12/11/2020 05:42 GMT+7

Mô hình chính quyền đô thị: Phù hợp, hiệu quả hơn tại TP.HCM

TIẾN LONG thực hiện
TIẾN LONG thực hiện

TTO - Hôm nay (12-11), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Cụ thể về mô hình này tại TP.HCM ra sao? Người dân được góp ý kiến cho những vấn đề, công trình lớn như thế nào?

Mô hình chính quyền đô thị: Phù hợp, hiệu quả hơn tại TP.HCM - Ảnh 1.

Các tổ trưởng tổ dân phố trong lần lấy danh sách cử tri để lấy ý kiến đóng góp về việc sáp nhập ba phường ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: "Tinh gọn bộ máy chỉ là một trong những nội dung để tổ chức chính quyền đô thị. Quan trọng hơn, mục tiêu của mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là tổ chức một bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn".

Giảm bớt chia cắt không gian phát triển

* Bộ máy hành chính trong tương lai ở TP.HCM hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Mô hình chính quyền đô thị sẽ giảm bớt chia cắt không gian phát triển đô thị, đồng thời tạo thuận lợi hơn trong vấn đề quản lý nhà nước, kể cả vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, trật tự xã hội, giao thông, kinh tế. Nguyên tắc chính quyền đô thị chủ yếu quản lý theo ngành, lĩnh vực, còn chính quyền nông thôn là quản lý theo lãnh thổ. Chính quyền đô thị không thể chia cắt về lãnh thổ gây hạn chế sự phát triển.

Để có dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trình Quốc hội lần này, TP.HCM đã cân nhắc rất kỹ trong nhiều năm. Quốc hội cũng đã thông qua hai nghị quyết cho thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Đà Nẵng. Tôi nghĩ đây là cách chúng ta tổ chức lại mô hình chính quyền cho phù hợp với điều kiện quản lý đô thị hiện nay của TP.HCM.

TP.HCM đã có hơn 6 năm thực hiện thí điểm mô hình này và đã có tổng kết và đạt nhiều kết quả. Theo nghị quyết trình lần này, chính quyền cấp TP sẽ có UBND và HĐND, còn chính quyền cấp quận, phường là đơn vị hành chính tại địa phương, không tổ chức HĐND. Các tổ chức đơn vị hành chính như huyện, xã, TP trực thuộc TP vẫn là chính quyền địa phương.

Người dân có ý kiến về vấn đề, dự án quan trọng

* Với mô hình này liệu sẽ tránh tình trạng có khoảng trống về người đại diện giám sát cũng như tiếng nói cho dân ở cấp quận, phường?

- Đây là một vấn đề quan trọng và khi xem xét đề xuất của TP.HCM, nhiều cơ quan của Chính phủ đã quan tâm, cân nhắc các giải pháp để vừa tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhưng không bỏ sót nhiệm vụ giám sát, đại diện của HĐND quận, phường.

Theo đó, chuyển giao tất cả quyền lực của HĐND cấp quận, phường về cho HĐND TP, chỉ trừ quyết định danh mục đầu tư dự án nhóm B, C để lại cho chủ tịch UBND quận. HĐND TP được quyền giám sát đến cấp quận. 

Chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng Viện KSND cấp quận cũng chịu sự chất vấn của HĐND TP. Bên cạnh đó, có cơ chế tăng cường sự giám sát của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Ngoài ra còn có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện việc giám sát đối với chính quyền cấp quận, phường.

Khi không có cấp chính quyền thì không thể qua hình thức dân chủ đại diện mà tất cả vấn đề phải đẩy mạnh dân chủ trực tiếp, tức là lấy ý kiến người dân. Sắp tới đây, thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ đẩy mạnh dân chủ trực tiếp.

* Mô hình dân chủ trực tiếp, lấy ý kiến người dân được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Với những dự án, vấn đề rất quan trọng, thay vì trước đây cấp chính quyền của địa phương quyết định, giờ sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân. Trên phương án đa số người dân chấp nhận chúng ta thực hiện. Như vậy bản thân người dân vẫn tham gia được tất cả những công việc của hành chính.

* Theo ông, cơ chế giám sát mới liệu có đủ năng lực để giám sát đến tận những công việc, tổ chức của bộ máy hành chính tại phường?

- UBND phường là cơ quan hành chính tại phường. Công chức làm việc tại phường là công chức đại diện các cơ quan của quận. HĐND TP sẽ giám sát kể cả quận và công chức thực hiện nhiệm vụ tại phường. Thành ra chúng ta không ngại chuyện HĐND TP không giám sát được hệ thống chính quyền cấp phường. TP.HCM thời gian qua đã thí điểm và không xảy ra vấn đề gì khó khăn để thực hiện quyền dân chủ ở đây.

Chuyển đổi công chức từ phường sang quận

* Khi quyền lực của HĐND cấp quận, phường sẽ chuyển giao về cho HĐND TP, HĐND TP sẽ có gì thay đổi về số lượng đại biểu, cách thức tổ chức giám sát? Việc bố trí công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường sẽ được tổ chức lại như thế nào?

- Số lượng đại biểu của HĐND TP.HCM sẽ theo nghị quyết phân bổ số lượng đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây nhưng nguyên tắc không tăng. Cơ cấu chuyển đổi quyền lực chúng tôi cũng quy định rất rõ nhiệm vụ của HĐND quận, phường sẽ được phân chia cho HĐND TP và chủ tịch UBND TP. Cơ chế giám sát, Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ mở rộng dân chủ trực tiếp.

Chủ tịch UBND quận do chủ tịch UBND TP bổ nhiệm. Công chức cấp quận gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch và công chức. Công chức của phường bao gồm công chức trong cơ quan hành chính, công chức của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Công chức các cấp là công chức của cơ quan hành chính cấp trên. Những người hoạt động không chuyên trách của phường vẫn thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đây là bước chuyển và chúng ta sẽ thực hiện chuyển đổi công chức của phường thành công chức của quận. Theo đó, công chức phải đủ tiêu chuẩn tương ứng vị trí việc làm, phải có bằng đại học, có kinh nghiệm lâu năm.

* Xin cảm ơn ông.

Sẽ sơ kết để chấn chỉnh hạn chế

Hiện nay Hà Nội và Đà Nẵng chưa thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị do chờ nghị định của Chính phủ. Bộ Nội vụ đã trình nghị định của Hà Nội, sắp tới đây trình nghị định của Đà Nẵng để tổ chức chính quyền đô thị ở hai TP này. Sau khi có nghị định sẽ tiến hành sắp xếp bộ máy.

ong le vinh tan (read-only)

Nếu được thông qua, việc tổng kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ tiến hành sau 5 năm, đồng thời với việc tổng kết mô hình thí điểm tại TP Hà Nội và Đà Nẵng. Sau 3 năm thực hiện chúng ta sẽ sơ kết để thấy ưu điểm, nhược điểm để chấn chỉnh.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Cần triển khai ngay chính quyền đô thị tại TP.HCM Cần triển khai ngay chính quyền đô thị tại TP.HCM

TTO - Quốc hội đã thảo luận tờ trình của Chính phủ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM hôm qua (26-10).

TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp