02/05/2018 14:57 GMT+7

Mỏ dầu Bạch Hổ: Sự trở lại của phương Tây

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Từ tháng 4 đến đầu tháng 6-1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều cán bộ lãnh đạo ngành dầu khí đi thăm "con thoi" các nước Tây Âu như Na Uy, Pháp, Đan Mạch... Một số hiệp định, cam kết đã được thực hiện.

Mỏ dầu Bạch Hổ: Sự trở lại của phương Tây - Ảnh 1.

Ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Deminex và Bow Valley - Ảnh tư liệu Vietsovpetro

6 triệu tấn xăng dầu mỗi năm - "nguồn máu" của Mỹ viện trợ cho miền Nam đứt hẳn sau tháng 4-1975. Nguồn viện trợ 2 triệu tấn mỗi năm từ Liên Xô cũng giảm hẳn.

Tình thế ngặt nghèo buộc Việt Nam phải đi vay mượn, mua nợ xăng dầu. Tuy nhiên, giải pháp "con nhà nghèo" này cũng không thể kéo dài mãi...

Nên hợp tác với ai để thăm dò, khai thác dầu khí? Một số ngả về hướng các nước bạn bè như Liên Xô, Đông Âu. Một số thì cho rằng không thể không hợp tác với phương Tây

TS NGÔ THƯỜNG SAN

Mệnh lệnh phải có dầu

Ngày 6-7-1975, Sài Gòn và miền Nam vẫn còn ngổn ngang hậu chiến, các lãnh đạo Hà Nội đã vào tổ chức một cuộc họp đặc biệt giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị yêu cầu phải cố gắng tự chủ xăng dầu, không còn cách nào khác.

Một tháng sau, ngày 6-8-1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết 244 nhấn mạnh: Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu - khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu...

Đến cuối tháng 2-1976, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt trình bày kế hoạch thăm dò và khai thác : Đến năm 1980 sẽ thu được sản lượng dầu 3-5 triệu tấn (nhu cầu sử dụng 5 triệu tấn).

Năm 1985, sản lượng dầu thu được 17-22 triệu tấn, nhu cầu sử dụng 12-15 triệu tấn. Đến năm 1990, sản lượng dầu thu được 47-52 triệu tấn, nhu cầu sử dụng 25-30 triệu tấn.

Như vậy, theo kịch bản nào thì đến năm 1985, ngành khai thác dầu Việt Nam cũng phải có dôi dư để xuất khẩu.

Đặc biệt, năm 1976 các đánh giá trữ lượng dầu khí quốc gia khá lạc quan: "Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi ít nhất 1 tỉ tấn, nhiều nhất có thể tới 4-5 tỉ tấn".

Mục tiêu đề ra thì rất ấn tượng, nhưng làm thế nào để đạt được? Câu hỏi cực kỳ khó. Đến thời điểm này, chương trình khai thác dầu khí của miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn thăm dò tìm kiếm.

Miền Nam thì sau các mũi khoan của Mobil, Pecten tìm thấy dầu trên thềm lục địa đã dừng hẳn và rút lui sau tháng 4-1975. Mọi việc lại gần như ở giai đoạn bắt đầu tìm kiếm. Nhiều cuộc họp cấp cao đã được tổ chức để chọn lựa giải pháp.

TS Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, người trong cuộc của giai đoạn khó khăn này - kể: "Nhiều ý kiến hoàn toàn khác nhau về chuyện nên hợp tác với ai để thăm dò, khai thác dầu khí.

Một số ngả về hướng các nước bạn bè như Liên Xô, Đông Âu. Một số thì cho rằng không thể không hợp tác với , với các công ty quốc tế có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật công nghệ cao".

Cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định đồng thời làm cả hai hướng. Trên thềm lục địa miền Nam chủ yếu hợp tác với các công ty phương Tây như Anh, Pháp, Ý, Canada, Na Uy và Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ thăm dò, khai thác.

Trên đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác với các nước như Liên Xô, Romania... Chủ trương này bắt nguồn từ quan điểm chính trị - kinh tế, an ninh.

Đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, không thể để các công ty phương Tây, thậm chí có liên doanh với Mỹ, "sục sạo" trên đất liền.

Sau nhiều cân nhắc thận trọng, Bộ Chính trị quyết định cho phép tìm công ty quốc tế hợp tác khai thác dầu trên tám lô ở thềm lục địa, gồm số 01, 02, 03, 05, 06, 07, 08, 09 và giữ lại bốn lô 04, 12B, 11, 15 làm dự trữ quốc gia.

Mỏ dầu Bạch Hổ: Sự trở lại của phương Tây - Ảnh 3.

Sơ đồ thăm dò dầu khí của các công ty phương Tây giai đoạn 1976-1980 - Ảnh tư liệu Vietsovpetro

Tàu châu Âu trên biển Việt

Theo ông Ngô Thường San, chỉ trong năm 1976, các cán bộ ngoại giao và ngành dầu khí đã tiếp xúc với 17 chính phủ và công ty dầu khí quốc tế Anh, Pháp, Úc, Ý, Na Uy, Canada, Nhật, Mexico...

Riêng các công ty Mỹ từng thăm dò cho chính quyền VNCH trước 1975 cũng được tham khảo nhưng chưa thể tiếp xúc vì Việt Nam đang bị Mỹ cấm vận.

Đây là điều đáng tiếc, vì nếu các công ty Mỹ như Mobil, Pecten từng thăm dò thành công trên thềm lục địa Việt Nam trở lại sớm thì tốc độ tiến triển của ngành dầu khí trong nước có thể đã nhanh hơn.

Đặc biệt, sau nhiều cân nhắc chọn "bạn", các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng xem xét cẩn thận phương thức hợp tác quốc tế. Các hợp đồng đặc nhượng của chính quyền Sài Gòn được nghiên cứu kỹ nhưng không chọn lựa.

Hai phương thức hợp tác khác được đặt lên bàn thảo luận: hợp đồng phân chia sản phẩm (Production sharing contract), hoặc hợp đồng dịch vụ (Service contract). Mấu chốt khó khăn nhất là phân chia lợi ích tài nguyên thế nào giữa nước chủ sở hữu và công ty đầu tư.

Để tham khảo thêm, Bộ Ngoại giao đã mời giáo sư kinh tế dầu khí gốc người Mỹ Michael Tanzer trình bày về vấn đề này. Lần đầu tiên các cán bộ miền Bắc nghe từ "Petrodollars" (đôla dầu hỏa)...

Từ tháng 4 đến đầu tháng 6-1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều cán bộ lãnh đạo ngành dầu khí đi thăm "con thoi" các nước Tây Âu như Na Uy, Pháp, Đan Mạch... Một số hiệp định, cam kết đã được thực hiện.

Họ dùng tiền vay của Pháp để mua thiết bị thí nghiệm cho Viện Dầu khí Việt Nam. Ngày 9-9-1977, Công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, ra đời để có cơ sở pháp nhân hợp tác với các công ty nước ngoài.

CGG, tức Companie Général de Géophysique, công ty của Pháp được mời khảo sát lại cấu tạo thềm lục địa phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

TS địa vật lý Trương Minh nhớ lại: Tàu khảo sát địa vật lý của Pháp khá nhỏ, phải kéo theo đốc nổi hậu cần, gặp trận bão biển tưởng bị đánh chìm.

Kỹ sư Việt theo tàu, từng học Đức về, chẳng hiểu khả năng đọc pháo hiệu bằng tiếng Đức thế nào mà bắn pháo hiệu màu xanh giữa cơn bão khủng khiếp, sau đó lại bắn tiếp pháo hiệu màu trắng vô sự giữa lúc tàu như sắp chìm.

Chịu không nổi bão tố, tàu quay về Vũng Tàu lại bị biên phòng bắt giam vì có người ngoại quốc thiếu giấy tờ.

Ngoài CGG, Công ty địa vật lý Geco của Na Uy cũng được mời khảo sát lại 21.000km tuyến trên thềm lục địa biển. Đặc biệt, các công ty dầu khí Deminex (Tây Đức), Agip (Ý), Bow Valey (Canada) đã được Việt Nam mời thăm dò, khai thác với hợp đồng chia sản phẩm.

Giai đoạn 1978-1980, họ đã khoan 12 giếng thăm dò trên các lô 06, 07, 08, 28, 29. Các mũi khoan này đã đạt đến độ sâu khoảng hơn 2.000m đến gần 4.000m, chi phí gần 90 triệu USD, nhưng không tìm thấy dầu.

Rút khỏi Việt Nam

Giữa năm 1980, các công ty phương Tây rút dần khỏi Việt Nam. Ngoài lý do bất đồng trong hợp tác với Việt Nam, còn có lý do quan trọng hơn là do sự cấm vận của Mỹ.

Đặc biệt, các hồ sơ giải mật sau này cũng cho thấy họ chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc, và họ buộc phải chọn lựa: Trung Quốc hay Việt Nam?

_____________

Kỳ tới: Bắt tay với Liên Xô

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp