Các nhà khoa học trên chuyến hải trình của tàu Viện sĩ Oparin lặn khảo sát thu thập mẫu vật ở đáy biển miền Trung - Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang |
Ngày 22-12, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang phối hợp cùng Viện hàn lâm Khoa học Nga (FEBRAS) tổ chức hội thảo để đánh giá chuyến khảo sát hỗn hợp trên tàu Viện sĩ Oparin.
Đây là chuyến khảo sát kéo dài một tháng (từ 20-11 đến 21-12), từ vùng biển Quảng Trị đến Bình Thuận, đánh dấu sự hợp tác lần thứ 5 giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga.
Sau chuyến khảo sát, các viện nghiên cứu Việt - Nga đã ký bản ghi nhớ tiếp tục hợp tác nghiên cứu về đa dạng sinh học, sinh hóa biển trên vùng biển Việt Nam.
Còn khoảng trống trong nghiên cứu đa dạng sinh học
TS Hồ Văn Thệ - nghiên cứu viên chính tại Viện Hải dương học Nha Trang (trưởng đoàn khoa học Việt Nam trên tàu) - cho biết chuyến khảo sát góp phần đánh giá thực trạng và đặc điểm của các rạn san hô trong vùng lãnh hải Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu nhằm phân tích thành phần loài về mặt phân phối của các cộng đồng sinh vật đáy thân mềm, di truyền quần thể biển sâu, sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm dưới biển...
Qua các nghiên cứu tiếp theo đó (còn kéo dài hàng năm nữa) sẽ đánh giá chất lượng môi trường mặt nước biển tại miền Trung Việt Nam.
Cũng theo TS Thệ, dù có rất nhiều nghiên cứu nhưng vẫn còn những khoảng trống rất lớn trong thông tin về đa dạng sinh học, đặc biệt là ở vùng biển sâu.
“Mục tiêu chính là để khám phá đa dạng sinh học, phân biệt các khoảng trống và chia sẻ những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, cung cấp các gợi ý cho hợp tác nghiên cứu giữa đôi bên” - ông Thệ nói.
Theo ThS Võ Thị Diệu Trang - Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, môi trường biển là môi trường sống lớn nhất trên Trái đất, chiếm hơn 70% diện tích bề mặt Trái đất.
Trong môi trường sống này có các thành phần hóa chất và sự đa dạng sinh học, sinh thái trong đời sống của vi sinh vật, động vật có xương sống, thân mềm... cần được nghiên cứu thêm.
ThS Trang cho biết nghiên cứu của chị tiến hành tại quần đảo Sơn Trà, đảo Cù Lao Chàm, đảo Cồn Cỏ, vịnh Vân Phong cũng thu được rất nhiều mẫu sinh vật biển có giá trị bởi những thợ lặn ở độ sâu từ hơn 20m đến 200m.
ThS Trang cho biết các nghiên cứu về sự đa dạng sinh hóa từ san hô nhiệt đới nhằm xác định, tổng hợp chức năng của động vật ngành ruột khoang. Các mẫu thu thập được phân lập trong phòng thí nghiệm sinh học trên tàu Viện sĩ Oparin.
Nghiên cứu cũng tập trung phân tích về đặc tính sinh thái và khả năng ứng dụng công nghệ sinh học (kháng khuẩn, các hoạt động điều hòa miễn dịch) của các vi sinh vật biển và nấm.
Ngoài ra, các mẫu vật đặc biệt sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học quốc gia - nơi vắng mặt nhiều mẫu ở độ sâu hơn 200m.
Nhà khoa học Anton N. Yurchenko - Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Nga - cho biết trong một tháng qua, nhóm của ông nghiên cứu sự đa dạng sinh học và các chất chuyển hóa thứ cấp hoạt tính sinh học của các vi sinh vật biển từ các vùng lãnh hải Việt Nam.
Mục tiêu là điều tra tiềm năng của hệ vi sinh vật của vùng lãnh hải Việt Nam.
Theo ông Yurchenko, nhóm đã có bộ sưu tập mẫu vi sinh vật tại các vùng biển khác nhau của Việt Nam, chiếu vi khuẩn, chiết xuất để tìm kiếm các chủng đầy hứa hẹn cho việc cách ly các chất chuyển hóa, phục vụ công tác nghiên cứu sâu, ứng dụng sau này.
Sẽ có đánh giá môi trường biển miền Trung
Trong nghiên cứu của mình và các cộng sự, nhà khoa học Selin Nikolai - Viện hàn lâm Khoa học Nga - cho biết nhóm tập trung nghiên cứu, phân tích cấu trúc các rạn san hô tại miền Trung Việt Nam ở độ sâu gần 300m.
Nhóm của Selin cũng nghiên cứu thành phần và đặc điểm cấu trúc hóa chín loài rong nâu tại vùng biển miền Trung, tìm kiếm các hoạt động gây độc tế bào ung thư gan và ung thư vú, nhiễm HIV từ các mẫu tảo.
Trao đổi bên lề hội nghị, ThS Võ Trần Tuấn Linh - nghiên cứu viên Viện Hải dương học Nha Trang - cho biết việc phân tích, đánh giá về sự tích lũy kim loại nặng trong các sinh vật biển ở các vùng biển là “chưa thể có kết quả vì quá trình nghiên cứu vẫn còn kéo dài”.
Từ những nghiên cứu đó mới có những đề xuất, ứng dụng cụ thể, cũng như đánh giá chất lượng, môi trường các vùng biển Việt Nam.
Còn PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cho rằng qua những đánh giá về độc tố, sự tích lũy kim loại nặng trong các sinh vật biển, các nhà khoa học sẽ xác định chất lượng môi trường nước biển miền Trung sau sự cố môi trường biển vừa qua.
Ông Tuấn cho biết hàng trăm mẫu vật thu thập trong vòng một tháng qua chưa thể phân tích xong trong nay mai nên chưa thể đưa ra nhận định về môi trường ở biển Việt Nam ra sao.
Về việc tàu khảo sát có nghiên cứu những tác động đối với vùng biển miền Trung sau sự cố Formosa, ông Tuấn nói “chưa thể đưa ra nhận định”.
“Tuy nhiên, nghiên cứu chất lượng nước, môi trường biển, đa dạng sinh học tại vùng biển bắc miền Trung cũng là một trong những nhiệm vụ của tàu Viện sĩ Oparin” - ông Tuấn nói.
Thu thập hàng trăm mẫu vật để nghiên cứu Theo báo cáo tại hội nghị, trong chuyến khảo sát thứ 49 của tàu Viện sĩ Oparin tại vùng biển Việt Nam, các nhà khoa học đã thu thập 448 mẫu vật không xương sống ở biển, 20 mẫu rong biển để điều tra sinh hóa, 204 mẫu của động vật thân mềm cho các nghiên cứu về kim loại nặng. Các mẫu này được thu thập và kiểm tra về chống ung thư, tán huyết và kháng sinh, cũng như sự hiện diện của một số enzym và các chất ức chế của nó. Theo ban tổ chức, chuyến khảo sát để xác định quá trình chuyển đổi của tự nhiên và nguồn gốc của con người ở vùng ven biển, đó là vấn đề then chốt trong việc quản lý tự nhiên giữa Nga và Việt Nam, qua đó phát triển hệ thống để điều khiển quá trình chuyển đổi của tự nhiên và con người. Tàu Viện sĩ Oparin (thuộc Phân viện Viễn Đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga - FEBRAS) dài 75,5m, trọng tải 2.441 tấn, có 5 phòng thí nghiệm, giàn thiết bị hiện đại phục vụ công tác lặn và thu mẫu ở vùng biển sâu. Tàu này đã thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu tại nhiều vùng biển trên thế giới với rất nhiều chuyên gia của các chuyên ngành về biển. Tàu có đủ không gian sinh hoạt cho 36 nhà khoa học và 30 thành viên thủy thủ đoàn nên còn được gọi là “viện nghiên cứu biển lưu động”… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận