Phùng Thị Hồng Ngọc, cô sinh viên mồ côi, đang học năm thứ nhất Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) vừa đi học, vừa đi làm, vừa tham gia những buổi hội thảo truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác.
Mất cha mẹ, còn bị kỳ thị
Nhà Ngọc ở thôn Vòng Phệ, xã Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ba tuổi Ngọc mất cha, bảy tuổi mất mẹ, hai chị em gái dựa vào ông bà lớn lên. Ông bà nội đã ngót nghét bảy mươi tuổi, không đi cày thuê được vì những trận ốm hành hạ. Em gái Ngọc đã thôi học để đi làm kiếm sống.
Ngày bố mất, Ngọc mới lên ba. Bốn năm sau, mẹ Ngọc mất sau gần nửa năm chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội vì những cơn ho như móc phổi. Ngày ấy, Ngọc học lớp hai, cô bé dần hiểu bố mẹ mất vì bệnh xã hội.
"Người ta cứ nhìn mình ngờ ngợ, mình cũng bị bạn bè trêu" - Ngọc kể.
Đôi mắt đã đục mờ của bà Nguyễn Thị Thăng - bà nội Ngọc nhòe đi lúc kể về hai cô cháu mồ côi. "Tôi coi như chăm con lần thứ hai - bà Thăng nghẹn ngào. Hai đứa mỗi đứa một bên nách. Nửa đêm đang ngủ, chúng nó gọi mẹ. Cháu khóc, bà cũng khóc".
Hai ông bà nghèo làm thuê nuôi cháu. Sáng sớm, bà Thăng dậy sớm nấu ăn cho cả nhà rồi xốc nách đứa cháu đặt lên ba ga chiếc xe đạp cọc cạch đưa đến trường.
Đến cổng trường, hai đứa cháu mồ côi mắt trân trân nhìn bạn ăn quà. Mùi xúc xính nướng, tiếng bạn cùng lứa nhai rồn rột gói bim bim khiến hai đứa bé chảy nước miếng. "Nó không dám đòi bà mua, mà cũng chẳng có tiền mà mua. Tôi chỉ mua cho cháu cái kẹo mút 1.000 đồng cho chúng nó đỡ thèm để đi học thôi" - bà Thăng kể.
Không muốn "lặng yên dưới vực sâu"
Sau này lớn Ngọc mới biết ngày bé nhiều người lớn dặn con mình không chơi với Ngọc. Chỉ có thầy cô luôn chia sẻ, yêu thương. Ngọc được tặng xe đạp để hai chị em đi học. Ngọc vẫn giữ xe cẩn thận.
Cô học trò mồ côi giúp bà bằng cách cố gắng học để săn học bổng. "Từ ngày tôi bé, thầy cô luôn dặn tôi là phải học. Phải học tiếp để sau này tự lo cho tương lai của mình" - Ngọc chia sẻ về động lực khiến cô luôn nỗ lực vượt lên.
"Tôi không muốn giống nhân vật Súa trong phim "Lặng yên dưới vực sâu" - Ngọc tâm sự. Tôi không chấp nhận an phận, không chấp nhận cái vòng luẩn quẩn nghèo, bỏ học, đi làm thuê, rồi lại nghèo".
Nhà Ngọc ở cuối làng, ở đồng bằng, gần đê chứ không ở trong thung lũng bốn bề núi đá dựng đứng như trong phim. Nhà Ngọc cấp bốn, xập xệ, không tối om và có cái ô cửa vuông nhỏ xíu như trong phim. Thế nhưng ở nhà Ngọc, cả 11 người, cả bò, cả lợn sống luẩn quẩn trong bốn bức tường quây trong 240m2 cuối làng. Từ ngày bố mẹ Ngọc mất, hai bác của Ngọc đang tha phương cầu thực ở miền Nam trở về sống cùng trong khoảnh đất ấy.
Ông bà nội và hai chị em Ngọc ở ngôi nhà chính. Nhà cấp bốn xây bằng gạch vồ từ xa xưa. Bức tường đã xám xịt, lở tróc vì nước ve đã bay hết tự bao giờ. Hai bác với bốn anh chị em xây nới căn nhà ngang (căn bếp) ra để ở. Quây như vòng thúng từ nhà, bếp đến công trình phụ, nơi nhốt lợn, nhốt bò, nơi để củi…
Cả gia đình có ba miếng đất ruộng. Miếng lớn nhất được hai sào, trồng lúa và tra ngô. Hai miếng khác hơn một sào chỉ cấy vụ mùa, còn lại bỏ cho cỏ mọc. Miếng còn lại được dăm thước trồng cỏ đủ cho con bò duy nhất của cả nhà không phải nửa năm quài miệng nhai rơm.
Ngày còn khỏe, ông nội Ngọc nuôi gia đình bằng nghề cày thuê. Hai năm nay ông yếu, chiếc máy cày gỉ bám từng mảng bóc ra như vỏ thông khô. Hai bác của Ngọc kiếm sống bằng nghề phụ hồ.
Em gái Ngọc cũng chẳng chịu nổi cảnh nghèo, bỏ học đi làm thuê rồi cứ hy vọng mong manh sau này có tấm chồng yên ấm.
Ngọc gần như là hy vọng học hành và cũng là niềm an ủi duy nhất của ông bà.
"Nhà tôi, và cả hàng xóm nữa, đi làm thuê từ lúc đi học, đi làm rồi lại chẳng muốn đi học nữa. Người bỏ học đi làm nhiều, rồi lại lấy chồng sớm… Tôi không muốn như vậy. Học vẫn là con đường duy nhất, bền vững cho tương lai của tôi" - Ngọc tâm sự.
Tự tìm đường trong bế tắc, quyết tâm cống hiến cho cộng đồng
Hôm cô cháu nhận giấy báo đỗ đại học, bà Nguyễn Thị Thăng - bà nội Ngọc - ôm cháu khóc nức nở. Bà mừng không tả xiết vì đứa cháu từng bị người làng dặn trẻ con không nên chơi cùng lại là người hiếm hoi trong làng học lên đại học.
Nhưng tiền đâu cho cháu học tiếp bốn năm nữa đây? Của để dành của ông bà lão là hai chiếc máy cày gỉ hoen gỉ hoét và con bò đực đã nuôi 4 năm.
Ông nội Ngọc kể, gia đình ông được vay 50 triệu đồng để mua một cặp bò theo chương trình ưu đãi dành cho hộ nghèo từ năm 2021. Con bò cái đã bán được gần 30 triệu để mua máy cày đi cày thuê. Con bò đực ông nuôi để phối giống thuê. Trước dịch COVID-19, giá trâu bò còn cao, người ta nuôi nhiều. Cỏ trên triền đê sông Hồng không kịp mọc vì bò gặm.
Từ ngày có dịch, giá trâu bò rớt thảm, chẳng mấy ai nuôi, cũng chẳng mấy ai nhờ phối giống bò nữa. Con bò đực 4 năm tuổi gia đình "nuôi báo cô". Nếu cứ cộng cả số tiền bán bò, trừ số vốn 50 triệu rồi chia cho số ngày nuôi trong ba năm qua, tiền công chăm bẵm hai con bò không đủ 18.000 đồng mỗi ngày.
Hai ông bà già không lương hưu, không trợ cấp, không còn sức cày ruộng thuê nghĩ đến bốn năm nuôi cháu học đại học mà mướt mồ hôi.
Ngọc tự tìm hướng đi cho mình, cô nhờ thầy cô, bạn bè tìm được một tổ thức từ thiện giúp đỡ trẻ em mồ côi. Ngọc về Hà Nội ở ngôi nhà tình thương cùng gần chục bạn cùng cảnh ngộ. Cô tân sinh viên sáng đi học, chiều đi làm thêm.
Thời gian còn lại Ngọc tham gia cùng các anh chị khác dạy kỹ năng sống, chia sẻ năng lượng tích cực cùng các bạn sinh viên khác. Cô tân sinh viên còi cọc gần như không còn giờ trống. Cô chọn ngành quan hệ công chúng của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ngọc muốn sau này vừa tự nuôi sống được mình, vừa giúp được những hoàn cảnh khó khăn như cô vươn lên trong cuộc sống.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận