Toàn cảnh Khu chế xuất Tân Thuận - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 28-6, tại Hội thảo khoa học chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự cũng đặc biệt quan tâm đến việc đề xuất một mô hình mới thay cho Khu chế xuất Tân Thuận vốn đã bộc lộ nhiều lạc hậu.
Quận 7 đề xuất chuyển thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ
Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của cả nước, nằm ở vị trí cửa ngõ quận 7, giáp bờ sông Sài Gòn, cách trung tâm TP 4km, cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng 1,5km, với quy mô 300ha. Trong đó có 195ha được phân bổ cho xây dựng nhà máy, nhà kho, hiện trạng xây dựng và sử dụng khoảng 80%.
Ông Lê Văn Thành - phó chủ tịch UBND quận 7 - cho biết theo định hướng phát triển của TP.HCM, sẽ chuyển dịch các ngành sản xuất truyền thống, thâm dụng lao động, có khả năng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành để tập trung thu hút và phát triển các ngành nghiên cứu phát triển công nghệ cao, các ngành có tiềm năng, lợi thế, có năng suất lao động và hàm lượng tri thức cao. Do vậy, sắp tới phải nghiên cứu chuyển đổi mô hình khu kinh tế kỹ thuật cao để chỉnh trang phát triển đô thị khu vực này phù hợp với nhu cầu tất yếu của một đô thị số.
"Quận 7 đề xuất TP.HCM sớm có kế hoạch chuyển đổi và di dời khu chế xuất do công năng sử dụng không còn phù hợp và đem lại nguồn thu ngân sách thấp không tương xứng với quy mô diện tích, vị trí địa lý, gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, định hướng điều chỉnh chuyển đổi khu chế xuất thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại kết nối Thủ Thiêm thành một quần thể đem lại lợi ích phát triển kinh tế và tạo điểm nhấn đối xứng với bờ sông Sài Gòn", ông Thành nói.
Theo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, tính đến cuối năm 2021, Khu chế xuất Tân Thuận đã thu hút được 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia và khu vực, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỉ USD. Hiệu quả sử dụng đất trên tổng vốn đầu tư đạt 12,2 triệu USD/ha và tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động.
Tuy nhiên, thời gian qua khu chế xuất cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là những ngành công nghiệp già cỗi, thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu với mức phát thải cao. Ngoài ra, hạ tầng và dịch vụ của khu chưa theo kịp xu hướng chuyển dịch kinh tế, ứng phó với thách thức từ biến đổi khí hậu và khống chế dịch bệnh...
Đề xuất một số mô hình chuyển đổi
Góp ý về mô hình phát triển Khu chế xuất Tân Thuận tương lai, ông Nguyễn Văn Đua - nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - đề xuất nghiên cứu điều chỉnh chức năng Khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao để làm "hậu cần" cho trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM - cho biết Khu chế xuất Tân Thuận với chức năng là sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, vai trò này hiện nay đã có hàng trăm khu công nghiệp khác trên cả nước, do đó vai trò chức năng sản xuất của khu không còn quan trọng như trước nữa.
"Theo hợp đồng kinh doanh, các doanh nghiệp thuê đất đến năm 2041 là hết hạn, có nghĩa là đến năm 2022 các doanh nghiệp chỉ còn 19 năm để hoạt động theo mô hình các khu chế xuất như hiện nay. Như vậy để nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng đất 300ha này, đề xuất phối hợp với nhà đầu tư nước ngoài tính toán hình thức kinh doanh mới", ông Nhựt chia sẻ.
Theo ông Nhựt, nếu có kế hoạch trước, bằng cách chọn một vùng đất có diện tích đủ rộng để xây một khu công nghiệp mới, với khách hàng đã có sẵn. Và khu đất 300ha có thể được sử dụng vào một công năng mới, hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn.
"Chúng ta không cần phải chờ đến năm 2041, mà ngay bây giờ có thể chọn một vùng đất cho các xí nghiệp trong khu chế xuất nếu cần di dời trước. Thời gian quyền sử dụng đất còn lại được quy ra tiền, ra cổ phần để cùng với doanh nghiệp tiến hành kế hoạch xây dựng khu đô thị mới hay trung tâm dịch vụ, thương mại", ông Nhựt gợi ý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - cho rằng việc phát triển một khu sản xuất công nghiệp thâm dụng lao động trong vùng lõi của khu vực đô thị đang phát triển nhanh sẽ tạo ra các hiệu ứng tiêu cực và gia tăng sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông.
Do đó việc nghiên cứu và chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp của Khu chế xuất Tân Thuận là cấp bách để giải bài toán phát triển chung cho quận 7 và các quận, huyện xung quanh. Ông Tuấn đề xuất chuyển đổi khu chế xuất sang mô hình Business Park và kinh tế dịch vụ hỗn hợp, lấy lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp nội dung số làm chủ lực.
Quận 7 đang bị giới hạn về không gian phát triển
Cũng tại hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ - Đại học Quốc gia TP.HCM - đã đề ra những ý kiến nổi bật góp phần định hình không gian phát triển cho đô thị thông minh sinh thái quận 7 - Nhà Bè.
Theo ông Vũ, quận 7 đang bị giới hạn về không gian phát triển do thiếu quỹ đất và các kế hoạch chuyển đổi chức năng các khu đất chưa khai thác hiệu quả, vì vậy việc mở rộng và tái tổ chức không gian phát triển là vô cùng quan trọng.
"Việc hình thành không gian phát triển quận 7 - Nhà Bè sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng Nhà Bè mở rộng, tiền đề cho việc hình thành một đô thị thông minh sinh thái, vệ tinh phía Nam TP.HCM trong tương lai", ông Vũ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận