Các quan chức và kỹ sư dầu hỏa Sài Gòn bay ra thăm giếng khoan Bạch Hổ-1X - Ảnh tư liệu của NVV
Ngay sau khi trúng thầu, các trùm dầu hỏa thế giới Pecten, Mobil, Esso, Sunningdale, Marathon lập tức bắt tay khảo sát địa vật lý. Họ cho tàu khảo sát tổng cộng 46.960km tuyến trong các lô đã trúng thầu trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam.
Khi Sài Gòn đẩy mạnh nỗ lực khai thác dầu hỏa, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa vào đầu tháng 1-1974. Lo ngại hải quân Trung Quốc tiếp tục tiến xuống Trường Sa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử các tàu chiến mạnh nhất của mình về phòng thủ Trường Sa.
Và ngay sau lớp chiến hạm phòng vệ này là các công ty dầu hỏa quốc tế đang tìm kiếm dầu khí.
Những mũi khoan đầu tiên
Nửa cuối năm 1974, Pecten tiến hành khoan 4 giếng Hồng-1X, Dừa-1X, Dừa-2X, Mía-1X bằng giàn khoan Ocean Prospecter nửa chìm (semi - submersible). Do dông bão trên Biển Đông, giữa tháng 8-1974, ống khoan mới bắt đầu được hạ xuống biển.
Báo chí Sài Gòn bám sát sự kiện này, viết nhầm giếng Hồng-1X, lô 08, thành Hồng 9 do suy diễn từ chữ số La Mã, trong khi chính xác thì 1 là số thứ tự giếng thứ nhất, còn X viết tắt từ Exploration có nghĩa thăm dò.
Cái tên Hồng 9 báo chí đặt vừa đẹp vừa may mắn, nhưng ở độ sâu 1.609m, mũi khoan của Pecten chỉ thu được ít dầu tàn dư, không đạt trữ lượng khai thác thương mại. Pecten sau đó cho biết đây là giếng khô, không có dầu công nghiệp, giàn khoan sẽ chuyển sang vị trí khác.
Riêng giếng Dừa-1X sang ngày 2-9-1974 mới được Pecten bắt đầu khoan với kế hoạch độ sâu cuối cùng khoảng 4.500m. Công việc ban đầu khá thuận lợi. Sau 3 ngày, tức ngày 5-9, mũi khoan xuống độ sâu 1.200m, ngày 19-9 xuống 3.000m. Đến ngày 10-10, mũi khoan xuống sâu tới 4.000m, chỉ còn cách đích 500m. Pecten thử vỉa thu được kết quả 2.200 thùng dầu thô/ngày và 480.000m3 khí.
Trong khi Pecten tạm trám giếng này lại, chờ tính toán khai thác, báo chí Sài Gòn giật tin nóng: Giếng Dừa 9 (thật ra là Dừa-1X) tìm thấy mỏ dầu có trữ lượng 1 tỉ thùng đủ để khai thác hơn 30 năm. Ngày 6-11-1974, giàn khoan của Pecten đến giếng Mía-1X ở lô 06. Mũi khoan đã đạt độ sâu 3.600m và tìm thấy dấu vết dầu, nhưng Pecten đã trám lại mà không thử vỉa...
Mũi khoan thứ 4 và cũng là mũi khoan cuối cùng của Pecten được thực hiện tại giếng Dừa-2X, vị trí chỉ cách giếng Dừa-1X gần 2 km - nơi đã tìm thấy 2.200 thùng dầu một ngày. Kế hoạch chi tiết của Pecten gửi về Ủy ban Quốc gia dầu hỏa VNCH khá lạc quan: sẽ khoan đến độ sâu 4.300m để thẩm lượng, chuẩn bị khai thác dầu thương mại.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4-1975, mũi khoan vẫn chưa hoàn thành thì Pecten phải nhổ neo di dời giàn khoan trước tình hình chiến sự ngày càng áp sát Sài Gòn. Chính phủ VNCH sụp đổ cũng có nghĩa là hợp đồng ký kết với Pecten không còn hiệu lực nữa.
Trong khi đó, ngày 20-1-1975, mũi khoan của Mobil xuống đến độ sâu 2.000m của giếng Bạch Hổ-1X trong lô 04, bể Mekong. Ngày 11-2-1975, Mobil thử vỉa ở độ sâu 3.000m, thu được 430 thùng dầu một ngày và 5.600m3 khí đồng hành. Bảy ngày sau, họ lại thử vỉa lần thứ hai và tiếp tục thu được 2.400 thùng dầu và 25.000m3 khí đồng hành.
Kết quả này được liên doanh Mobil - Kaiyo đánh giá rất triển vọng. Họ chuẩn bị các tiến trình để đi đến giai đoạn khai thác dầu khí thương mại, như khoan thêm mũi thử nghiệm kích thước mỏ, trữ lượng. Mobil dự kiến chỉ cần ba năm, tức khoảng năm 1977, họ sẽ khai thác được dầu thương mại tại mỏ này.
Đuốc dầu tìm thấy trên mỏ Bạch Hổ-1X tháng 2-1975 - Ảnh tư liệu NVV
Niềm vui dở dang
Tin vui được gửi nhanh về Sài Gòn. Việt Tấn Xã tường thuật: "Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, ngày 24-2-1975, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sài Gòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-1X khoan cách Sài Gòn chừng 200 cây số về hướng đông nam trên thềm lục địa Việt Nam...
Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có thủ tướng chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông tổng cuộc trưởng Dầu hỏa và khoáng sản Trần Văn Khởi và ông tổng giám đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke".
Sau kết quả thăm dò tốt đẹp ở giếng Bạch Hổ-1X, Mobil cho dời tàu khoan Glomar IV đến khoan giếng Đại Hùng-1X ở lô số 03. Kế hoạch của Mobil thông báo với Sài Gòn là sẽ khoan đến độ sâu gần 4.000m, thời gian khoan dự kiến tối đa 2,5 tháng. Tuy nhiên, cũng như mũi khoan ở giếng Dừa-2X phải dừng giữa chừng vì hồi kết chiến cuộc, mũi khoan ở Đại Hùng-1X này chỉ xuống được độ sâu 1.819m thì dở dang.
Mobil phải đình chỉ tất cả công việc trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam giữa tình hình nóng bỏng một tuần trước ngày 30-4-1975. Glomar nhổ neo, thu ống khoan, di chuyển về cảng Singapore. Các công ty khác như Esso, Sunningdale chưa kịp khoan giếng nào và đỡ chịu thiệt hại hơn Mobil và Pecten quá nhanh chân đi trước.
Bước ngoặt lịch sử đã làm sụp đổ chính phủ VNCH ở miền Nam Việt Nam, kết thúc "giấc mơ dầu hỏa sẽ thay đồng tiền viện trợ Mỹ, để bảo vệ và phát triển miền Nam". Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn ngủi, ngành dầu hỏa Sài Gòn cũng làm được rất nhiều việc. Đặc biệt là chỉ nửa năm trước ngày 30-4-1975, sáu giếng khoan đã được thực hiện để thăm dò dầu hỏa trên thềm lục địa miền Nam.
Trong đó, giếng Bạch Hổ-1X đã tìm thấy dòng dầu thương mại và được chuẩn bị kế hoạch khai thác quy mô công nghiệp vào năm 1977. Giếng Dừa-1X cũng phát hiện dòng dầu có khả năng thương mại. Giếng Hồng-1X thì có dấu vết dầu.
"Nỗ lực rất lớn"
Theo TS Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Chính phủ VNCH trước năm 1975 đã có nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên dầu khí. Họ thực hiện đúng những tiến trình bài bản từ việc ban hành đạo luật dầu hỏa để có nền tảng pháp lý, thành lập Ủy ban Quốc gia dầu hỏa điều hành công việc, và mời gọi các công ty quốc tế có năng lực mạnh tiến hành thăm dò, khai thác.
Chỉ với 6 mũi khoan đầu tiên mà đã tìm thấy hai giếng dầu có khả năng thương mại, một giếng có dấu vết là sự thành công rất lớn. Tỉ lệ thành công này cao hơn cả tỉ lệ trung bình của ngành dầu khí thế giới.
____________
Kỳ tới: Cuộc tiếp quản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận