03/07/2019 09:05 GMT+7

Mở mặt tiền cho miền Trung

TRẦN MAI thực hiện
TRẦN MAI thực hiện

TTO - "Cha đẻ của công trình nghiên cứu cảng biển Dung Quất" - tiến sĩ Trương Đình Hiển - nhớ lại sự hình thành của công trình quan trọng đối với 30 năm phát triển của tỉnh Quảng Ngãi.

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 1.

Tàu vào cảng nước sâu Dung Quất nhập dầu thô - Ảnh: TRẦN MAI

Tuổi Trẻ gặp lại tiến sĩ Trương Đình Hiển tại TP.HCM, vào dịp Quảng Ngãi tái lập tỉnh đã tròn 30 năm. 

Vẫn phong thái quyết liệt, tâm huyết, ông Hiển kể về hành trình mở lối cảng Dung Quất với bao điều gian nan ngày đầu, mà bây giờ nhìn lại ông thấy rất hạnh phúc vì đã góp phần vào sự phát triển của Quảng Ngãi.

Thấy mặt tiền từ dải đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi"

* Duyên nợ của ông với cảng biển bắt đầu từ đâu, thưa tiến sĩ?

- Sau năm 1975, tôi vào làm việc ở Viện Nghiên cứu biển Nha Trang một thời gian. Liên doanh dầu khí Việt - Xô ra đời, tôi làm việc ở đó hai năm. Lúc đó, tôi đọc và nghiên cứu rất nhiều sách nước ngoài, thấy rằng các nước phát triển đều đi từ mặt tiền là biển như Anh, Pháp, Nhật, Hàn... Khi đọc xong thì tôi tự thốt lên: "Ôi trời, miền Trung mình là mặt tiền nhưng lại tự đóng cửa, thành ra nghèo!".

Thế là tôi rời liên doanh dầu khí.

* Lúc đó nghiên cứu cụ thể cái gì mà ông quyết tâm vậy?

- Tôi bắt đầu viết dự án nghiên cứu 12 cửa biển miền Trung từ Bình Định ra đến Huế, tức là nghiên cứu mặt tiền cho Việt Nam (cười). Nghiên cứu xong, tôi đưa dự án ra Viện hàn lâm Khoa học VN nhưng không ai trả lời. Tôi có hỏi thì mấy ông nói miền Trung "chó ăn đá, gà ăn sỏi", có sản phẩm công nghiệp, hàng hóa gì đâu mà nghiên cứu hàng loạt cửa biển tìm ra cảng nước sâu và khu công nghiệp phức hợp để làm gì.

* Ông có nản lòng?

- Không hề. Tôi quay về, tập hợp được ba anh em tốt nghiệp kỹ sư ở Liên Xô về, chúng tôi thành lập một phòng nghiên cứu. Không có kinh phí, chúng tôi đi vay tiền, thế là bắt đầu nghiên cứu tiếp. Từ tháng 2 đến tháng 10-1992 thì kết thúc trên máy tính và đi thực địa. Tôi phát hiện ba điểm Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Nhơn Hội (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi) có thể mở được cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp. Đây là "hòn đá tảng" cho phát triển.

Nghiên cứu xong, ba anh em định trình một lần nữa. Nhưng tôi bàn với hai cộng sự trình một lần cả ba địa điểm thì người ta sẽ chọn một, còn hai điểm bị bỏ qua thì sau này trình không được. Tôi nghĩ thôi phải nhắm vào nơi chậm phát triển nhất trong ba nơi này là Dung Quất. Tháng 10-1992, tôi bỏ tiền túi ra Quảng Ngãi.

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trương Đình Hiển

Vật lộn bảo vệ Dung Quất

* Lúc đó, ông có được đón nhận tại Quảng Ngãi?

- Tôi ra xin gặp UBND tỉnh Quảng Ngãi để trình bày dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp. Mấy ổng trợn tròn con mắt nói ngược lại rằng: Tôi nói cho anh biết, Bộ GTVT mấy ngàn người, giáo sư tiến sĩ như anh còn nhiều hơn, Quảng Ngãi mời cả viện thiết kế mà có cái cảng nào đâu. Bộ GTVT cũng chỉ cho chúng tôi cảng Sa Kỳ sâu có 3m nước, làm gì có cảng nước sâu nào.

Lúc đó, UBND tỉnh không mặn mà lắm, chỉ cấp cho chúng tôi giấy giới thiệu và cử một người xuống Dung Quất theo tôi đi kiểm tra hiện trường có đúng như kết quả chúng tôi tính toán không. Vị chuyên viên dẫn chúng tôi đi hồi đó chính là ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ TN-MT hiện giờ.

* Và ông đã làm gì ở Dung Quất?

- Tôi thuê thuyền máy đi khảo sát một vòng xong thì tôi và cộng sự dùng máy đo, tính toán thông số kỹ thuật ban đầu, rồi tôi hét ầm lên. Ông Nhân bảo sao anh la to thế, tôi nói thấy Dung Quất tỏa hào quang. Thế là hứng chí, tôi viết mấy câu thơ "Dung Quất lung linh ánh hào quang - Vạn Tường hiển hách buổi huy hoàng - Rộn ràng bước tới thời hưng thịnh - Nhà máy công trường phố dọc ngang".

Chiều hôm ấy, tôi gặp ông phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng nhiều cán bộ tỉnh, họ nhìn tôi với đôi mắt nghi ngại như thể tôi đưa ra dự án để kiếm tiền. Số tôi sinh ra làm mũi đột, mà tiên phong thì phải chấp nhận.

* Thật gian nan khi làm mũi đột?

- Tôi nói thẳng với ông ấy rằng chẳng phải lo tốn tiền, 15 ngày nữa tôi sẽ gửi tóm tắt dự án miễn phí. Gửi xong thì thấy im re. Hai tuần sau, tôi nhận cuộc điện thoại của ông ấy nói rằng đã đưa bản tóm tắt cho những người có hiểu biết ở Quảng Ngãi đọc, ai cũng bảo ông Hiển viết hay nhưng không có thật.

Tôi hỏi lại tại sao thì ông ấy nói rằng người Pháp ở đây 100 năm không ai nói Quảng Ngãi có cảng biển, có thể xây dựng được khu công nghiệp. Hàng hóa đâu, sản xuất đâu. Người Mỹ ở Chu Lai trước đây cũng không nói Quảng Ngãi có cảng nước sâu. Tỉnh có mời năm nhà khoa học ở Hà Nội vào ở một tháng, đi khắp nơi, cuối cùng chỉ để lại 100 trang báo cáo Quảng Ngãi không được thiên nhiên ưu đãi, nên về trồng khoai, sắn, xin viện trợ trung ương...

Sau đó, tôi đón một đoàn của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào TP.HCM nghe tôi báo cáo dự án. Đoàn Quảng Ngãi vào TP.HCM do ông Trần Anh Kiệt, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, dẫn đầu. Ông Kiệt vào thì bất ngờ gặp một công ty Nhật Bản đang bàn thảo về nghiên cứu của chúng tôi. Họ nói thêm về mong muốn đầu tư vào Dung Quất, đến lúc đó tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu đưa báo cáo tóm tắt dự án trình Bộ GTVT và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Gần tết năm 1993, có một đoàn của Phó thủ tướng Phan Văn Khải từ Lào về ghé Quảng Ngãi. Tôi được mời ra Quảng Ngãi báo cáo với phó thủ tướng.

Tầm nhìn Võ Văn Kiệt

* Vậy là kết thúc cho mọi cố gắng, phải không ông?

- Sau đó, bản tóm tắt dự án đã được đưa đến tay Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng lập tức yêu cầu các bộ ngành trong vòng một tháng phải trả lời ngay làm hay không làm dự án này. Một số bộ ủng hộ, một số bộ nghi ngờ. Thủ tướng Kiệt là người rất có đầu óc và tầm nhìn, cùng với đó là sự quyết đoán. Lúc họp các bộ ngành liên quan, Thủ tướng Kiệt bảo ai đồng ý làm đứng qua một bên, ai không làm đứng qua một bên để thăm dò ý kiến.

Tháng 9-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đoàn vào Quảng Ngãi, tôi trực tiếp báo cáo. Sau đó, ông Kiệt trực tiếp xuống Dung Quất khảo sát thực địa. Trưa về, ông nói với tôi: "Chu cha, đây là của trời cho. Đây là nàng công chúa ngủ yên phải thức giấc".

Ba ngày sau, Chính phủ ra quyết định thành lập vùng trọng điểm kinh tế miền Trung gồm từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi và quyết định mở cảng biển nước sâu và khu kinh tế ở Dung Quất. Sau này, tôi nghe ông Ngô Xuân Lộc - bộ trưởng Bộ Xây dựng thời điểm đó - kể rằng lúc đi Dung Quất về, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi điện lúc 5h sáng, yêu cầu ông Lộc phải vào Quảng Ngãi ngay chuẩn bị triển khai dự án. Không có sự quyết liệt ấy thì sẽ chẳng có Dung Quất.

* Còn cảng Chân Mây, Nhơn Hội thì sao?

- Khi Dung Quất hình thành, tôi tiếp tục báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cảng Chân Mây và khu công nghiệp ở đây. Còn Nhơn Hội thì vào thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Mọi thứ dễ dàng hơn nhiều bởi thực tế ở Dung Quất đã chứng minh những nghiên cứu của chúng tôi.

* Sau khi hoàn thành sứ mệnh đó, cuộc sống của ông thế nào?

- Sau Dung Quất, rồi đến Chân Mây, Nhơn Hội, tôi có thêm 140 công trình nghiên cứu khoa học khác với 22.000 trang giấy trước khi nghỉ hưu.

Cả cuộc đời tôi luôn nghĩ mình làm gì được cho dân, cho nước thì làm. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến giải thưởng. Ba tôi dạy tôi không làm để nổi tiếng. Cũng như những người lính ra chiến trận, xong thì trao lại đất nước thái bình chứ chẳng ai mong được tôn vinh.

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 3.

Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 4.

Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 5.

Một góc cảng nước sâu Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 6.

Tàu vào cảng nước sâu Dung Quất nhập dầu thô - Ảnh: TRẦN MAI

Mở mặt tiền cho miền Trung - Ảnh 7.

Cổng nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI

Giải thưởng là những giọt dầu

* Nghe nói từng có lần nhóm của ông đã làm hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh?

- Năm 2010, lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi điện thoại bảo tôi làm hồ sơ để làm Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi nói thật nếu tôi cần giải thưởng thì với Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội... chúng tôi có đến mấy cái giải thưởng chớ không phải là một. Nên khi nghe, tôi bảo không cần giải thưởng gì. Giải thưởng với tôi là Dung Quất giờ ổn định, những giọt dầu góp phần phát triển đất nước.

Mỗi lần trở lại nhìn thấy Dung Quất bây giờ khác xưa quá nhiều, với tôi vậy là quá hạnh phúc rồi.

trương đình hiển

Sách "Trương Đình Hiển - người mở đường ra biển lớn" (nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng)

Ông Trương Đình Hiển 78 tuổi, quê Hội An (Quảng Nam), hiện sinh sống tại quận 5, TP.HCM.

Năm 1963, tốt nghiệp ngành vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội, được điều động về công tác ở Viện Hải dương Việt Nam.

Năm 1967, sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh chuyên ngành vật lý hải dương.

Năm 1970, bảo vệ tiến sĩ nghiên cứu dòng chảy đại dương và động lực học biển ở Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Sau khi học xong, trở về Việt Nam nghiên cứu các công trình dọc bờ biển miền Bắc, từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Sau năm 1975, làm việc ở Viện Nghiên cứu biển Nha Trang, tiếp đến là Liên doanh dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro).

Năm 1987, rời liên doanh về công tác ở Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam).

Quảng Ngãi đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất

TTO - Quảng Ngãi đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất trong ngày kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành quả tỉnh Quảng Ngãi đạt được và đề nghị tỉnh tiếp tục đoàn kết phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

TRẦN MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp