08/02/2015 13:34 GMT+7

​Mơ Sài Gòn không nói thách

HẢI THI
HẢI THI

TT - Ba bạn trẻ cùng bắt tay thực hiện một dự án kêu gọi tiểu thương, chủ hàng quán tại Sài Gòn bán đúng giá, chấm dứt nạn “chặt chém” đang làm xấu diện mạo thành phố.

Ba bạn trẻ nhóm The Heat thuyết phục thành công một tiểu thương tại chợ Bến Thành cam kết bán đúng giá cho khách du lịch - Ảnh: Hải Thi
Ba bạn trẻ nhóm The Heat thuyết phục thành công một tiểu thương tại chợ Bến Thành cam kết bán đúng giá cho khách du lịch - Ảnh: Hải Thi

Sau một tháng khởi động, dự án iSaigon của nhóm The Heat gồm Mai Cẩm Linh (27 tuổi), Trần Thị Phương Thảo (23 tuổi) và Nguyễn Hoàng Phúc (24 tuổi) đang được áp dụng tại 20 sạp chợ, quán ăn uống trên địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình.

Con số khiêm tốn nhưng đó là những bước đầu của một ước mơ lớn.

Bắt đầu từ một tình yêu

“Cảm giác yên tâm khi không bị thách giá!”

“Sinh viên chúng tôi chẳng bao giờ dám la cà quán xá ở khu vực du lịch Q.1, Q.3 vì biết giá trên trời!

Cho đến khi tôi nhìn thấy trang Facebook của dự án, ở đó giới thiệu một loạt hàng quán cam kết bán đúng giá, tôi mới rủ bạn đi thử.

Chỗ chúng tôi đến là một quán ăn vặt trên đường Nguyễn Trung Trực, Q.1 mà nếu trước đây vô tình nhìn thấy, tôi chẳng bao giờ dám vào vì sợ giá cả đắt đỏ.

Cảm giác yên tâm khi ngồi ăn ở quán khu vực trung tâm thành phố mà không lo thách giá là điều sinh viên tỉnh chúng tôi chưa bao giờ có, nên phải nói là rất thoải mái!

Đúng là Sài Gòn sẽ đẹp biết bao nếu Sài Gòn liêm chính, trung thực, đối đãi tử tế với mọi người tìm đến nó.

Cảm giác thư thả, không phải đề phòng khi đến một thành phố là không thể mua được bằng tiền.

Tôi rất hi vọng dự án sẽ thành công không chỉ ở Sài Gòn mà sẽ mở rộng ra Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết... để khách du lịch có thể yên tâm thưởng ngoạn vẻ đẹp của đất nước ta”.

Bạn NGÔ THỊ THANH THIỆN 
(23 tuổi, cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM)

“Khách Đông Nam Á giá gấp đôi. Khách Nhật gấp bốn. Khách Tây gấp 6-7” là “công thức hét giá” mà các tiểu thương chợ Bến Thành không ngần ngại chia sẻ với nhóm trong quá trình khảo sát.

Trước đó, kinh nghiệm thực tế “bị chặt chém” của cả nhóm kể không biết bao nhiêu cho hết.

Trải nghiệm “muối mặt” của Cẩm Linh là một lần dắt sếp người Indonesia ra chợ Bến Thành mua hàng tơ lụa.

Đến một sạp đông khách, Linh hỏi cho sếp món hàng mà nhóm khách Việt đến trước vừa mua thì bị chủ sạp hét giá gấp ba lần.

Thắc mắc thì chủ sạp chỉ ngay vào anh sếp: “Người nước ngoài giá khác!”. Lần khác, Hoàng Phúc đưa người bạn có gương mặt rất “Tây” vào Sài Gòn Square mua quần áo. Bị nói thách, anh bạn kia mở miệng trả giá bằng giọng rặt... Bến Tre thì giá lập tức tụt xuống hơn nửa. 

Dĩ nhiên không riêng Sài Gòn, nơi sinh ra và lớn lên của Hoàng Phúc, mà Phan Thiết, quê của Phương Thảo, hay Đà Lạt, nhà của Cẩm Linh, đều có tình trạng hét giá với khách du lịch. Nghe người khác phàn nàn về chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình là việc rất khó chịu. Họ thầm mong muốn sự thay đổi.

Tuy nhiên, những ý tưởng và cảm xúc lẻ mẻ không thể làm nên chuyện.

Phải đến khi ba người bạn, cũng là ba đồng nghiệp nhóm lại để cùng tham gia Integrity Me - Sống liêm chính - một cuộc thi ý tưởng truyền thông kêu gọi lối sống trung thực, liêm chính dành cho các nhóm bạn trẻ - con đường của họ nhằm hiện thực hóa mong muốn một Việt Nam không “chặt chém” dần rõ ràng, khả thi hơn.

Họ chọn Sài Gòn làm điểm xuất phát của sự thay đổi. Vì Sài Gòn hội đủ điều kiện thuận lợi để chạy một dự án. Và vì họ cùng yêu Sài Gòn.

Chín năm học tập và làm việc tại thành phố này đủ để Cẩm Linh cảm được Sài Gòn, ngửi được mùi Sài Gòn như bạn tự nhận.

Nên khi đọc một số bài viết của người nước ngoài có nội dung: “Những cái bẫy cần tránh khi đến Sài Gòn”, trong đó nhấn mạnh nạn lừa lọc, “chặt chém”, Linh thấy vừa buồn, vừa ức.

Linh biết thành phố này không xấu xí như vậy và tin tưởng những vết nhơ đó có thể được gột rửa.

Còn Hoàng Phúc, anh chàng sinh ra và lớn lên dưới bóng những tòa cao ốc Sài Gòn, luôn trăn trở với câu hỏi: “Tại sao khách du lịch đến Sài Gòn?”.

Phúc cho rằng “đặc sản” Sài Gòn chỉ có duy nhất: người Sài Gòn. “Sự hấp dẫn của thành phố này xưa nay chỉ có thể xuất phát từ con người. Đó cũng là yếu tố duy nhất chúng tôi có thể tác động để cải thiện diện mạo thành phố”.

Ba người bạn gặp nhau ở tham vọng xây dựng một lớp người Sài Gòn trung thực, ứng xử chân thành, tử tế. Rồi từ iSaigon (“i” là viết tắt của integrity - liêm chính), họ kỳ vọng sẽ có “iPhanthiet”, “iDalat”... và lan rộng thành “iVietnam”. Những thế hệ tương lai sẽ lớn lên ở một đất nước mà sự trong sạch, liêm chính là nếp sống, không cần thiết phải kêu gọi vận động gì nữa. Đó là giấc mơ của họ.

“Sống liêm chính có lợi”

Không dễ để tiểu thương thừa nhận và chấp nhận luận điểm trên. Với họ, bán đúng giá là việc khó. Càng khó vào dịp cận tết - lúc “ăn nên làm ra” của dân buôn bán, thời điểm thuận lợi để tăng giá. Cả nhóm hiểu mình đang đụng vào nồi cơm của nhiều người.

Không ai dễ dàng buông bỏ cái lợi trước mắt, nên nhiệm vụ của nhóm là phải khiến tiểu thương hiểu được buôn bán trung thực sẽ mang lại lợi ích to lớn, bền vững. Dự án của các bạn gồm hai bước song hành.

Thứ nhất, vận động một số hàng quán, sạp chợ cam kết bán đúng giá. Những địa điểm này sẽ được các bạn đặt dấu hiệu nhận biết là bảng có dòng chữ: “We proudly serve fixed price and great quality” (Chúng tôi tự hào phục vụ giá hợp lý và chất lượng tốt - PV) và: “Heading to an integrity Saigon. Place to live and love” (Hướng đến một Sài Gòn liêm chính. Nơi để sống và yêu - PV) để thu hút khách du lịch.

Thứ hai, liên kết với các nhóm hướng dẫn viên du lịch địa phương để đưa khách đến các địa điểm này. Nhóm tin đây là cách đôi bên cùng có lợi: tiểu thương có thêm lượng khách ổn định và khách mua được hàng hóa vừa túi tiền.

Bước đầu, các bạn không đặt mục tiêu có nhiều hàng quán, sạp hàng đồng ý cam kết. Chỉ cần 20 địa điểm - 20 “hạt nhân” tiến hành nghiêm túc, triệt để, tạo uy tín cho dự án, nhóm sẽ có cơ sở để thuyết phục nhiều người hơn.

Nhằm tăng tính khả thi, nhóm xác định đối tượng của dự án là tiểu thương trẻ. Người trẻ dễ thay đổi.

Và trong sâu thẳm, người trẻ khát khao sống ngay thẳng. Nhóm tin vậy, và cả nhóm đã đúng. Hoàng Phúc kể: “Trong quá trình tiếp xúc, chúng tôi nhận ra rất nhiều tiểu thương trẻ, cụ thể là các chủ sạp ở chợ Bến Thành ghét chuyện hét giá. Nhưng quanh họ ai cũng làm vậy, nếu bán giá thấp hơn, họ sợ bị công kích là bán phá giá. Nhiều bạn chỉ bán hàng cho mẹ, dì, cô, cậu nên bản thân muốn trung thực nhưng lại bị chi phối bởi người lớn”.

Cả nhóm rất hào hứng khi ý tưởng của mình nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Càng lạc quan khi một số đã đồng ý thay đổi, đấu tranh.

Con đường của ba bạn trẻ còn rất dài. Cuộc thi đã cho họ cái cớ và môi trường để biến suy nghĩ thành những động thái đầu tiên. Cuộc thi sẽ kết thúc, nhưng dự án sẽ tiếp tục, đó là lời khẳng định của cả nhóm.

Cho đến khi nào giấc mơ iSaigon - một Sài Gòn liêm chính - và rộng hơn là iVietnam - một Việt Nam liêm chính - thành sự thật.

“Tôi đã thấy nụ cười thiện cảm trên môi khách!”

“Bán được giá cao ai cũng thích. Như chuỗi sạp của tôi trước đây, với đối tượng khách Nhật nhiều tiền, tôi có thể “hét” chiếc áo giá 70.000-80.000 đồng lên 800.000-900.000 đồng, thậm chí hơn triệu đồng! Khách có trả xuống phân nửa, phần ba chúng tôi vẫn lời to.

Tuy nhiên, trong tâm tôi thấy mệt mỏi, vì quá trình trả giá giữa người bán và người mua rất ngột ngạt, cay cú. Bán được món hời nhưng nhận lại ánh mắt ác cảm từ người ta.

Đôi khi tôi cũng muốn thay đổi. Nhưng khách “quen” bị “chặt chém” rồi, mình có nói giá thấp xuống người ta cũng quyết liệt trả giá. Nghĩ vậy nên tôi không quyết tâm. Khi các bạn đến thuyết phục, tôi ban đầu ngần ngừ, ngại các bạn không giữ lời. Mình cam kết bán đúng giá, các bạn lại không dẫn khách đến thì sao? Nhưng không hiểu sao các bạn làm tôi tin.

Tôi vừa ký cam kết và đang chờ đợi những đoàn khách đầu tiên do dự án giới thiệu. Hiện tại đã có những khách du lịch tự do bị thu hút bởi bảng hiệu “Fixed price - Great quality” (Đúng giá - chất lượng tốt - PV) mà ghé đến.

Đã cam kết nên chúng tôi không hét giá nữa, mỗi món chỉ lời 10.000-15.000 đồng. Tôi đã thấy nụ cười thiện cảm trên môi khách. Không khí mua bán thoải mái hơn nhiều“.

Chị NGUYỄN THỊ PHỤNG LIÊN (26 tuổi, chủ chuỗi bảy sạp quần áo, 
khăn lưu niệm Phúc Tuyền, chợ Bến Thành, Q.1
)

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp