Bà Vân chăm từng thìa cơm cho con - Ảnh: Vũ Toàn |
Đó là những nhân vật trong bức ảnh Tình mẹ đăng trên Tuổi Trẻ ngày 23-7.
Và những câu chuyện phía sau bức ảnh thấm đẫm tình mẫu tử kia khiến chúng tôi không thể không ghi lại.
Vừa bước vào ngõ của ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, chúng tôi đã thấy một bà cụ gầy guộc, lưng còng gập bê rổ rau lụi cụi đi phía trước. Đó là bà Hồ Thị Vân. Bà Vân mời chúng tôi vô nhà rồi nói: “Đi mót nắm rau vặt về nấu bữa trưa cho con”.
Trên chiếc giường trong ngôi nhà, chàng trai tật nguyền Nguyễn Bá Cường đang nằm ngửa như một đứa trẻ. Tấm chăn mỏng đắp ngang phần bụng và một phần đôi chân bé tẹo, cong cứng. Cường nhanh nhảu nở nụ cười chào khách làm nhô cái cằm đầy những sợi râu gai góc trên gương mặt tuổi 35.
Con làm thơ, mẹ ngồi chép
Con có tội gì đâu mà không ngày đến lớp đã 30 tuổi đầu mẹ vẫn bê cơm đút tuổi thơ con đâu mất trong tận cùng nỗi đau sao chân con không đủ để vững vàng bước mau |
Thơ NGUYỄN BÁ CƯỜNG |
Đã quá quen với nỗi buồn đau, bà Vân không bàng hoàng như chúng tôi đang chứng kiến một cảnh đời gian khó.
Bà bảo: “Cường một đời nằm ngửa, không gối kê đầu vì kê là đau cổ; không lật đi lật lại được bởi hơi nghiêng người là đau buốt. Hồi hai cái chân cong nhưng chưa cứng, con nhờ tôi cầm chân duỗi thẳng ra để nó tập cho chân được thẳng nhưng hễ động vào chân là đau không chịu nổi. Người con tôi như một cái máy báo thời tiết, báo trước cả tivi bởi hễ khí trời thay đổi là con đau”.
Nói đoạn, bà khoe: “Không đi học, nằm một chỗ mà biết làm thơ. Ngày con làm, tối mẹ ngồi chép lại được hai quyển sổ rồi. Ngày 2-9 mới đây con làm bài thơ Làng quê đổi mới trên điện thoại rồi nhắn cho cán bộ ngoài xã. Xã “phát” trên loa mấy ngày liền. Ngày tựu trường con làm bài thơ Mừng các em đến trường được các thầy cô giáo cấp II, cấp III đến xin về đọc cho học sinh nghe”.
Chúng tôi chưa tin vì chuyện làm thơ thật không dễ, nhưng biết đâu lại có hiện tượng như nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ở Thái Bình nên nhờ bà Vân cho xem hai tập thơ của Cường.
Điều khiến tôi ngạc nhiên đầu tiên là chữ viết của bà Vân rất đẹp như chữ học sinh chứ không phải nét chữ nguệch ngoạc của bà cụ 73 tuổi mắt đã mờ, tay đã run. Ngạc nhiên hơn là bài thơ nào của Cường cũng thành thơ, có những khổ thơ thấm sâu tiếng lòng: “Con có tội gì đâu/mà không ngày đến lớp/đã 30 tuổi đầu/mẹ vẫn bê cơm đút/tuổi thơ con đâu mất/trong tận cùng nỗi đau/sao chân con không đủ/để vững vàng bước mau”.
Có bài thơ viết tâm sự với cái bút, quyển vở, mái trường trong mơ. Có bài thơ tặng cô gái Lai Châu vì một lần Cường nhìn thấy cô gái Thái xinh đẹp trên tivi để cạnh giường. Bà Vân kể: “Có hôm bạn Cường đến than “Cường ơi, sao mình yêu cô gái xóm bên thật lòng mà họ không yêu mình”. Đêm ấy Cường làm bài thơ cho bạn mang gửi người yêu. Thế mà sau đó họ yêu nhau thật. Trong xóm có một người chuyên ăn trộm vặt. Biết chuyện, Cường làm bài thơ “tặng” người đó. Thế rồi người đó bỏ nghề ăn trộm, giờ đã vô Nam làm ăn”.
“Mồ hôi mẹ nấu thành cơm”
Đối với bà Vân, việc đứa con tật nguyền làm được thơ cho người khác thích đọc là một niềm phấn khích lấn át nỗi buồn mặc dù niềm vui ấy không làm ra tiền bạc. Bởi có đêm mưa rào và sấm chớp, nằm ngủ bà nghe con thở dài. Bà bảo con đừng buồn, cha mất rồi thì có mẹ nuôi con. Cường thủ thỉ với mẹ: “Con thương mẹ vất vả một đời vì con. Con khổ đã đành nhưng mẹ còn khổ nhiều hơn. Biết khi nào đó con sẽ chăm sóc được mẹ một lần”. Kể lại lời con, bà Vân đưa bàn tay già nua vuốt nước mắt.
Bà Vân là cựu thanh niên xung phong. Những năm chiến tranh (1965-1969), người nữ thanh niên xung phong tên Hồ Thị Vân từng vác gạo, tải đạn trên các cung đường từ dốc Bò Lăn (Thanh Hóa) đến cửa tử Truông Bồn (Nghệ An). Sau năm 1969 bà chuyển về làm công nhân Nhà máy ximăng Bỉm Sơn tại Thanh Hóa. Những năm đó, khi biết con trai đầu bị teo tóp chân tay nhưng bà vẫn cố làm để có đồng lương.
Đến năm 1980 khi Cường được 4 tuổi đã lâm bệnh thì bà xin nghỉ hưu non về chăm con. Về quê làm ruộng với chồng, khi chuẩn bị sinh con thứ ba thì con mất do thai nhi dị tật. Riêng người con thứ tư may mắn bình thường. Nay con đầu được hưởng 180.000 đồng/tháng theo chế độ trợ cấp xã hội. Cường bị nặng hơn nên được hưởng 360.000 đồng/tháng.
Bà tâm sự: “Hạt gạo không thiếu vì còn đi nhổ cỏ thuê kiếm tiền đổi gạo. Nay có con dâu thứ tư ở cùng nên lưng có còng thì nhờ con mỗi ngày bê một chậu nước để tôi tắm cho Cường. Tiếc nỗi con tôi có bảo hiểm y tế nhưng hơn 30 năm nay chưa mất một viên thuốc vì hễ động đến là đau, không cách gì đưa đi viện được”.
Cứ thế, trong căn nhỏ chỉ có hai mẹ con, qua những cơn đau Cường lại làm thơ cho mẹ chép. Trong bài thơ Cuộc đời của mẹ, Cường ví vai mẹ từng gánh những gió sương để vượt qua bao thác ghềnh, nay tóc mẹ bạc màu, một sợi bạc là một ghềnh thác mẹ vượt qua vì con. Bài thơ có hai câu lục bát khó quên: “Mồ hôi mẹ nấu thành cơm/cho con lót dạ sớm hôm ấm lòng”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận