27/05/2021 11:21 GMT+7

Mở ra một cách thức mới: làm việc từ xa

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Khi đại dịch ập đến, nhiều nơi buộc chuyển sang hình thức làm việc từ xa (work from home, viết tắt WFH) là thử thách không nhỏ với một bộ phận lao động trẻ lẫn doanh nghiệp tại Việt Nam.

Mở ra một cách thức mới: làm việc từ xa - Ảnh 1.

Một bạn trẻ đang làm việc từ xa- Ảnh: VINH SAN

9h sáng, Quốc Vũ (25 tuổi, quận 3, TP.HCM) thức dậy và vẫn nằm ườn trên giường lướt điện thoại đọc báo, nghe vài bản nhạc yêu thích trước khi uể oải bước ra khỏi giường.

Nước đến chân mới nhảy

Trước đó, giờ này Quốc Vũ đang ngồi làm việc chỉn chu trong văn phòng và đã kịp ăn sáng.

"Tôi làm việc trong một công ty công nghệ nên địa điểm làm việc khá linh động, miễn có đủ laptop và WiFi mạnh thì công việc không bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, tôi thấy mình xuề xòa, khá bỏ bê bản thân từ lúc công ty cho lựa chọn WFH thay vì đến văn phòng do COVID-19. 

Hầu hết các cuộc họp đều qua hình thức trực tuyến và không nhất thiết phải bật màn hình. Các chỉ tiêu về công việc thì tôi vẫn hoàn thành tốt nhưng luôn ở trạng thái "nước đến chân mới nhảy". Tôi thậm chí mất dần hứng thú trong công việc", Quốc Vũ bộc bạch.

Quốc Vũ chưa quen với việc làm việc mà chẳng có ai tán gẫu cùng. "Có những khi gặp thắc mắc trong quá trình làm việc, trước đây chỉ cần vỗ vai đồng nghiệp ngồi kế hoặc hỏi sếp là được giải đáp ngay, còn giờ thì chần chừ vì không biết họ có đang bận rộn gì không, lúc thì liên lạc nhưng họ chẳng bắt máy, online", Vũ chia sẻ.

Một số bạn trẻ khác cho biết họ rất khó tập trung, luôn loay hoay trong công việc khi làm việc từ xa. 

Làm lĩnh vực truyền thông ở một tập đoàn trong nước, Mỹ Khanh (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Một trong những yếu tố khiến tôi yêu thích công ty do mỗi ngày đến nơi làm đều là một ngày vui, nơi tôi biết mình sẽ học hỏi được nhiều và vì công ty cũng tổ chức một số hoạt động đào tạo, giao lưu ngoài giờ. Còn bây giờ thì niềm vui đó giảm phân nửa. Lúc đầu cứ tưởng WFH là thoải mái, nào ngờ có lúc việc lại rối như canh hẹ".

Tháng 5-2021 là lần thứ hai WFH, Mỹ Khanh cho biết bạn vẫn phần nào chưa quen được nếp làm việc mới. 

"Có lẽ do nhu cầu giao tiếp trực tiếp của tôi quá lớn nên tôi vẫn thấy sự hụt hẫng nhất định, nhất là những khi được sếp khen qua email, màn hình thay vì cái ôm, vỗ vai như trước đây. Gần đây công ty không còn tổ chức những hoạt động xây dựng đội nhóm (team building)", bạn nói. 

Song song đó, bạn cũng khó tập trung làm việc WFH vì tiếng ồn từ hàng xóm quấy rầy, bị gia đình "nhờ" làm việc riêng, bị mạng xã hội cám dỗ...

Đối mặt những thay đổi

TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc (phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM) dẫn một nghiên cứu đăng trên tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) vào đầu năm 2021, chỉ 13% cá nhân thuộc Gen Z (những cá nhân sinh từ 1996-2010) cho biết không gặp thử thách gì với WFH. 

Nhóm này cũng gặp nhiều vấn đề nhất so với các thế hệ khác khi dịch chuyển từ môi trường làm việc truyền thống sang WFH. Bốn thách thức chính mà GenZ đối mặt khi làm việc tại nhà là: hiệu suất, sự nhàm chán, sức khỏe tinh thần và khả năng phát triển kỹ năng.

Có thể nói các thách thức trên là những điều được hầu hết các công ty lớn tìm hiểu, cải thiện liên tục khi xây dựng yếu tố quan trọng là văn hóa doanh nghiệp, vì đây là điều thu hút, giữ chân người tài ở mô hình làm việc truyền thống lẫn ở WFH. 

Với một bộ phận người tài thì thu nhập cao không còn là yếu tố tiên quyết để đầu quân hoặc cống hiến lâu dài vào một công ty nào đó.

Theo tiến sĩ Trần Việt Hùng (sáng lập viên ứng dụng triệu USD Got It, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam) từng chia sẻ với Tuổi Trẻ thì ông "kéo" được nhiều nhân viên của các "ông lớn" tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ)... về Got It từ giai đoạn đầu.

Lý do TS Hùng giải thích: "Lúc đó Got It không thể trả cho các kỹ sư trên mức lương như Google, Oracle nhưng những người trẻ tài giỏi luôn mong muốn được cống hiến, được thử thách với những nơi, những điều mới mẻ và tạo ảnh hưởng... chứ không chỉ quan tâm đến thu nhập, các lợi ích thông thường. 

Cụ thể như ở nơi tập hợp cả ngàn bộ óc siêu việt như Google thì họ chỉ là mắt xích nhỏ, trong khi ở các start-up thì họ lại là người dẫn dắt, tác động theo đó lớn hơn nhiều".(Còn tiếp)

Thách thức mới

Theo khảo sát "21 xu hướng và tương lai công việc" công bố đầu năm 2021 của Tập đoàn nhân sự Mỹ ManpowerGroup, có đến 48% người lao động cho rằng đại dịch đã đặt ra một cách thức làm việc mới tại công sở: làm việc từ xa, làm việc ở bất cứ đâu.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả sẽ là một thách thức mới đối với hầu hết doanh nghiệp.

Quản lý các nhân viên làm việc từ xa Quản lý các nhân viên làm việc từ xa

Là lãnh đạo, bạn luôn mong muốn nhân viên của mình làm việc chăm chỉ, đúng giờ và hiệu quả cao. Nhưng để quản lý một đội ngũ nhân viên, nhất là khi họ lại không bị bó buộc và nhất thiết phải có mặt tại văn phòng làm việc, là một điều không hề đơn giản.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp