnh Thành - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư & phát triển đa quốc gia IDI, đơn vị đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vàm Cống, Lấp Vò (Đồng Tháp) - cho biết: “Có tuyến N2 thì chi phí vận chuyển giảm đáng kể, sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, lợi nhuận sẽ cao hơn, thu hút nhiều dự án đầu tư vào cụm công nghiệp”.

Còn theo ông Lê Hùng Việt - phó giám đốc chi nhánh Công ty Tỷ Xuân - xưởng Tháp Mười, khi biết có tuyến N2 qua huyện Tháp Mười, công ty sẽ đầu tư sản xuất “từ A đến Z” sản phẩm giày chứ không chỉ gia công phần mũ giày như hiện nay, vì khi đó công ty có thể chở thẳng hàng về TP.HCM xuống cảng Sài Gòn để xuất khẩu luôn.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp