Bạn đọc Hữu Nhân hỏi cách tính thuế:
Tôi hiện là bác sĩ. Tôi đã được cấp giấy phép kinh doanh hộ gia đình để mở phòng khám bệnh tư nhân. Thời gian qua, đội thuế phường gọi tôi lên kê khai thuế. Cán bộ thuế giải thích tôi đóng thuế theo hình thức khoán, không phải theo thuế giá trị gia tăng do tôi hoạt động khám chữa bệnh (theo thông tư 40/2021/TT-BTC).
Cách tính thuế như sau: họ nói dựa vào mức tính thu nhập cá nhân là 9 triệu đồng/tháng x 12 tháng = 108 triệu đồng/năm. Do thời điểm tôi đến đội thuế là tháng 8 nên sẽ lấy 108 triệu chia cho 5 tháng còn lại của năm, ra con số là 21,6 triệu đồng.
Họ lấy 21,6 triệu này là mức khoán thu nhập mỗi tháng tôi thu được và tôi sẽ đóng 2% của mức khoán trên mỗi tháng.
Tôi có giải thích nếu hoạt động thì tôi cũng không đạt mức doanh số này. Do bệnh nhân thường chỉ đến những phòng khám đã nổi tiếng trước đó, nên nếu mới mở phòng khám, có thể một tháng tôi chưa đạt được 5-10 bệnh nhân nên doanh thu khó đạt trên 1 triệu/tháng.
Họ trả lời nếu thấy có khả năng đóng thuế thì kinh doanh, nếu thấy không có khả năng thì trả giấy phép kinh doanh và không kinh doanh nữa.
Tôi hỏi về sự không công bằng giữa việc kê khai thuế đầu năm và cuối năm theo cách đội thuế triển khai do mức thuế sẽ khác nhau rất nhiều nếu chia cho 12 tháng hoặc chia cho 1, 2, 3 hoặc 4… tháng còn lại của năm.
Họ giải thích đại ý là may rủi (do tôi khai báo cuối năm), họ cũng làm theo chỉ đạo từ cơ quan cấp trên. Họ cũng khẳng định mức thuế chỉ có thể giữ nguyên hoặc tăng thêm, chứ không bao giờ giảm khi tôi hỏi về việc nếu sang năm có được kê khai doanh thu lại hay không.
Tôi xin hỏi: Mức doanh thu theo hình thức của đội thuế đề ra có phù hợp không? Theo tôi tìm hiểu, nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải đóng thuế, mà có thể chỉ đóng lệ phí môn bài, nếu trên 100 triệu đồng/năm thì sẽ đóng thuế.
Luật sư Lê Thị Bích Hải, Hãng Luật Hưng Yên, trả lời:
Theo quy định tại thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì hộ kinh doanh nộp thuế theo một trong 3 phương án sau:
Phương án kê khai (áp dụng cho những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; hộ kinh doanh, cá nhân chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai; những hộ kinh doanh này phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ hoặc có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng).
Phương án khai thuế theo từng lần phát sinh (áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định).
Phương án khoán (áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương án kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh).
Trường hợp hộ kinh doanh của ông không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ; kinh doanh thường xuyên và có địa điểm kinh doanh cố định thì nộp thuế theo phương án khoán.
Tuy nhiên, dù là nộp thuế theo phương án nào thì căn cứ để tính thuế đều là dựa trên nguyên tắc tính thuế và doanh thu tính thuế.
Theo đó, về nguyên tắc tính thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không thuộc trường hợp phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nếu doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng thì phải nộp thuế như sau:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng x Tỉ lệ thuế giá trị gia tăng
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x Tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân
Hộ kinh doanh của ông kinh doanh hoạt động khám chữa bệnh, theo phụ lục I - thông tư số 40/2021/TT-BTC thì hộ kinh doanh của ông sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất thu nhập cá nhân là 2%.
Đối với hộ khoán kinh doanh không trọn năm, nếu mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế.
Tuy nhiên doanh thu tính thuế là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Giả sử mỗi tháng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ông là 10 triệu đồng/tháng (>100 triệu đồng/năm thì ông phải nộp thuế thu nhập cá nhân). Tuy nhiên, ông chỉ kinh doanh từ tháng 8-2022, như vậy doanh thu thực tế của ông trong năm 2022 là 10 triệu/tháng x 5 tháng = 50 triệu. Và ông sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho năm 2022 tương ứng là 50 triệu đồng nhân với tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, cách tính thuế cho năm 2022 của đội thuế áp dụng cho hộ kinh doanh của ông như ông đã nêu là chưa đúng.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được tư vấn pháp luật
Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận