Mới đây, ngay sau khi cuốn sách được giải Phát hiện mới của Sách Hay, trên một tờ báo có bài đưa ra một số sai sót về ngày tháng trong Mộ phần tuổi trẻ làm nhiều bạn chưa đọc cuốn sách tỏ ra lo ngại khi sách được giải mà có sai sót...
Tôi viết bài này để góp thêm một ý kiến: những sai sót đó không đáng kể so với những gì mà cuốn sách đã đạt được.
Không phải là tiểu thuyết lịch sử hay dã sử, đơn giản đó chỉ là cuốn tiểu thuyết của những hồi ức, giữa khắc ghi và quên lãng, chính nhân vật chính cũng nhiều lần trở đi trở lại câu hỏi liệu năm tháng ấy có thật hay không, liệu ký ức ấy có phải chỉ đơn thuần là tưởng tượng?
Tác giả Huỳnh Trọng Khang đã viết trong phần lời bạt của cuốn Mộ phần tuổi trẻ
Liệu năm tháng ấy có thật không?
Để "khai quật" lại những câu chuyện cách đây nửa thế kỷ, tác giả ở tuổi 20 không thể tận mắt chứng kiến mà chỉ có thể sử dụng những chất liệu từ sách, báo, phim, nhạc… từ những gì được nghe kể lại hay đọc trên Internet.
Và tất nhiên cùng một trí tưởng tượng vô cùng phong phú, đó là một thực tế rõ ràng mà các độc giả lớn tuổi cần bao dung chấp nhận thay vì mang định kiến ra soi xét những chi tiết mà họ cho là không thể có thực.
Ví dụ như chi tiết "hoa sữa Hàng Đào", do trước đây tôi cũng có thời gian sống ở Hà Nội khá lâu nên biết rằng phố Hàng Đào không trồng hoa sữa, tuy vậy tôi lại thấy từ hình ảnh "hoa sữa Hàng Đào" một ẩn dụ rất thú vị về tuổi trẻ đi tìm những hình ảnh quá khứ mà họ không hề có mặt ở đó.
Không có "hoa sữa Hàng Đào" có nghĩa là cái quá khứ mà tuổi trẻ tưởng tượng ra về cha ông họ không thực sự là chính cái quá khứ mà cha ông họ trải qua.
Nhưng nào có hề gì, khi dòng sông lịch sử không ngừng chảy và đáng quý biết bao việc tuổi 20 cao vọng đi tìm lại và tái hiện lịch sử theo tất cả những tri thức họ có thông qua một hư cấu văn chương.
Giữa bộn bề sách vở, có một cuốn sách như Mộ phần tuổi trẻ cho ta thấy một cuộc suy tư kiếm tìm mê mải của tuổi trẻ về đất nước ngày hôm qua và dựng nên quá khứ đó bằng trí tưởng tượng, khiến độc giả phải nghĩ suy, đó chẳng phải là một cuộc tìm tòi rất đáng trân trọng hay sao?
Ngoài ra, thủ pháp gợi nhắc tham chiếu đến các tác phẩm khác là một thủ pháp bình thường và được rất nhiều tác giả sử dụng trong cả văn học lẫn điện ảnh.
Tác giả Huỳnh Trọng Khang - Ảnh: L.T.Trung
Tình yêu là chốn nương náu…
Mộ phần tuổi trẻ là cuộc đào bới bằng ký ức của nhân vật tôi, không có tên, con trai một tướng quân của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.
Những câu chuyện kể theo ý nghĩ miên man không theo trục thời gian mà nhớ gì viết nấy, tuy nhiên có tập trung xoáy vào thời tuổi 20 của nhân vật vào khoảng cuối những năm 1960, khi chiến tranh trở nên ngày càng ác liệt.
Ngay từ nhập truyện, tác giả Huỳnh Trọng Khang đã khá khéo léo để nhân vật con trai tướng quân có cơ hội ăn tiệc cùng với Diệm - Nhu - Thiệu và các tướng lĩnh để có thể mô tả chân tướng giới chóp bu Sài gòn một thời, cái giới khi đó "cả trên bàn tiệc này, người ta cũng đang âm mưu cho một cuộc chiến tranh".
Bi kịch gia đình lồng trong bi kịch chiến tranh, những cái chết của anh ba, anh tư của nhân vật cũng là những cú đổ vỡ của số phận con người trước tính vô nghĩa của cuộc chiến.
Tất cả những sự kiện đó được xâu chuỗi bằng cảm nhận của nhân vật tôi, và từ những cảm nhận đó, người đọc có thể đọc được suy nghĩ của chính tác giả trong sự tàn khốc đến vô vọng của chiến tranh chỉ có tình yêu là chốn nương náu duy nhất.
Tạo dựng được không khí của thời cuộc
Sự hình thành và sụp đổ của nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một chủ đề ít được khai thác trong văn chương sau năm 1975 đã được tác giả của Mộ phần tuổi trẻ đi sâu mô tả thông qua các cuộc gặp gỡ, các tác phẩm, nhân vật, số phận, những mâu thuẫn.
Sài Gòn thì "là chốn tuyệt vời để hưởng thụ và sa ngã", "hiện sinh chủ nghĩa tràn ngập, bọn hippi vong thân", "Người ta tranh nhau đọc sách của Camus, Sartre, các trước tác của Nietzsche"...
Ta gặp ở đây một loạt tác giả như Bùi Giáng, Nhất Linh, Trịnh Công Sơn, Du Tử Lê…
Điều rất thú vị ở đây là Huỳnh Trọng Khang thể hiện suy nghĩ của nhân vật thành dòng chảy nối kết tất cả những gì tác giả tìm thấy với nhau, từ cái chết của Nhất Linh đến cơn điên của Bùi Giáng, đem đến cho độc giả không khí thời cuộc chứa đầy mâu thuẫn lúc bấy giờ.
Đúng là một sự khéo léo và duyên dáng tạo nên cảm tình của độc giả với Mộ phần tuổi trẻ.
Có những đoạn văn Huỳnh Trọng Khang viết khá già dặn và sâu sắc, ví dụ như suy nghĩ liên tưởng của nhân vật sau khi nghe một bài hát tiếng Hàn:
Những đất nước bị chia cắt, những dân tộc không có quyền định đoạt số phận của mình. Những dân tộc cô đơn chịu án lưu đày trên mặt đất. Lũ thực khách phàm ăn bội bạc ngồi đấy, chúng quyết định cắt đôi nó. Ai cho chúng cái quyền làm điều đó, cái quyền phân tách, chia cắt cả một dân tộc, trao vào tay hai anh em thanh kiếm và xui họ giết hại lẫn nhau .
Mộ phần tuổi trẻ - trích
Mộ phần tuổi trẻ như một cuộc khai quật miên man dằng dặc tất cả những gì liên quan đến một nền cộng hòa non yểu, từng thứ, từng thứ một kết dính với nhau bằng những suy nghĩ từ tâm can của nhân vật được viết ra từ ngòi bút dồi dào sức trẻ.
Tác phẩm ấy, dù còn những điểm non tay hay vụng dại, đã cho thấy tuổi trẻ thường mang đến những làn sóng mới, khiến chúng ta luôn có thể hy vọng.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận