Đường phố Paris vốn tấp nập đông vui mà do dịch bệnh nên vắng vẻ - Ảnh: Tác giả cung cấp
Ngoài kia mưa to gió lốc, nước mưa táp vào cửa kính từng đợt, cây lá oằn mình chống chọi với mưa giông, gió rít từng hồi u uất, trời chiều mà tối như mực, âm u, ẩm ướt.
Tất cả xô huých vào nhau, khi gió đổi chiều, chuyển hướng, mưa dịu bớt sự tới tấp, cuồng loạn thì lại như vừa đấm vừa xoa cho hàng cây đang còn ngả nghiêng run rẩy.
Sau khung cửa kính dày đang nhòe nhoẹt nước mưa, tiếng mưa, tiếng gió được giảm đi nhiều nhưng vẫn khiến mấy mẹ con tỉnh giấc trưa. Dứt giấc ngủ chập chờn, vỗ về cho trẻ con ngủ tiếp trong triền miên những ký ức, những suy tư, cảm nhận sự bình yên hiện hữu trong hỗn độn cảm xúc.
Con đã nhiều lần mệt mỏi rã rời, nhiều đêm trắng trằn trọc, nhưng cũng đôi lúc tự vỗ về chính bản thân mình vì đã vượt qua 2 năm coronavirus kiên cường và cũng đã có hơn 10 năm xa nhà, từ lúc đi học đại học cho đến lúc lập gia đình, để rồi thấm hơn nỗi vất vả, gian truân của mẹ cha, để rồi thêm chênh vênh khi nghĩ về quê hương, nguồn cội, và tương lai của những mầm non đang say giấc, vô ưu của con.
Tết tháng 1-2020 khi gia đình tôi về thăm quê, gói bánh chưng - Ảnh: Tác giả cung cấp
Tháng 1-2020, sau 6 năm, lần đầu tiên từ khi lập gia đình và sang Pháp con mới về nhà đúng dịp Tết Nguyên đán. Rõ là lấy chồng gần nhà mà hai đứa lại rủ nhau đi xa nhà cả nửa vòng Trái đất để học hành và ở lại.
Con bầu bí lần hai ở tháng thứ 6, Tết về được gần 1 tháng mà ốm mất nửa tháng, cả nhà ai cũng lo lắng vì đài báo đưa tin dịch bệnh liên tục… Con càng vỡ òa cảm xúc hạnh phúc khi được cha mẹ, em gái chăm sóc chu đáo, thấy mình y như cô con gái bé bỏng ngày nào của cha mẹ.
Nhìn con gái cười hạnh phúc bên ông bà, các dì và anh chị em họ hàng mà thấy thương nó vô cùng vì ở xa ông bà, tan trường thì chỉ quẩn quanh bên mẹ là nhiều nhất, đi chơi cùng bạn bè cũng không ít nhưng được vui cười giòn tan suốt ngày và chẳng cần mẹ thí thỏm, nằm cùng mới chịu ngủ như dịp này thì thật hiếm hoi.
Bất giác con cũng chẳng hiểu mình đã và đang cố gắng vì điều gì ở nơi xứ người xa xôi kia. Vì ngẫm lại, những chuyến đi chơi ở nơi ấy, khi nào hai đứa cũng so sánh và nhớ đến quê hương, những địa điểm đã đi qua ở Việt Nam. Ăn cũng nhớ món Việt, bữa cơm hằng ngày cũng nấu kiểu Việt, và bạn bè cũng cứ háo hức gặp bạn Việt, nhớ bạn Việt...
Nhiều lần con đổ lỗi cho sự hòa nhập kém của mình, nhiều lần con đổ lỗi cho sự thiếu lăn xả vào cuộc sống mình, nhưng chắc không phải vì con cũng có khá nhiều trải nghiệm, làm rất nhiều việc, nhiều lúc nghĩ rằng mình cố cho con cái mình, nhưng cứ hôm nào con gái đi học về bị bạn bè trêu đùa là người Chinoise (Trung Quốc) vì mái tóc, màu da và đôi mắt khác biệt thì mẹ nó cũng xót xa không dứt.
Hàng xóm của con cũng rất tử tế, lịch sự nhưng lắm khi con lại thèm kiểu quê suồng sã, không chỉ dừng lại ở xã giao, mà như kiểu lễ Tết, đình đám, hay Trung thu ở quê mình thì cả xóm tập trung cắm trại cho trẻ con, mỗi người một việc, dựng lều trại, cùng nhau nấu cỗ, chè chén xong ngẩng mặt lên trời ngắm trăng, uống chén trà mạn, cầm chiếc quạt nan phe phẩy, rồi nghe đám trẻ con ca hát, rồi thì người lớn cũng hò hát, tám chuyện làng trên xóm dưới.
Những cụ già hàng xóm của con lớn tuổi vẫn ăn mặc rất trẻ trung, dáng đi khỏe khoắn, rất hay ngồi balcon sưởi nắng và đọc sách, cùng những chú mèo hay cún đáng yêu. Nhưng mỗi dịp nghỉ lễ hay cuối năm thì vẫn thấy họ khắc khoải mong ngóng con cháu tới nhà.
Nhìn các cụ nắm tay nhau mỗi khi ra ngoài thật ấm áp nhưng con cũng lại cứ trăn trở và nghĩ đến gia đình mình, khi cụ cố, ông bà được ở gần con cháu, thật ồn ào, nhiều khi sinh chuyện vì 9 người 10 ý nhưng lại ấm cúng và thành ký ức khó quên của tuổi thơ con, đến bây giờ và có lẽ mãi về sau nữa vẫn cứ hoài cổ.
Quê mình quê thật là quê, khi dịch bắt đầu lan tràn thì ở quê vẫn yên bình vì người dân vốn ít di chuyển xa, ai đi xa thì đã đi thoát ly từ lâu, còn di chuyển chủ yếu là người đi học đại học hoặc buôn chuyến ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên.... Thật may mắn khi ở quê cha mẹ bình an, mọi người vẫn đi học đi làm bình thường, chợ quê vẫn còn, hương quê vẫn còn.
Trung tâm Paris vốn tấp nập đông vui mà do dịch bệnh nên vắng vẻ - Ảnh: Tác giả cung cấp
Khi ở đây bùng dịch, nhìn con gái con bí bách, quẩn quanh trong nhà, ở chung cư luôn sợ làm ồn ào hàng xóm tầng trên tầng dưới, dù đã cố gắng bày vẽ ra đủ trò chơi cùng nó nhưng vẫn thấy thèm mảnh vườn đầy hoa trái nhà ông bà, bọn trẻ thèm chơi với chó mèo, trêu đùa cho đàn vịt chạy lạch bạch xuống ao.
Chăm sóc 2 đứa bé mùa dịch, thèm lại được dì đỡ đần chơi cùng cháu, thèm giấc ngủ nướng mà ông bà không nỡ gọi dậy, thèm cảm giác lái xe vi vu trên đường quê thênh thang... Được vi vu trên chiếc xe máy là Nhím mê tít, vì ở đây thường chỉ đi tàu điện dưới lòng đất, hoặc buýt, và đi cút kít cũng không thể sung sướng như ngồi đệm êm của xe máy, nghe tiếng động cơ nổ thật vui tai và oách lắm.
Hôm nào được ngồi phía trước, thì nàng bô lô ba la cả ngày khoe mẹ. Thỉnh thoảng nàng vẫn ngồi buồn thỉu buồn thiu nhắc mẹ cho về ông bà và đi xe máy với dì. Sinh nhật hỏi thích gì cũng chỉ nhắc có thế. Có hôm vào Paris, thấy có chiếc Vespa đậu ở vỉa hè, Nhím mê mẩn, xờ xờ mó mó, chỉ trỏ cho em Chồn cùng xem. Thương thật thương.
Nhẩm tính thì mẹ cha, người cũng đã sắp 60, người sắp 70 tuổi, ấy thế mà giờ con mới giác ngộ về thời gian, về ơn nghĩa sinh thành. Khi nhỏ cũng biết nói yêu thương cha mẹ thành lời, lớn hơn chút mới thấy mình vẫn thật sáo rỗng, vì mẹ cha cần hơn cả lời nói.
Những cuộc điện thoại, những video call vui cười của mẹ cha khi nhìn con nhìn cháu đã hiện rõ nếp nhăn tuổi tác, tóc thay màu thời gian, vậy mà lúc nào câu hỏi muôn thuở cũng vẫn là "có cần gì không con", "có ổn không"... dù có khi ông bà ốm đau cũng không nói.
Ở các diễn đàn người Việt, câu hỏi luôn được nhắc đến thường xuyên đó là "Nên về hay ở", nhận lại cũng đủ mọi chia sẻ, với đủ cung bậc cảm xúc, tâm tư như bao năm qua con cũng luôn tự hỏi.
Quá nhiều lần đi dưới những tán cây xanh mướt, tiếng chim hót yên bình, những địa điểm đẹp nhất nhì thế giới mà lòng con vẫn còn hờ hững, vì vẫn còn nhớ mong dành cho nơi khác, và mong đi cùng những người thân yêu nơi xa ấy.
Lớn rồi mà thèm những điều thật "cỏn con", những mảnh ghép ký ức vụn vặt, mà khi nhỏ, con đã từng thấy tù túng, phiền hà, muốn thoát ra.
An lạc hẳn phải từ trong tâm nhưng dịch bệnh lại nhắc nhở về các giá trị gốc. Trưởng thành bước nhịp chông chênh, nhiều ước mong, lắm mưu cầu, nhưng làm sao dai dẳng bằng những giấc mơ trở về bên mẹ cha, quê nhà...
Mở đường bay, con sẽ về…
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận