Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 19 tháng 10-2017 - Ảnh: REUTERS
Ý tưởng được công bố ngày 25-2 ngay lập tức thu hút sự chú ý trong và ngoài Trung Quốc. Căn cứ vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, đề xuất này gần như chắc chắn trở thành hiện thực, chỉ chờ các bước đi mang tính thủ tục.
Trong khi nhiệm kỳ Chủ tịch nước đầu tiên vẫn chưa thực sự chấm dứt, diễn biến mới lại một lần nữa cho thấy ý chí cá nhân và quyền lực mạnh mẽ của ông Tập.
Ẩn số người kế nhiệm
Những bối rối bắt đầu xuất hiện sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Trong danh sách Ban thường vụ Bộ Chính trị không hề có cái tên Trần Mẫn Nhĩ - bí thư Trùng Khánh, người được xem như thân tín của ông Tập.
Điều này ngay lập tức làm dấy lên suy đoán Chủ tịch Tập vẫn chưa chọn ra người kế nhiệm, như truyền thống các ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân trước đó đã làm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thành Trung, trưởng khoa Quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), nhận định có một số nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Tập quyết định ngồi lại sau năm 2023.
Trước hết, có thể thấy đề xuất mang tính kéo dài quyền lực cho ông Tập cho thấy mức độ tập trung quyền lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc và sự thống nhất trong nội bộ đảng xung quanh hạt nhân là ông Tập.
"Những người trong Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể biện minh cho bước đi này dựa trên tầm nhìn phát triển chiến lược, biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2050" - TS Nguyễn Thành Trung nhận xét.
Sau Đại hội 19, tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã được đưa lên ngang hàng với các tư tưởng của Đặng Tiểu Bình hay Mao Trạch Đông trong điều lệ đảng.
Ông Tập có thể đã không chọn được một người kế nhiệm ưng ý, nếu không muốn nói là không tin tưởng. Ông ấy sẽ đích thân đưa Trung Quốc tiến tới mục tiêu xã hội hài hòa như chính ông đã đặt ra. Việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ 3 quá sớm, trước khi nhiệm kỳ đầu tiên chính thức kết thúc và nhiệm kỳ 2 bắt đầu, sẽ cho phép ông Tập có nhiều thời gian tính toán cho các bước đi kế tiếp"
TS Nguyễn Thành Trung
Hình ảnh ông Tập Cận Bình được mô tả là tràn ngập các phương tiện truyền thông và trên đường phố ở Trung Quốc. Hình ảnh chụp ngày 26-2 ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Quyền lực tập trung
Một số nhà bình luận quốc tế cho rằng ông Tập không muốn trở thành "đại lão gia sau bức màn" như cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Điều này có thể đúng, nhưng xét về mức độ tập trung quyền lực, ông Tập đã vượt qua tiền bối.
"Chiến dịch chống tham nhũng đả hổ diệt ruồi trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, một mặt cố gắng làm trong sạch và lấy lại lòng tin của người dân, mặt khác góp phần không nhỏ vào việc triệt hạ luôn các đối thủ chính trị của ông" - TS Nguyễn Thành Trung nhận định.
Chính trường Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến mức độ tập trung quyền lực chưa từng có trong lịch sử trong một vài năm tới.
"Khác với Đặng Tiểu Bình, phải chia sẻ quyền lực và ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi nhóm bát đại nguyên lão, ông Tập sẽ không phải chia sẻ nó với bất kỳ ai khác. Tất cả các đối thủ chính trị của ông ta đều đã biến mất" - ông Trung nói.
Việc thông báo tiến hành truy tố cháu rể của ông Đặng Tiểu Bình, chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm và đầu tư Anbang Ngô Tiểu Huy, trên thực tế không phải nỗ lực vỗ mặt tiền bối như nhiều người vẫn nghĩ. Nó cho thấy ông Tập đang tái cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc, chống lại các mối hiểm nguy đối với đất nước.
Và khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển một cách ổn định, nó có thể trấn an các lo ngại của người dân trước các diễn biến về chính trị.
Quan hệ Trung - Mỹ sắp bước vào giai đoạn sôi động
Khi các vấn đề trong nước đã ổn định, hệ thống chính trị tập trung xung quanh hạt nhân lãnh đạo là Tập Cận Bình, mục tiêu sắp tới của ông Tập - như ông đã tuyên bố - là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới.
"Chúng ta sẽ sớm chứng kiến giai đoạn vô cùng sôi động trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Ông Tập, sau khi tập trung tất cả quyền lực và đưa thân tín vào các vị trí chủ chốt, đủ rảnh tay để làm những điều đó" - TS Nguyễn Thành Trung nhận xét.
Sự trở lại của chính trị gia kỳ cựu
Ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng, đã được bầu trở thành đại biểu quốc hội hồi đầu tháng này. Sự trở lại của chính trị gia 70 tuổi làm dấy lên đồn đoán khả năng ông sẽ trở thành phó chủ tịch nước trong kỳ họp quốc hội vào tháng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận