1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP
Đó là một trong những nội dung trong thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và Công ty TNHH Tiki trong việc xây dựng chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP" vừa được ký kết vào chiều 14-8.
Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là hoạt động nhằm cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành giai đoạn 2023 - 2025; phát huy vai trò của TP.HCM trong kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng, thúc đẩy hình thành chuỗi.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao, nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn.
Các sàn thương mại điện tử cũng chưa phát huy được hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.
"Các bên sẽ cùng hợp tác chia sẻ thông tin về danh mục các sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của TP và các tỉnh, thành trong chương trình liên kết vùng. Chương trình cũng sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm OCOP, nhu cầu, thị hiếu", ông Phương nhấn mạnh.
Theo các doanh nghiệp, việc hỗ trợ nhau sẽ góp phần xây dựng khung chương trình, với các giá trị, mục tiêu trọng tâm, và các giải pháp, công cụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến được với người tiêu dùng cả nước.
Sẽ tập trung tiếp thị cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao
Ông Nguyễn Quách Nhi - giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Công ty TNHH Tiki - cho biết chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP" sẽ tập trung xây dựng các chương trình quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao.
"Việc quảng bá sẽ thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm. Qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói riêng và trên thị trường nói chung".
Trong khuôn khổ lễ ký kết, các bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng Chương trình thương hiệu nông sản Cần Giờ. Theo đó, trước mắt sẽ lựa chọn sản phẩm yến sào Cần Giờ để thực hiện cải tiến sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh quảng bá đến được với người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.
Ông Trương Tiến Triển - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết huyện đang hướng dẫn 4 chủ thể lập hồ sơ tham gia phân hạng OCOP đối với 20 sản phẩm gồm: 12 sản phẩm chế biến từ tổ yến, 6 sản phẩm khô thủy sản các loại và 2 sản phẩm du lịch. Vì vậy, qua ký kết, huyện mong muốn giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng đến tận tay người dân.
Ông Phạm Hữu Hoài Phú - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - cho rằng nếu sản phẩm đặc sản, nông nghiệp không được chứng nhận về chất lượng, xây dựng mạnh thương hiệu thì không thể đi xa, xuất khẩu được.
Do đó, TP đang và sẽ tìm nhiều giải pháp để tăng lượng và chất cho sản phẩm OCOP. Từ nay đến cuối năm, TP sẽ có thêm hơn 100 sản phẩm được chứng nhận OCOP, nâng tổng sản phẩm được chứng nhận lên 170.
Thị trường tiêu thụ còn khó khăn
Tại buổi lễ, đại diện Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết tỉnh có 357 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 75% được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện doanh số bán hàng còn ở mức khá thấp. Nguyên nhân do các chủ OCOP thường là doanh nghiệp siêu nhỏ, nông hộ nên việc tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, truyền thông... còn khá kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận