23/07/2022 05:53 GMT+7

Mở rộng phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM ra sao?

T.DUNG - C.TUẤN - Đ.PHÚ
T.DUNG - C.TUẤN - Đ.PHÚ

TTO - Đề án phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM sẽ mở thêm nhiều tuyến phố nhằm phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và tạo không gian sống cho người dân.

Mở rộng phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM ra sao? - Ảnh 1.

Người dân đi bộ trên tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM) chiều ngày 22-7 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vậy các tuyến phố đi bộ mới sẽ được mở ra sao?

Có 22 tuyến đường bách bộ

Theo đề án của Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP, từ năm 2022 đến 2025 sẽ mở thêm phố đi bộ vào các ngày cuối tuần tại 22 tuyến đường ở khu vực trung tâm. 

Ngoài ra, theo Sở Giao thông vận tải TP, đề án đưa ra lộ trình phát triển phố đi bộ, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như cải tạo nút giao, tăng cường bãi giữ xe, tổ chức kết nối giao thông công cộng, cung cấp tiện ích, cải thiện cảnh quan, định hướng tổ chức các sự kiện hấp dẫn. 

Về việc cần bổ sung nhà vệ sinh, bãi giữ xe, theo Sở Giao thông vận tải TP, phía tư vấn xây dựng đề án đã xem xét cụ thể vấn đề này và bố trí các điểm giữ xe xung quanh phố đi bộ.

Sau khi tổ chức giao thông, khu vực đi bộ sẽ được cung cấp thêm 1.735 chỗ đỗ ôtô, 1.184 ô đỗ xe máy, có khả năng đáp ứng 66% nhu cầu đỗ ôtô và 90% nhu cầu đỗ xe máy. Còn quy mô bãi đỗ xe công viên 23-9 chưa được đề cập do chưa có thiết kế. Trong tương lai, bãi đậu xe tại đây sẽ đáp ứng nhu cầu cho khu vực trung tâm.

Tại TP hiện đã có hai phố đi bộ ở Bùi Viện và Nguyễn Huệ (quận 1). Với vị trí "đắc địa", phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn là điểm hẹn với các sự kiện lớn, thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Cách đó không xa, phố đi bộ Bùi Viện hoạt động sôi nổi nhất từ 20h đến khuya. Dọc con phố được bố trí các hàng quán sạch sẽ, rộng rãi... tạo không gian cho du khách được hòa mình vào cuộc sống đa văn hóa mỗi khi đêm về.

Chị Trần Tịnh, ngụ ở TP Thủ Đức, nói rằng vào các dịp lễ lớn hay cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ trở nên quá tải, ít không gian cho trẻ em vui chơi. Nếu TP mở thêm phố đi bộ, kết hợp thêm các tiểu khu mua sắm, vui chơi, văn hóa lịch sử thì người dân sẽ có thêm nhiều không gian để giải trí. "Tôi nghĩ việc mở rộng thêm các phố đi bộ khu trung tâm thành phố là hết sức cần thiết", chị Tịnh bày tỏ.

Cần có điểm nhấn

Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cũng cho biết rất ủng hộ đề án phố đi bộ. Bởi theo ông, khu vực trung tâm TP từ nay đến 2025 - 2030 sẽ hạn chế xe cá nhân, mà muốn hạn chế thì đầu tiên phải khuyến khích, mở rộng không gian đi bộ. Song song đó, TP cần mở rộng, đa dạng hơn nữa loại hình xe công cộng giúp người dân đi lại thuận tiện.

Theo ông Trường, ngoài không gian phố đi bộ mà đề án đã nêu, cũng cần thêm việc kết nối, mở mới phố đi bộ ở khu vực ven kênh, ven sông để kết hợp thêm không gian trên bờ là phố đi bộ, dưới là sông nước. Chẳng hạn như khu vực đại lộ Võ Văn Kiệt. Từ đó, TP kết nối thêm các sản phẩm du lịch đường thủy, buýt thủy...

Đồng quan điểm, TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - cho hay việc kết nối xe công cộng cùng với hệ thống phố đi bộ ở trung tâm TP là cần thiết. 

"Tuyến phố đi bộ phải liên kết với nhau và được kết nối vào hệ thống xe buýt, tàu buýt, xe đạp công cộng... Có như vậy người dân, khách du lịch có nhu cầu tham quan dễ dàng đi từ phố này sang phố khác hoặc đi xe công cộng đến phố đi bộ", TS Thắng nói.

Ở góc độ khác, TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế - cho rằng mạng lưới phố đi bộ ở TP nhất định phải tạo môi trường văn hóa - du lịch thực sự. Do vậy, TP cần chú trọng tạo mảng xanh và thiết kế không gian, tiện ích một cách chất lượng. Như tại Singapore, họ làm phố đi bộ khá đẹp, quy định chặt chẽ tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cho người dân, khách du lịch.

Lộ trình mở thêm phố đi bộ

Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2023: phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các tuyến nêu trên sẽ cấm các loại xe qua lại trong thời gian tổ chức phố đi bộ. Đối với đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang: ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2024: phố đi bộ mở rộng trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Các tuyến như đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.

Đến giai đoạn 3 từ năm 2024 - 2025: mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần gồm: đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.

Khu trung tâm TP.HCM sẽ mở rộng phố đi bộ ở 22 tuyến đường Khu trung tâm TP.HCM sẽ mở rộng phố đi bộ ở 22 tuyến đường

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi UBND TP tờ trình đề án phố đi bộ khu vực trung tâm TP. Đề án cũng xây dựng các tiêu chí để cơ quan quản lý xem xét chấp thuận chủ trương khi có đề xuất mở phố đi bộ.

T.DUNG - C.TUẤN - Đ.PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp