29/12/2015 17:35 GMT+7

Mở đèn xe máy chạy ban ngày, sáng kiến gây sốc?

 NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTO - Dư luận trong nước đang ồn lên trước đề xuất nghiên cứu bắt buộc xe máy khi chạy ban ngày cũng phải bật đèn chiếu sáng...

Xe cộ thường xuyên bị kẹt cứng tại vòng xoay Hàng Xanh TP.HCM
Xe cộ thường xuyên bị kẹt cứng tại vòng xoay Hàng Xanh TP.HCM

Giải thích cho “sáng kiến” gây sốc này, người ta dẫn ra kết quả khảo sát thực hiện tại 7 quốc gia như Malaysia, Thái Lan… rồi cả Thụy Sĩ cho thấy biện pháp này đã kéo giảm tai nạn giao thông đáng kể.

Trước đề xuất đó, nhiều người chạy xe máy lo lắng nếu thực hiện sẽ dẫn đến tiêu hao năng lượng nhiên liệu nhiều hơn, xảy ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố cùng với gia tăng phát thải khí nhà kính góp phần làm khí hậu nóng lên …

Ngành chức năng giao thông cần thực tế hơn

Theo khảo sát nhanh của một đài truyền hình, đa số người dân đã phản đối đề xuất, thậm chí có người còn hài hước phê phán đề xuất này chẳng khác nào đem nước tưới cây ngoài đường giữa lúc trời mưa to!

Bình tĩnh xem xét mà nói, việc thực hiện xe máy bật đèn chiếu sáng lưu thông ban ngày cũng có tác dụng và cần thiết ở một số địa bàn, một số thời điểm nhất định trong năm, nhất về mùa đông xuân hay xuất hiện sương mù ở phía Bắc, các tỉnh miền núi cao miền Trung, Tây nguyên…

Còn nếu bắt buộc áp dụng việc đó trong cả nước thì không chỉ là không cần thiết mà còn là đại họa, khi mấy chục triệu chiếc xe máy cùng lúc bật đèn sáng rực những con đường vốn đã chật hẹp, đông đặc người xe nhúc nhích từng chút trong nóng bức, khói bụi và ùn tắc … 

Không ít người ngạc nhiên đặt câu hỏi khi nghiên cứu đề xuất này chả lẽ những người có trách nhiệm không biết ở các nước phát  triển (kể cả những nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan láng giềng chúng ta mà họ đưa ra ví dụ) thì phương tiện lưu thông trên đường chủ yếu là ôtô, còn xe máy chỉ thứ yếu.  

Thật kinh khủng!

Việc bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày giống như là một kiểu đánh dấu, cảnh báo cho hàng triệu tài xế ôtô nhận biết đang có một số xe máy chạy cùng làn, cùng đường với ôtô mà cảnh giác, đề phòng tai nạn.

Trong khi đó ở nước ta ôtô còn ít nhưng xe máy lại quá nhiều nên khác. Việc đồng loạt hàng triệu chiếc xe máy bật đèn chiếu sáng ban ngày sẽ là điều kinh khủng.

Phải chẳng khi tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đề xuất quy định bắt buộc bật đèn ban ngày đối với xe máy, những người đề xuất không nghĩ đến đặc thù Việt Nam hay cũng lại tính như mỗi khi tính tăng thu thuế, phí gì đó hoặc nâng giá xăng dầu, dịch vụ…? Không thể cứ đem những quốc gia có thu nhập GDP bình quân đầu người cao gấp hàng chục lần nước ta ra so sánh khập khiễng nhằm chứng minh mức đề xuất của họ là… phù hợp!

Nên chăng liên quan đến cái đèn xe máy, trước hết ngành giao thông cần đề xuất giải pháp làm sao thực hiện cho được, cho nghiêm quy định đã có và được người dân đồng thuận như: phương tiện phải bật đèn (cà ngày và đêm) khi chạy trong các đường hầm vượt sông Sài Gòn, vượt đèo, hầm chui đường phố đô thị và buộc phải bật đèn xinhan mỗi khi khi chuyển hướng (rẽ trái, rẽ phải, quay đầu) thay vì “nghĩ quẩn” như buộc bật đèn xe máy chạy ban ngày trên đường bình thường.

Tìm giải pháp khắc phục yếu kém trong lĩnh vực giao thông, nhất là giao thông đô thị ở nước ta đang là vấn đề thời sự nóng hổi, cấp bách.

Phải chăng trong các giải pháp đã và sẽ  thực thi, trước hết cần khắc phục ngay những bất cập, trong đó đáng lo là sự xa rời thực tế của chính ngành quản lý và tổ chức giao thông.

Ngày 11-12 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm ATGT cho người đi mô tô, xe máy - khả năng áp dụng tại Việt Nam”.

Theo bản tin trên web của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vấn đề này, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đã quy định bắt buộc môtô, xe máy phải bật đèn chiếu sáng phía trước khi tham gia giao thông ban ngày. 

Theo kết quả từ các quốc gia đã áp dụng, quy định này giúp giảm từ 10-25% số vụ tai nạn giao thông bằng xe máy.

Làn xe máy kẹt cứng gần giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí trong khi làn xe hơi thưa thớt . Ảnh chụp lúc 7g30 ngày 14-10-2015 - Ảnh: Nguyễn Đức Minh.

 

Nên xem lại cách phân luồng giao thông 

Cũng liên quan đến trách nhiệm khảo sát, nghiên cứu đề xuất và tổ chức giao thông, gần đây TP.HCM thực hiện phân luồng tại giao lộ Phổ Quang - Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, việc phân luồng cũng cho thấy sự bất hợp lý và thiếu thực tế của cơ quan chức năng.

Đó là việc lộ trình thay thế đối với ôtô chạy từ hướng Phổ Quang về Gò Vấp, Thủ Đức, thay vì từ  Đào Duy Anh ra Nguyễn Kiệm rồi chạy thẳng đến vòng xoay ngã 7 (Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Phạm Văn đồng - Nguyễn Kiệm ) gần hơn và thuận hơn thì phân luồng lại hướng dẫn phải quẹo trái trở lại Hoàng Minh Giám qua đường Kênh Nhật Bản.

Mặt khác, ngay cái tên đường Kênh Nhật Bản thì kể cả những người dân vốn cư trú nhiều năm trong khu vực cũng chỉ phán đoán (khi  xem sơ đồ phân luồng) là con đường chạy ngang công viên Gia Định chứ chưa nhìn thấy bảng tên đường này bao giờ.  

Cũng là hệ quả của cách khảo sát, nghiên cứu không sát thực tế như thế mà nhiều người khi lưu thông từ các đường Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Cộng Hòa… qua công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hay qua Phổ Quang để sang Gò Vấp, Thủ Đức... đã rất lúng túng khi xem sơ đồ chỉ dẫn đặt bên ngoài sân vận động Quân khu 7.

Lý do đơn giản là sơ đồ chỉ dẫn của ngành giao thông đã vẽ sai hướng, thay vì quẹo phải vào đường Phổ Quang thì lại là đi thẳng.  

Sai sót sơ đẳng nhưng gây phiền phức ở ngay một cửa ngõ quốc tế quan trọng này của TP.HCM sau một tháng vẫn chưa được sửa chữa.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp