Ngoài vùng nuôi trực tiếp đầu tư, Minh Phú còn hợp đồng bao tiêu và mua nguyên liệu từ các đối tác khác trong nước mới đủ tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), đây mới chỉ là thông tin sơ bộ ban đầu và đối tượng áp dụng là Công ty MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Mỹ. Hiện VASEP cũng như Minh Phú đang làm việc với luật sư để thực hiện các công việc tiếp theo trong quá trình điều tra của CBP.
Trong thông cáo báo chí mới phát đi, Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú) cho biết đã bị Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) áp dụng các biện pháp điều tra và ký quỹ tạm thời ở mức 10% bất hợp lý từ các cáo buộc thiếu căn cứ.
Cụ thể, vừa qua Minh Phú nhận được thông tin qua báo chí về việc CBP đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Hoa Kỳ (điều tra EAPA). Đồng thời, CBP cũng áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức "Ủy ban thực thi thương mại tôm Hoa Kỳ" (AHSTEC). Hiện Minh Phú chưa nhận được văn bản chính thức nào từ CBP về vấn đề này.
Minh Phú là công ty duy nhất của Việt Nam thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá với tôm khi xuất khẩu vào Mỹ kể từ năm 2016.
Minh Phú cho biết hết sức bất ngờ vì trong quyết định đăng tải trên các phương tiện truyền thông, CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi tổ chức AHSTEC - đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn.
AHSTEC nộp đơn tố cáo Mseafood vào tháng 9-2019. Vì quy trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ Internet, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood.
"Chúng tôi lấy làm tiếc về việc CBP đã quyết định áp dụng biện pháp chế tài tại quyết định nói trên với Minh Phú - dù chỉ là biện pháp sơ bộ và tạm thời - trước khi Minh Phú có cơ hội tham gia, cung cấp thông tin và trình bày về các vấn đề mà AHSTEC đã cáo buộc. Luật sư của Minh Phú tại Hoa Kỳ đã đăng ký với CBP để Minh Phú chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng", thông cáo báo chí nói.
Hồi đầu năm nay, Minh Phú cũng bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm nguyên liệu của Ấn Độ vào Mỹ. Sự việc bắt nguồn từ lá thư gửi tới ủy viên Kevin McAleenan thuộc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) của đại biểu của bang Illinois là ông Darin LaHood, cho biết đã nhận được một đơn kiện và yêu cầu CBP điều tra xem liệu nhà nhập khẩu của Mỹ và các công ty có liên quan ở VN có đang né tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ hay không.
Đối tượng được ông LaHood nhắc đến là Tập đoàn Minh Phú và công ty nhập khẩu tại Mỹ của tập đoàn là Mseafood Corporation. Lá thư trên cáo buộc Tập đoàn Minh Phú đã lách thuế CBPG tôm đông lạnh từ Ấn Độ gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ.
Sau đó, Minh Phú đã có những thông tin phản bác những cáo buộc nói trên. Và từ quý 2-2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn Độ.
Trại giống tôm Minh Phú
Hiện Minh Phú đã chỉ định luật sư tại Hoa Kỳ và Việt Nam làm thủ tục đăng ký với CBP để tham gia tích cực và cung cấp số liệu cho CBP để giúp cơ quan này hiểu chính xác hơn, có thông tin đa chiều và đã được kiểm chứng trước khi CBP đưa ra quyết định cuối cùng.
Trên cơ sở đó, chúng tôi tin tưởng rằng, trước khi ra quyết định cuối cùng, CBP sẽ cho phép Minh Phú và Mseafood cơ hội được cung cấp thông tin, giải trình số liệu và tự bảo vệ để giúp CBP hiểu chính xác và đầy đủ hơn về Minh Phú và có quyết định phù hợp với các thông tin đầy đủ, được kiểm chứng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Hoa Kỳ cũng như tinh thần của pháp luật Hoa Kỳ là mọi quy trình phải luôn đảm bảo minh bạch và công bằng (due process of law) cho các đối tượng liên quan.
Từ năm 2016, căn cứ phán quyết của WTO, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG, không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp CBPG với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú. Điều này đồng nghĩa với việc Minh Phú là công ty duy nhất của VN không chịu mức thuế CBPG giá khi xuất khẩu tôm vào Mỹ.
Năm 2019, doanh số xuất khẩu của Minh Phú đạt 643 triệu USD, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được đưa ra là do thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của công ty này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận