27/11/2013 07:39 GMT+7

Mổ tách rời cặp song sinh dính nhau: Gần 12 giờ tìm điều kỳ diệu

MY LĂNG - MINH MẪN
MY LĂNG - MINH MẪN

TT - Ca mổ đã thành công khi hai bé trai 14 tháng tuổi Phi Long và Phi Phụng (Ninh Thuận) được tách rời và chuyển sang theo dõi đặc biệt.

T8QMyCC0.jpgPhóng to
Bé Phi Long sau khi được mổ tách ra - Ảnh: Thuận Thắng

“Dẫu biết y khoa không thể trọn vẹn và làm nên tất cả, song vẫn hi vọng 70 trí tuệ và trái tim sẽ làm nên điều kỳ diệu” - TS.BS Trương Quang Định, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân trước ca phẫu thuật tách rời hai bé song sinh 14 tháng tuổi Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng, nặng tổng cộng 13kg.

Và điều kỳ diệu đã đến sau gần 12 giờ gây mê và phẫu thuật. 17g30 ngày 26-11 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, êkip y bác sĩ đã tách rời thành công cặp song sinh bị dính nhau phức tạp này. Ngay sau đó, hai bé trai Phi Long và Phi Phụng (Ninh Thuận) đã được chuyển đến khoa hồi sức. “Ca phẫu thuật đến nay là thành công. Hiện giờ sức khỏe hai bé tương đối ổn định nhưng vẫn phải theo dõi đặc biệt” - TS.BS Trương Quang Định cho biết.

“Cuộc chiến” tách Long - Phụng

Phi Long và Phi Phụng là con trai của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Lam (21 tuổi) và anh Nguyễn Thanh Phiên (26 tuổi). TS.BS Trương Quang Định cho biết: “Đây là ca song sinh dính nhau rất phức tạp. Các bé dính nhau phần ngực và bụng, trong đó toàn bộ xương ức bị dính, phần tiêu hóa dính nhau bộ phận nhu mô gan, đường mật. Còn phần tim mạch có khả năng dính ở màng tim, tâm nhĩ hoặc thành tâm thất. Bé Phi Long thở khí trời, ăn uống tốt, khỏe mạnh nhưng bé Phi Phụng có rất nhiều dị tật: co gồng di chứng não, giãn nhẹ não thất, đông đặc phổi phải, hẹp eo động mạch chủ, giãn đài bể thận phải và phải thở máy kéo dài cả năm”.

Trước tình hình đó, tiên lượng xấu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến sự sống còn của hai bé, êkip mổ gồm các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, Viện Tim TP.HCM và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã nhiều lần hội chẩn và ấn định ngày 26-11 phẫu thuật, tách rời hai bé.

“Do một bé phải thở bằng máy suốt một năm, sức khỏe yếu nên gây mê là cả vấn đề. Việc đặt đường truyền vào tĩnh mạch rất khó khăn do một năm trời nằm trong phòng hồi sức các bé đã được chích rất nhiều lần. Khó khăn thứ hai là do bé Phi Phụng phải thở máy kéo dài nên chỉ số hô hấp kém. Chúng tôi phải dự định tình huống gây mê rất đặc biệt” - TS.BS Trương Quang Định cho biết.

Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 6g ngày 26-11. Cả hai bé dính nhau một diện rộng ngực và bụng từ cán xương ức đến rốn. Sau khi tách ra, bé Phi Phụng bị hở vùng thành bụng từ xương ức xuống trên rốn khoảng 12cm.

Các bác sĩ đã che phần hở này bằng màng nhân tạo đặc biệt làm bằng vật liệu sinh học, đặt khung cố định ngoài có răng để kéo khép dần dần thành bụng. Màng nhân tạo đặc biệt này đã được Bệnh viện Nhi Đồng đặt trước 2-3 tháng khi tiên lượng tình hình.

“Trước khi mổ, chúng tôi đã nhận định với những chẩn đoán ban đầu sẽ ưu tiên cho một bé là Phi Long được đóng lại thành ngực hoàn toàn và tiến hành tạo hình cho Phi Phụng.

Đối với Phi Phụng thì trước mắt phải che lại phần hở ở bụng và ngực để che tim và gan bằng màng nhân tạo làm bằng vật liệu sinh học.

Màng nhân tạo này sẽ tương hợp với cơ thể con người. Sau đó dùng phương pháp ép từ từ để thu hẹp khoảng hở, nếu che hết được thì tốt.

Trường hợp không thể che hết được thì dùng phương pháp vạt da tự do có thể lấy từ đùi hoặc vai của bé” - TS.BS Mai Trọng Tường, trưởng khoa vi phẫu tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chia sẻ.

nETSlLC7.jpgPhóng to
Các bác sĩ phẫu thuật tách hai bé song sinh Long, Phụng - Ảnh: T.Thắng

Quyết giữ lại con

TS.BS Trương Quang Định nói: “Trước khi phẫu thuật, chúng tôi xác định phải cứu sống cả hai bé. Do bé Phi Long khỏe mạnh hơn nên cuộc mổ với Phi Long suôn sẻ hơn với Phi Phụng. Nhưng nhìn chung bộ phận của hai bé đều như nhau. Do hai bé bị dính tim phức tạp nên êkip tim hôm nay làm việc rất vất vả để tách tim ra.

Các bé lại dính nhau diện rộng ở gan, đường mật bên dưới, có những mạch máu bất thường ở gan nên khi phẫu thuật để tách gan ra phải rất cẩn trọng, không để bé này ảnh hưởng đến bé kia. Êkip phẫu thuật lần này tương đối lớn vì có nhiều phân đoạn phải làm.

Hiện bé Phi Phụng yếu hơn bé Phi Long do thời gian mổ kéo dài hơn, cũng như việc đóng vùng ngực khó khăn hơn. Cơ bản hai bé sau nhiều giờ gây mê và phẫu thuật tổng trạng vẫn ổn định, những khó khăn mà chúng tôi đã dự đoán trước khi phẫu thuật vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tất cả tạng phủ các bé đều bình thường, khả năng hồi sức của hai bé tương đương nhau”.

“Ca này phức tạp hơn một số ca mổ song sinh trước đây mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện - TS.BS Trương Quang Định cho hay - Do đó chúng tôi quyết định nuôi, đợi bé đến 14 tháng, đủ sức khỏe chịu được cuộc mổ kéo dài mới phẫu thuật. Để tiến hành phẫu thuật ca song sinh dính nhau này, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn với các bác sĩ bệnh viện chuyên khoa hàng đầu VN và nước ngoài để đưa ra phương án tốt nhất”. Đây là trường hợp song sinh dính nhau thứ tư trong năm 2013 mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phối hợp phẫu thuật.

Được biết, khi mang thai đến tuần thứ 25, đi siêu âm ở Bệnh viện Ninh Thuận, chị Hồng Lam đã được bác sĩ thông báo song thai bị dính nhau. Vợ chồng chị Lam vẫn quyết định giữ lại con mình. Khi sinh ra, trên mỗi bé phần đầu, mặt, hai tay và hai chân phát triển bình thường. Mỗi bé có cơ quan sinh dục ngoài và hậu môn bình thường. Hai bé ăn uống, đi tiêu, tiểu có phần độc lập với nhau.

Do hai bé suy hô hấp nên một ngày sau khi sinh (ngày 26-9-2012), bé Phi Long và Phi Phụng được chuyển từ Bệnh viện Ninh Thuận vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Suốt thời gian hai bé được nuôi dưỡng và chăm sóc trong điều kiện đặc biệt, vợ chồng chị Lam đi làm thuê ở Sài Gòn, vừa mưu sinh vừa được gần con. Sau ca phẫu thuật, chị Lam đã được ở bên hai thiên thần bé nhỏ của mình.

MY LĂNG - MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp