04/10/2019 06:35 GMT+7

Mở rộng Huế gấp năm lần: Được gì? Mất gì?

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Câu chuyện mở rộng thành phố Huế với diện tích gấp năm lần đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Vì sao phải mở rộng? Mở rộng như thế nào để tránh những sai lầm mà nhiều đô thị đã mắc phải? Nguồn lực nào để thực hiện việc lớn đó?...

Mở rộng Huế gấp năm lần: Được gì? Mất gì? - Ảnh 1.

Nguồn: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến 2030, tầm nhìn 2050) - Đồ họa: N.KH.

Phải có chiếc áo mới rộng đẹp cho Huế. Vấn đề cần bàn là chiếc áo mới phải như thế nào để phù hợp với đặc thù của Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ (chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Việc mở rộng này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoạch định trong đề án "Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Đề án đã xây dựng xong và đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện. Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP Huế hiện hữu (70,67km²) và một phần của các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348,54km², rộng gấp năm lần TP Huế hiện nay.

Huế đã quá chật chội

Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết việc mở rộng Huế là tất yếu, vừa là nhu cầu bức thiết hiện tại và đòi hỏi của tương lai. 

Huế hiện là đô thị di sản và cảnh quan thiên nhiên, với nhiệm vụ bảo tồn một quần thể lớn di sản văn hóa. Tuy nhiên, mật độ dân số của Huế hiện rất cao (5.029 người/km2, trong khi quy chuẩn là 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Theo quy chuẩn mà Quốc hội ban hành, thành phố thuộc tỉnh phải có dân số tối thiểu 150.000 người và diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên. Huế hiện là đô thị loại 1 thuộc tỉnh, dân số hơn 350.000 người nhưng diện tích chỉ hơn 70km2. Vùng ven thành phố đã đô thị hóa từ lâu nhưng lại quản lý bằng bộ máy chính quyền nông thôn nên không còn phù hợp, đòi hỏi phải quản lý bằng chính quyền đô thị.

Theo ông Thọ, đề án này là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Chính phủ đã phê duyệt từ 5 năm trước (2014). Và việc này cũng đã được trung ương định hướng trong các quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, phát triển vùng miền Trung.

Quy mô đô thị Huế quá chật chội đối với nhiệm vụ bảo tồn và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy, thực tế cuộc sống đòi hỏi phải mở rộng đô thị Huế.

Đô thị sẽ có thêm biển và đầm phá

Theo đề án, đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông - tây và bắc - nam, với trục cảnh quan "xương sống" là sông Hương kéo dài từ vùng rừng núi phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. 

Mô hình cụm đô thị với trung tâm là thành phố Huế và bốn đô thị phụ trợ: Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An, Bình Điền. Hướng phát triển này cũng kéo biển Thuận An và sân bay Phú Bài gần nhau hơn qua hệ thống giao thông vành đai. Vì sân bay Phú Bài và biển Thuận An sẽ là hai động lực hết sức quan trọng để phát triển TP Huế.

ThS.KTS Trần Ngọc Tuệ (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế) cho rằng khi mở rộng TP Huế như đồ án quy hoạch, sẽ hoàn thiện trục không gian sông Hương kết nối từ núi đến biển. 

Trên trục sông Hương, các tiểu đô thị "bám hai bờ" sẽ được phát triển, vùng đô thị di sản sẽ được giảm áp lực. Thành phố Huế vốn là đô thị "nén", sẽ giảm bớt áp lực đối với hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội. 

Theo ông Tuệ, hướng mở rộng đông - tây và bắc - nam là phù hợp, nhưng nên ưu tiên mở rộng theo trục đông - tây trước, để hoàn thiện không gian đô thị di sản Huế thành một bức tranh từ núi đến biển theo trục cảnh quan sông Hương. Việc mở rộng theo trục này sẽ tránh sự xáo trộn, mất cân bằng giữa đất phát triển đô thị và đất nông nghiệp.

Theo đề án, các đô thị trong cụm đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa của các đô thị và phòng tránh lũ lụt; tạo lập cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan thân thiện với môi trường. 

Với cách điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế - ở bờ bắc sông Hương, đô thị cũ ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn; trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ được chính thức trở thành đô thị.

Sẽ gây xáo trộn

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định có rất nhiều cái được, nhưng cái được lớn nhất là khi không gian mở rộng thì Huế sẽ có một điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản - giá trị cốt lõi của Huế. Sẽ giải quyết được cuộc tranh chấp gay gắt giữa bảo tồn và phát triển luôn là câu chuyện bức xúc của Huế từ mấy chục năm qua.

Với một đô thị rộng mở và năng động đó, Huế mới có điều kiện để phát triển xứng tầm một trong sáu đô thị lớn của Việt Nam như quy hoạch của quốc gia. Đó chính là điều kiện để Huế phát triển kinh tế - xã hội, thoát khỏi tình trạng hiện nay "vị thế lớn mà quy mô nhỏ", vẫn xếp sau nhiều đô thị về kinh tế. Người dân được hưởng thụ điều kiện sống và làm việc tốt hơn.

Đồng thời, theo ông Thọ, việc mở rộng phát triển này cũng sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận dân chúng và các địa phương. Một số diện tích và dân cư của các thị xã, huyện sẽ nhập về thành phố Huế, sẽ làm các địa phương đó thiếu chỉ tiêu, giảm cấp đô thị, sẽ ảnh hưởng đến ngân sách xây dựng hạ tầng, kinh tế - xã hội... Sẽ có một số địa danh làng xã bị thay đổi hoặc mất, gây xáo trộn đời sống và tâm tư của người dân, vì người Huế rất coi trọng văn hóa làng quê, họ tộc...

Theo KTS Trần Ngọc Tuệ, đô thị hóa sẽ lấy đi một diện tích đất nông nghiệp, nên việc cân bằng đất đai, thoát lũ và sự ảnh hưởng đến an ninh lương thực cần phải được xem xét cẩn trọng. Một chuyên gia ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng đưa ra khuyến cáo: nếu diện tích tăng gấp năm lần trong khi dân số không tăng tương ứng sẽ tạo nên một dòng di cư lớn mà chính quyền không thể kiểm soát hết, sẽ nảy sinh các hệ lụy về văn hóa, xã hội.

Vấn đề sau cùng nhưng hết sức hệ trọng, đó là tiêu cực nảy sinh khi đô thị mở rộng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi. Quỹ đất đô thị tăng và đó là "miếng mồi ngon" của những nhóm lợi ích. Hệ lụy nặng nề đó đã xảy ra với mở rộng đô thị Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều đô thị khác. 

Ông Phan Ngọc Thọ xác nhận việc lợi dụng quy hoạch để đầu cơ đất là nguy cơ đồng hành. Vì vậy, quy hoạch phải công khai để người dân giám sát. Đất đai sẽ được đấu thầu, đấu giá công khai. Kiểm soát tiêu cực bằng hệ thống pháp luật. 

"Bài học từ việc mở rộng các đô thị trong nước sẽ giúp Huế hóa giải được những hệ lụy để phát triển. Vì đô thị hóa là quy luật tất yếu, không thể cưỡng lại được!" - ông Thọ chia sẻ.

Mở rộng Huế gấp năm lần: Được gì? Mất gì? - Ảnh 3.

Mở rộng đô thị Huế sẽ giúp việc bảo tồn đô thị xưa cũ ở hai bờ sông Hương - Ảnh: NHẬT LINH

Đô thị hóa phải có lộ trình

Một bộ phận nông dân trở thành thị dân mà mỗi ngày vẫn ra đồng cấy lúa, trồng khoai, rất dễ tạo nên một kiểu đô thị "nửa làng, nửa phố". Ông Phan Ngọc Thọ nói đó là điều đã nhìn thấy, vì vậy đô thị hóa phải có lộ trình, và mở rộng với quy mô vừa phải. Giai đoạn 1 chỉ mở rộng khoảng 270km2, với mật độ xây dựng khoảng 40%, dân số khoảng 500.000 người.

Bao quanh Huế là một hệ thống làng quê rất đẹp, mang đậm bản sắc làng Việt ở Trung Bộ và vẫn còn khá nguyên vẹn. Vì vậy, giới bảo tồn văn hóa rất lo lắng di sản này sẽ mất đi trong quá trình đô thị hóa.

Ông Thọ cho rằng đồ án mở rộng có chú trọng vấn đề này. Diện tích mở rộng ra nhưng không phải là toàn phố xá, mà có những khu vực chỉ chỉnh trang đô thị đã có, không được xây mới; đặc biệt sẽ bảo tồn một số làng điển hình. Các công viên sẽ là nơi để giữ lại không gian làng.

"Tôi vừa yêu cầu giữ lại miếu Thần nông ở khu đô thị mới An Vân Dương, và xây dựng công viên ở đó để giữ lại ngôi miếu liên quan đến nghề nông và hạt gạo de An Cựu" - ông Thọ nói.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng (TP.HCM):

Nên học theo mô hình đô thị của Tokyo

Biện pháp xây dựng đô thị vệ tinh của Huế có thể lấy đô thị Tama Newtown của Tokyo (Nhật Bản) làm ví dụ.

Tỉnh thành lập công ty cổ phần đầu tư đô thị sáng tạo ở vị trí thích hợp theo quy hoạch vùng đô thị Huế, với sự tham gia của tỉnh, các doanh nghiệp và người dân có đất làm thành viên sáng lập.

Chính phủ cấp sổ đỏ cho công ty với diện tích khoảng 1.000ha; công ty dùng sổ đỏ này vay vốn ngân hàng, để xây khu ở mới cho người dân có đất trong khu quy hoạch, với đầy đủ phúc lợi xã hội.

Lấy đất sạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo ra đất sạch bán đấu giá, kèm các chính sách khuyến khích. Mời gọi vài "đại bàng" công nghệ đến sản xuất và đặt văn phòng, làm tiền đề thu hút các công ty nhỏ khác. Tiền bán đấu giá đất tái đầu tư vào công trình phúc lợi xã hội khác.

Thành phố phát triển kéo theo cổ phiếu tăng giá, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính quyền và người dân, tạo ra công ăn việc làm từ chính nội lực của mình.

TS.KTS Đặng Minh Nam (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế):

Hướng đến đô thị môi trường kiểu mẫu

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Huế đã đề ra được chiến lược phát triển của thành phố dựa trên tính đặc thù của địa phương, trong đó chú trọng đến khai thác các giá trị cảnh quan di sản kiến trúc; các thế mạnh về văn hóa và tri thức để trở thành trung tâm trí thức công nghệ cao và các giải pháp triển khai nhằm hướng đến đô thị môi trường kiểu mẫu chú trọng đến biến đổi khí hậu.

Các giải pháp tạo hành lang xanh nhằm tránh phát triển đô thị theo kiểu "vết dầu loang", đảm bảo sự phát triển bền vững và phát huy thế mạnh của các đô thị phụ trợ.

ThS.KTS Trần Ngọc Tuệ (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế):

Huy động nguồn lực đa dạng

Huế là một địa phương có nguồn lực tài chính rất hạn chế, để thực hiện chiến lược có quy mô lớn và dài hơi này, bên cạnh nguồn ngân sách chúng ta cần phải huy động nguồn lực đa dạng. Đó là nguồn xã hội hóa nhà nước và tư nhân cùng hưởng lợi cho việc mở rộng thành phố, đặc biệt là những quỹ đất ven biển và ven sông Hương.

Khai thác hiệu quả du lịch, dịch vụ từ việc mở rộng thành phố thành bức tranh hoàn thiện đô thị di sản, sử dụng hợp lý việc gia tăng giá trị của quỹ đất đô thị mở rộng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế):

Tránh nguy cơ "nông thôn mang mác thành thị"

Mở rộng Huế là phát huy lợi thế của một vùng đất từng là kinh đô, nên việc phát triển đó phải đi liền với việc phát triển đô thị di sản. Đô thị không có nghĩa phải là một thành phố đông dân cư, có nhiều nhà cao tầng, đường sá chằng chịt.

Một thành phố Huế có không gian rộng, không chỉ có công trình kiến trúc mà còn có cảnh quan, môi trường của một thành phố di sản, văn hóa. Đặc biệt là hệ thống dân cư truyền thống đã được duy trì lâu đời và phát huy tốt. Đi liền với vành đai đô thị mới, để tạo ra một xương sống phát triển cho Huế.

Nếu không làm được điều đó, Huế sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành thành phố "nông thôn mang mác thành thị".

M.TỰ - N.LINH ghi

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp