Cô Trần Bé Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM) nêu ý kiến trong hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 18-5, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo tổng kết và lấy ý kiến dự thảo quyết định về mô hình “Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM”, nhằm tổng kết quá trình xây dựng mô hình gần 10 năm thí điểm và đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
"1,5 triệu đồng/tháng là khó để thực hiện các hoạt động giáo dục toàn diện"
Cô Trần Bé Hồng Hạnh cho biết với Trường tiểu học Nguyễn Thái Học hiện có 28 lớp với 800 học sinh, sau 5 năm thực hiện mô hình đã thành công, được nhiều phụ huynh chia sẻ.
"Tôi cơ bản thống nhất tiêu chí cho các cấp, nhưng ở tiêu chuẩn 5, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình 100% không tính học sinh hòa nhập, đề nghị hạ xuống 99,5%. Ngoài số học sinh hòa nhập, còn học sinh rối loạn ngôn ngữ, hành vi... thì phụ huynh thích gửi mô hình này vì sĩ số ít, chăm sóc tốt. Tiếp đến, tiếng Anh tăng cường, tích hợp chuẩn 50% thì chấp nhận được, còn chứng chỉ tin học đạt 50% là khó vì đạt được 3 bài thi khó, nên cần làm rõ tỉ lệ tiếng Anh và tin học", cô Hạnh đặt vấn đề.
Cô Hạnh cũng cho rằng với mức thu 1,5 triệu đồng/tháng đề án tiên tiến thực hiện 5 năm nay, với trường khó thực hiện được: dạy 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh, học với giáo viên nước ngoài...
"Đó là chưa kể dạy môn tin học, tiếng Anh đạt chuẩn, nếu có thi phải có ôn luyện thì in ấn tài liệu phải trả phí; hoặc ngày hội ở trường đều tăng so với 5 năm về trước. Tôi đề xuất nên có chủ trương, có khung thỏa thuận mức đề án tiên tiến của từng trường trên cơ sở phụ huynh tự nguyện", cô Hạnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Vĩnh Thanh, phó Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng đầu ra tin học để đạt chuẩn quốc tế THCS thì học sinh có 3 chứng chỉ là rất khó, nên đề nghị cần gom 1 chứng chỉ; hay là diện tích 56m vuông mà chỉ có 35 em thì phí diện tích, nên thay vào đó là 40 học sinh/lớp.
Ngoài ra, ông Thanh cũng bày tỏ mô hình tiên tiến hội nhập giúp các trường sang tự chủ tài chính, phụ huynh đóng góp sẽ giảm gánh nặng công lập.
"Học phí các trường quốc tế thu hơn 20 triệu đồng/tháng, vì học phí tăng, chia sẻ đất thuê. Còn tiên tiến hội nhập đất của Nhà nước, nếu 1,5 triệu đồng là khó để thực hiện các hoạt động giáo dục toàn diện. Tôi đề nghị xin lộ trình nâng mức thu và chi lương để kích thích giáo viên, giảm bớt gánh nặng ngân sách", ông Thanh ý kiến.
Trong khi đó, ông Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cho rằng điểm mạnh của các trường đang là sĩ số.
"Quan điểm của tôi là giữ nguyên sĩ số, không để vượt quá vì phụ huynh mong được mô hình này là vì sĩ số, nếu tăng lên 40 em sẽ bằng lớp thường. Sĩ số này họ tin tưởng con em được giáo viên quan tâm, sâu sát. Về mức phí, nên tăng lên để có điều kiện tạo cơ sở vật chất và trích một khoản để chi cho con người", ông Khoa nói.
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chúng ta phải đặt câu hỏi "mô hình này hoàn hảo chưa"?
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận sĩ số học sinh là điểm thu hút phụ huynh, nhưng có trường tuyển sinh quá mức, sở sẽ tính toán thêm.
Còn về diện tích, ông Hiếu cũng cho rằng khó lòng theo được mức diện tích theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với trường chất lượng cao là 6-7m vuông/trẻ mầm non; tiểu học là 8-10m vuông/học sinh... để đảm bảo sân chơi, bãi tập.
Về mức thu, ông Hiếu mong thành phố tính toán mức thu chi để các trường có điều kiện, được trích một phần chi cho con người. "Định hướng tự chủ là định hướng xây dựng trường tiên tiến hiện đại, là trường tự chủ tài chính để nâng cao toàn diện giáo dục thành phố. Sở đề nghị tính toán mức chi phí học tập bình quân trên từng học sinh không phân biệt công lập, ngoài công lập" - ông Hiếu nói.
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin rằng từ khi xây dựng mô hình này, sở nhận rất nhiều ý kiến trái chiều.
"Về ý kiến các trường về việc tăng mức thu, chúng tôi sẽ ngồi lại với trường để tìm hiểu nhu cầu, xây dựng mức thu mới theo khung nhất định để đảm bảo hoạt động của các trường, đáp ứng phát triển theo xu hướng hiện nay", ông Nam nói.
Cho rằng mỗi mô hình có cái hay, cái dở, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị sở, các trường xem lại mô hình để điều chỉnh cho tốt hơn.
"Chúng ta tự đặt câu hỏi: Mô hình này đã hoàn hảo chưa? Nhưng tôi tin rằng mô hình này chưa hoàn hảo, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý", ông Đức nhận định.
Mô hình trường tiên tiến chính thức thí điểm năm 2005 ở Trường THPT Lê Quý Đôn. Mức thu của mô hình này gồm 3 khoản: học phí theo quy định; khoản thu thỏa thuận theo mô hình là 1,5 triệu đồng/tháng; các khoản thu thỏa thuận khác.
Hiện TP.HCM có 40 trường gồm các cấp đang thực hiện mô hình trường tiên tiến này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận