19/11/2016 10:35 GMT+7

Mở cửa cho điện “sạch”

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Việt Nam đã đưa nhiều chính sách khuyến khích điện “sạch” như điện gió, mặt trời, sinh khối... Dù vậy, nhà đầu tư vẫn phải bước qua cửa hẹp là “cửa giá” để được bán điện. Chưa mở cửa này, chúng ta khó mà tiếp cận được với năng lượng tái tạo.

Trong năm năm tới, Việt Nam cần khoảng 40 tỉ USD để đầu tư nguồn, lưới điện theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thủy điện lớn về cơ bản hết khả năng mở thêm nhà máy, nhiệt điện than đang gây lo ngại về môi trường, chưa kể việc nhập khẩu than về lâu dài cũng là bài toán khó. Trong khi đó đã có nhà đầu tư điện “sạch” phải bỏ cuộc, “án binh bất động” chờ tháo gỡ các quy định, đặc biệt về giá.

Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương) khẳng định đã có quy định về hợp đồng mua bán điện mẫu và EVN phải mua các nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư nhờ vậy không còn phải thương thảo với EVN về giá. Thậm chí người dân cũng được khuyến khích sản xuất điện mặt trời tại nhà để bán ngược lại cho EVN.

Nhưng quy định này dù có giúp nhà đầu tư - người bán điện “sạch” - cũng chưa đủ để họ mạnh dạn bỏ vốn phát triển nguồn điện “sạch”. Giá mua điện gió ở khoảng 7,8 cent/kWh (khoảng 1.600 đồng/kWh) được nhà đầu tư cho là thấp.

Tương tự, các nhà đầu tư điện sinh khối cũng kêu giá đang mua không đủ thúc đẩy họ dùng bã mía để phát điện, họ cũng khó lòng ứng dụng những công nghệ mới nhất để có thể làm ra nhiều điện hơn từ bã mía. Còn điện mặt trời chưa có giá rõ ràng nên nhà đầu tư vẫn phải... đợi.

Trong kinh doanh, bao giờ cũng thế, bên bán luôn bán giá cao, bên mua lại muốn ngược lại. Hơn nữa, điện lại là mặt hàng thiết yếu, đặc biệt giá bán điện luôn là vấn đề nhạy cảm. Do vậy, việc tìm được một mức giá hợp lý mà các bên chấp nhận được là rất quan trọng.

Trong khi mỗi dự án điện lại có đặc điểm rất khác nhau từ vốn, công nghệ dẫn đến có những mức giá khác nhau. Chưa kể không loại trừ nhà đầu tư “kê kích” chi phí đầu tư để đưa giá bán lên cao...

Thế nhưng không vì thế mà né tránh việc sớm có các mức giá mua điện “sạch” hợp lý. EVN phải mua điện “sạch” cần được thông qua bởi một hội đồng, bao gồm nhiều chuyên gia và cả đại diện người tiêu dùng, để đảm bảo công bằng cho các dự án, tránh xin cho.

Minh bạch, ai cũng được lợi. Nếu giá mua điện chỉ có lợi cho người sản xuất điện, giá bán cao sẽ thu hẹp thị trường tiêu thụ. Còn giá điện có lợi cho bên dùng điện thì ngành công nghiệp điện “sạch” không có tương lai.

Để giải quyết vấn đề này, thậm chí một số chuyên gia đã đề xuất tới đây có thể lập sàn giao dịch điện “sạch” để nhà sản xuất chào bán giá và được mua theo mức giá từ thấp lên cao, như thị trường phát điện cạnh tranh đang thực hiện.

Buộc EVN mua điện “sạch” chưa phải là tất cả để mở ra tương lai cho công nghiệp điện “sạch”. Còn rất nhiều việc phải làm mới có thể khai thác được tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu điện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp