Minh Nhí làm giám khảo chương trình Cười xuyên Việt: Tiếu lâm hội - Ảnh: Khang Media |
Năm 1983, cậu học trò Trương Hùng Minh từ tỉnh lẻ miền Tây lên Sài Gòn học với khao khát cháy bỏng là trở thành một diễn viên, mặc cho những ngăn cản từ phía gia đình.
Rồi gần 10 năm sau, người ta thấy một Minh Nhí “tả xung hữu đột” khắp cái “mặt trận” hài và là cái tên “hái ra tiền” cho bầu sô ngày đó.
Tuổi đôi mươi, tiền tài có, danh tiếng không thiếu, lại được vây quanh bởi những lời bợ đỡ, Minh Nhí ngày ấy có lúc ảo tưởng mình là “ông vua”.
Kiếm được nhiều, giữ chẳng bao nhiêu
Tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh năm 1988, Minh Nhí chỉ mất hai năm để gây dựng tên tuổi của mình.
Giai đoạn 1990-2000 là 10 năm rực rỡ trong sự nghiệp của anh. Không chỉ đi diễn, Minh Nhí còn vinh dự là người thầy của nhiều học trò tại trường Sân khấu điện ảnh.
Đương nhiên, tiền bạc và hào quang danh vọng cũng không đến với anh dễ dàng như thế, sau khi tốt nghiệp anh cũng phải lăn lộn “trày da tróc vẩy” rất nhiều mới đạt được đến đỉnh cao.
Ngày ấy chỉ có một đài truyền hình duy nhất, còn lại là sân khấu. Nhưng sân khấu lúc này là “đất” của riêng những danh hài lớn, những nghệ sĩ gạo cội chiếm lĩnh. Cho nên cũng không phải đơn giản để một nghệ sĩ mới như Minh Nhí tìm được vị trí trong làng nghệ thuật.
Hỏi “ngày xưa Minh Nhí “oanh liệt” quá phải không”, anh cười nhẹ trả lời: “Oanh liệt” thì cũng không phải nhưng nói chung nghệ sĩ nào cũng có thời của mình. Muốn có chân đứng thì cũng phải nỗ lực rất nhiều.
Minh Nhí trên sân khấu - Ảnh tư liệu |
“Thời của Minh Nhí”, mỗi ngày anh kiếm được mấy cây vàng - số tài sản mà người bình thường có khi mất vài tháng, cả năm mới tích cóp được.
“Hồi đó quay một chập hài nhép miệng được 2 triệu đồng là nửa lượng vàng, có ngày tôi quay 5-6 chập. Hài nhép miệng thời đó cũng nơ rộ như gameshow bây giờ, nhà nhà làm, người người làm nên tôi đắt sô lắm.
Rồi seri Minh Nhí lí lắc làm với Hãng đĩa Việt Nam cũng được 9-10 cuốn. "Ngoài diễn hài, tôi còn tham gia đóng vai phụ, vai hài trong nhiều vở cải lương. Rồi những nghệ sĩ anh em quay video mời tôi tham gia.
Thế là tiền cứ chảy vào túi. Mỗi ngày mình đều làm được bao nhiêu đó tiền, ngày nào cũng thế, nên mình chưa biết tiếc, chưa biết nghĩ là tương lai có thể sẽ không còn được như vậy. Nói chung ngày xưa mình thấy kiếm tiền dễ nên tiêu tiền cũng chẳng nghĩ nhiều”, Minh Nhí nhớ lại.
Anh kể mình cũng mua được nhà, lo lắng cho kinh tế gia đình nhưng “nếu biết quý trọng đồng tiền như bây giờ thì chắc tôi giàu lắm. Bạn bè đứa mua nhà, mua đất, đứa đầu tư, còn mình thì hoang phí, người ta để dành 9-10 phần, mình để dành 1 thôi”.
Thành công đến từ khi tuổi đời còn rất trẻ, cộng thêm tính háo thắng, ham chơi, có phần hồ đồ và ít lo nghĩ về tương lai, Minh Nhí đổ không biết bao nhiêu tiền vào vũ trường cùng những kẻ xu nịnh quanh mình.
Ông vua vũ trường và bài học cay đắng
Minh Nhí và NSƯT Thanh Thủy - Ảnh: TT Khang |
Những vũ trường lớn của Sài Gòn thời đó đều quen mặt nghệ sĩ Minh Nhí. Chân phải bước xuống sân khấu là chân trái anh sắp... tới vũ trường.
“Hồi xưa tôi đi chơi dữ dội lắm. Một đêm đi 2,3 cái vũ trường. Đi tới sáng về nhà ngủ mấy tiếng đồng hồ rồi lại chạy đi quay, đi diễn. Hồi ấy cũng chẳng biết sức ở đâu mà khỏe vậy. Có hôm vũ trường đông nghẹt nhưng người ta vẫn chừa bàn cho mình”, anh kể.
Người ta để bàn cho anh, chỉ một phần vì quý, phần khác là vì tính tình kiểu “ông vua” của anh, kiểu: "Tôi vô mà thấy cái bàn mình thích có người ngồi là tôi đi về liền".
Nhẵn mặt ở các vũ trường nhưng Minh Nhí lại không uống rượu, chỉ thỉnh thoảng nhấp bia cho vui, còn lại anh ngồi nhâm nhi nước ngọt và… trà nóng.
“Tôi không uống nhưng tôi thích trả tiền. Hễ có ai trong bàn nói hết rượu là tôi chi liền”, anh kể.
Lý giải điều này, anh cho rằng ngày xưa mình thích có nhiều người bên cạnh, “ới” lên một tiếng là biết bao nhiêu bạn bè kéo tới chơi chung. Rồi những lời ngọt ngào, ca ngợi như rót vào tai càng làm người diễn viên trẻ tự mãn về mình.
Những cuộc "chơi tới bến" hoang phí khiến Minh Nhí chong chênh giữa những giá trị thực ảo và để lại cho anh không ít bài học đắt giá.
“Sau này tôi mới nghiệm ra, nhiều người vây quanh tôi hồi ấy thực chất là sợ chứ không phải thương hay nể mình. Khi tôi vấp ngã, chẳng còn mấy ai bên cạnh.
Lúc đầu tôi cũng trách giận nhưng nghĩ lại thấy mình sống với người ta cũng hời hợt lắm. Mình có như thế nào thì người ta mới phản, mới đối đãi với mình bạc bẽo như vậy”, anh nói.
Về sau này, Minh Nhí không uống một giọt rượu nào!
-----
Đón xem Kỳ 2: Những ngày sa cơ lỡ vận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận