Tôi rất tâm đắc câu nói đó, nhưng có điều không mấy đồng tình: đó là khi người ta mồ côi, thì dù năm bao nhiêu tuổi vẫn bất hạnh vô cùng. Mất mát ấy không gì so sánh được, nhất là khi người đã khuất có sức ảnh hưởng lớn đối với đứa con.
Mồ côi, dù ở độ tuổi nào, cũng đều là một trải nghiệm đau đớn.
Nhiều đêm bần thần nhớ, bần thần nghĩ... tôi vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng vì cảm giác cô đơn, lạc lõng với bao niềm hối tiếc khi nhớ đến cha mình. Tôi mồ côi cha khi không hề trẻ, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bơ vơ trơ trọi như đứa trẻ lạc đứng bên đường, vuột mất một bàn tay yêu thương, mất phương hướng và đáng thương vô cùng.
Trái tim con người chỉ nhỏ bằng cái nắm tay, thế mà đáng thương thay phải chịu bao thử thách. Dẫu biết rằng cái chết là một phần tất yếu của sự sống, người ta vẫn phải đi tiếp, nhưng không sao tránh khỏi những chênh chao.
1. Anh bạn tôi đầu đã hai màu tóc, tâm sự rằng anh vẫn cảm thấy mình không khác gì đứa trẻ côi cút khi mất đi cha mẹ. Lúc bàn tay cha lạnh đi trong tay anh, anh cúi đầu bật khóc. Mẹ anh đứng bên cạnh cất giọng đanh thép: "Không được khóc! Con là đàn ông, là anh cả, hơn nữa còn phải lo chu toàn hậu sự". Anh không khóc được nữa, kể từ đó. Nước mắt đàn ông không thể chảy thành dòng, nhưng thấm ngược vào trong. Anh tâm sự, nhiều khi cảm thấy lòng mình nặng trĩu với suy nghĩ đã mồ côi cha và nhận ra mình vẫn cần cha như hồi còn thơ bé.
2. Ông là thủ lĩnh của một "con tàu" lớn với hơn hai nghìn đầu người. Ông đã vượt qua bao sóng gió đời người và đối mặt với nhiều mất mát lớn. Ông chia sẻ với tôi: "Trở thành một kẻ mồ côi là trải nghiệm khó nhằn nhất. Chú đã có lúc muốn buông xuôi vì cảm giác vô vị, không còn động lực khi cha mẹ chú lần lượt qua đời".
Ông kể, vì một câu nói của cha trong cái ngày hay tin ông trượt đại học, cha không những không trách phiền mà còn động viên, tin tưởng bằng một cái vỗ vai và câu nói "ba tin ở con" mà năm sau ông đậu thủ khoa, có được thành tựu như hôm nay. Ông nói, ngày còn trẻ thì nỗ lực học hành để cha mẹ vui lòng. Khi gầy dựng sự nghiệp, bôn ba biển lớn phần nhiều do mong muốn mang vinh dự ấy dâng lên cha mẹ.
3. Tôi thấm thía cảm giác và tâm trạng ấy; vì chính tôi cũng từng học, từng phấn đấu vì có một "ngọn hải đăng" dẫn lối. Dù không được thành công như chú khi nắm giữ được sự giàu có và thành công vượt bậc, nhưng chí ít tôi cũng làm được vài điều be bé cho riêng mình. Thế nên, tôi hiểu khi những "ngọn hải đăng" ấy tắt đi, những chiếc thuyền con sẽ mất phương hướng ra sao.
Ông nhìn xa xăm: "Như một diễn viên, phải có khán giả mới có động lực biểu diễn. Với chú, khán giả lớn nhất chính là cha". Và chú khóc...
Cho đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh cái cảnh đứa em họ của tôi vòng đôi tay nhỏ xíu ôm lấy mộ mẹ, khóc nức nở và gọi "mẹ ơi"... Giờ nó đã là người trưởng thành, nhưng trong trái tim đầy tổn thương và tâm hồn không lành lặn ấy, nỗi đau của kẻ mồ côi vẫn còn đó, chưa bao giờ nguôi ngoai.
Tôi nhớ hình ảnh ba tôi những ngày sau đám tang ông nội, với ánh nhìn vô định và khói thuốc bay quanh. Cũng như sau khi đưa bà nội tôi về đất, ba cũng ngồi lặng lẽ nhiều đêm. Tôi nhớ hoài câu nói đầy cảm thông và xót xa của mẹ tôi: "Từ giờ ba con là kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi".
Và cảm giác của tôi khi ôm trên tay lọ tro cốt của ba, rồi khi thả những tro cốt ấy xuống dòng sông cái mênh mông nước... Hình như, một nửa hồn đã gửi vào dòng sông, từ thời khắc ấy.
Bất giác nhớ đến dòng tin tức người mẹ trẻ chết do đột quỵ, đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi ngơ ngác ôm xác mẹ, lần giở áo mẹ tìm sữa... thật ám ảnh và khủng khiếp. Chỉ biết an ủi mình và những-người-trưởng-thành-mồ-côi rằng, ít ra mình không phải trải qua một "tuổi thơ dữ dội". Và nhắc ta bước tiếp, vì người đã thác vẫn còn sống trong ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận