Nguyễn Ngọc Lâm bón từng muỗng thức ăn cho mẹ là bà Nguyễn Thị Nhàn - Ảnh: M.Phượng |
Nhận bao thư, Lâm cứ vân vê, chẳng dám cất ngay vào túi. Gần 20 triệu đồng - số tiền ấy không nhiều nhưng đối với Lâm lớn lắm. Lâm hiểu và cảm động với tấm lòng sẻ chia của bạn đọc dành cho mẹ và em trai trước hoàn cảnh nguy kịch, ngặt nghèo. (Lâm là nhân vật trong bài viết “Ngược xuôi chăm mẹ” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 20-4).
Có tiền nhưng chẳng thể chữa trị cho mẹ nữa rồi. Gương mặt Lâm buồn bã. Lâm đã không thể mang nụ cười của mẹ về bên mình. Lâm cho biết mẹ mình - bà Nguyễn Thị Nhàn - đã qua đời khi bài viết vừa lên báo. Bà ra đi bất ngờ vì bị phỏng toàn thân, để lại hai con trai dưới khoảng trời bơ vơ. Phút chốc, anh em Lâm mồ côi mẹ...
“Tội thằng Minh (em trai Lâm). Nó mới 12 tuổi. Nó bị phỏng cùng với mẹ, nằm khác bệnh viện nên không gặp mẹ. Rồi mẹ mất, Minh đang điều trị nên không về được. Mọi người giấu không cho biết” - Lâm kể. Mẹ mất, căn phòng trọ nơi ba mẹ con sống trước đây trả lại cho chủ. Anh em Lâm về lại nhà của ngoại, sống với mợ. Ngày Lâm vẫn đi làm, tối trở về căn gác nhỏ. Lâm luôn cảm giác bóng hình mẹ cứ quanh quẩn đâu đây, không cách nào nguôi ngoai được.
Sợ em trai buồn, sợ không có ai chăm em, Lâm không làm ca đêm, dành thời gian tối về ở cạnh em trai. Hai anh em tự dắt díu, san sẻ cùng nhau. Thương đứa con còm nhom, tưởng rằng phụ con được ít đồng bạc, nhưng chưa kịp làm gì thì mẹ Lâm ra đi. Chồng bà Nhàn cũng mới mất chưa được hai năm. Nhắc về mẹ, Lâm nói: “Đến giờ em vẫn không tin là sự thật. Đi làm về khuya, mệt nhưng toàn 4-5g sáng em mới thiếp đi được. Chắc do em cứ nghĩ về mẹ. Nhớ mẹ...”.
Với số tiền nhận được, Lâm cho biết sẽ dùng để tái khám và lo cho em trai. Khi ba mất, vừa học xong tiểu học, em trai Lâm nghỉ học đi làm vì nhà nghèo quá. “Em sẽ mướn gia sư về kèm cho em trai để nó nắm vững kiến thức. Năm học tới, nó sẽ quay lại học lớp 6 - Lâm dự định - Giờ chỉ còn mình nó, em sẽ ráng lo cho nó ăn học đầy đủ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận