Sinh viên cần cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới để có thể làm việc từ xa hiệu quả (trong ảnh: sinh viên ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: CÔNG NHẬT
"Văn hóa doanh nghiệp được cấu thành từ các yếu tố như: tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích, các giá trị, hành vi, tiêu chuẩn đạo đức... thông qua một quá trình bồi đắp lâu dài. Vì vậy, để thay đổi là một việc không đơn giản và cần có thời gian, phải được sự đồng ý, khởi xướng của lãnh đạo.
Việc dõi theo, cập nhật những điều này sẽ giúp các trường có bước chuẩn bị tốt cho "hành trang" nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên", TS Vũ Quốc Anh (phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH HUTECH) phân tích.
Không phải mới nhưng trở nên phổ biến hơn
ThS Trần Nam (trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: "Thật ra WFH không phải là mới nhưng trở nên phổ biến hơn dưới tác động của COVID-19 lẫn sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ. Và một điểm thú vị là đại dịch giúp chúng ta nhận ra có thể làm những điều trước đây tưởng chừng khó khăn, thể hiện rõ nét sự chuyển đổi nhận thức lẫn hành động.
Chẳng hạn nhiều giảng viên 60-65 tuổi ở trường chúng tôi hiện đã phá vỡ 'bức tường' lâu nay cho rằng khó vượt mang tên công nghệ, giờ họ có thể soạn bài, giảng dạy trực tuyến hiệu quả. Tôi tin họ thích nghi được thì giới trẻ nói chung hay Gen Z nói riêng cũng sẽ làm quen được".
Nhấn mạnh WFH sẽ là một xu hướng phổ biến trong tương lai, TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc (phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM) cho biết các cơ sở đào tạo giáo dục muốn sản sinh thế hệ sinh viên có lợi thế cạnh tranh thì không thể đứng ngoài xu thế này.
Ông cũng nêu một câu chuyện đáng suy ngẫm, tham khảo: "Mùa xuân năm 2018, tôi có dịp đến giảng dạy tại một ĐH ở thành phố Kokkola (Phần Lan) và rất bất ngờ khi thấy nhà trường không có cơ chế quản lý thời gian, điểm danh nhân sự hay chấm công vân tay như ở Việt Nam. Khi hỏi các giáo sư tại đây, họ chia sẻ nếu cá nhân hay gia đình có việc riêng, họ có quyền chọn WFH miễn làm tròn các công việc được giao".
TS Đỗ Anh Đức (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, ĐH Kinh tế quốc dân) nhận định việc áp dụng WFH sẽ tạo nên các quy tắc mới, chuẩn mực mới đối với hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp, do đó sẽ tác động đến doanh nghiệp trong sớm muộn.
Theo TS Anh Đức, nhận thức và quyết định mức độ áp dụng WFH phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo trong các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ vốn linh hoạt sẽ có khả năng thay đổi tốt hơn các doanh nghiệp lớn.
Để tăng lợi thế cạnh tranh cho sinh viên
TS Nguyên Lộc cho biết điều đầu tiên các trường cần "trang bị" cho sinh viên là khả năng làm bạn với công nghệ.
"Các mục tiêu WFH sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của thiết bị và công nghệ. Người lao động cần sử dụng thành thạo một số ứng dụng như Zoom, Skype, Google Meet, Slack, Google Drive... Bên cạnh đó, các bạn cũng cần kỹ năng giao tiếp tốt, đặc biệt là kỹ năng viết vì phần lớn các giao tiếp rồi sẽ diễn ra thông qua email, tin nhắn", TS Nguyên Lộc nói.
Ông cũng cho rằng thách thức này càng rõ nét nếu người lao động làm việc trong môi trường đa quốc gia.
TS Vũ Quốc Anh (phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH HUTECH) cho rằng các trường nên thông qua bài tập, bài giảng lồng ghép các kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị, quản trị dự án, tiếp cận công nghệ... để giúp sinh viên có các kỹ năng, thái độ nhận thức tốt. "Bổ sung số học phần hoặc số tiết học từ xa (20-30%) nhằm giúp sinh viên dần quen với việc áp dụng công nghệ trước khi bước vào giai đoạn WFH.
Yêu cầu khác về kỹ năng làm việc
Với ThS Trần Nam, người có cả thâm niên quản lý lẫn giảng dạy, yêu cầu kỹ năng làm việc trong tương lai của thế hệ Z sẽ thay đổi nhiều khi công nghệ sẽ là nền tảng chủ yếu để tổ chức công việc.
"Khả năng sáng tạo sẽ là đặc điểm quan trọng cần có ở họ, bên cạnh tư duy phản biện và khả năng kết nối... Chính vì vậy, các trường cần đào tạo và kiến tạo môi trường để người học vừa có kiến thức chuyên môn sâu, một mặt có thêm kỹ năng làm việc trong môi trường có tính công nghệ cao và đa văn hóa.
Cá nhân tôi cho rằng các trường cũng rất cần rà soát để có thể bỏ những môn học không cần thiết và bổ sung những môn mới mà tương lai người học có thể áp dụng vào đời sống của họ", ThS Trần Nam chia sẻ.
* Còn tiếp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận