Sinh viên được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Chương trình học không hợp lý
Đọc bài viết đăng trên TTO, mình thấy mình cũng rơi vào hoàn cảnh này nên quyết định chia sẻ một vài điều mà mình đang mắc phải.
Tôi hiện là sinh viên năm 3, ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành "Tiếng Anh thương mại quốc tế", của một trường đại học ngoài công lập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đề cập đến đây chắc các bạn nghĩ mình là một người nói tiếng Anh "như gió" và có một hiểu biết về "Thương mại quốc tế".
Tuy nhiên, thực chất mình và cả những bạn cùng khóa với mình ở đây đang thật sự rơi vào khủng hoảng.
Chúng mình được gắn nhãn là "sinh viên chuyên Anh", nhưng hầu như 2/3 sinh viên trong lớp mình trình độ tiếng Anh rất tệ.
Thật sự đem so sánh thì có thể còn thua một học sinh cấp 2 ở TP.HCM.
Mà nguyên nhân chính là do chương trình học.
Cụ thể:
Khi mình đăng kí vào học chuyên ngành này, thì mình được biết là sẽ được học theo quy chế tín chỉ. Và đây là năm đầu tiên trường mình áp dụng quy chế này.
Tụi mình được học một thời khóa biểu thay đổi mỗi tuần, khiến cho lịch học của mình bị xáo trộn liên tục, kế hoạch học hầu như đứt đoạn. Mình không thể sắp xếp lịch học ở nhà được.
Không những thế, chương trình đào tạo lại rất lạ. Cùng một môn học đó nhưng theo mình được biết là các khóa trước được học 60 tiết (45 phút/tiết), tương đương với 3 đơn vị học trình (mà khóa của mình gọi là tín chỉ), nhưng mình chỉ còn được học 45 tiết (50 phút/tiết, nhưng thời gian học thực tế không đổi) mà lượng kiến thức vẫn không thay đổi.
Tìm hiểu thì minh được biết là thời gian 15 tiết mất đi là để sinh viên tự học ở nhà.
Đó là một khó khăn rất lớn cho sinh viên như mình, vì ngoài thời gian học trên lớp do trường sắp, thông thường là từ 1 đến 3 ca học được phân chia như sau:
Từ 7g-9g30 (ca 1), 9g45-11g30 (ca 2), 13g-15g30 (ca 3) và 15g45- 17g30 (ca 4) thì đa số sinh viên ở đây đều ở ngoại trú nên hầu hết đều phải tự lo cho sinh hoạt hằng ngày, ăn uống, tắm giặt, v..v..
Thì gần như thời gian tự học còn rất ít vậy mà lượng kiến thức phải tiếp thu là rất nhiều, chính điều này dẫn tới việc hầu hết các bạn trong lớp và kể cả mình có kết quả học rất thấp, dẫn tới mất căn bản nghiêm trọng.
Vẫn chưa hết, khi bắt đầu học năm thứ 2, tình trạng còn trở nên khủng khiếp hơn khi trong một học kì mình phải học từ 9 (ở học kì 1) đến 12 (ở học kì 2) môn (chưa kể các môn học lại) thì thời gian học tại nhà của mình gần như bằng 0, bởi vì từ thứ 2 đến thứ 7 mình phải học từ 2 đến 3 ca, có ngày lên đến 4 ca. Chỉ còn duy nhất ngày chủ nhật là trống.
Vì vậy, việc học của mình và các bạn trong lớp đều cực kì thấp và kém hiệu quả.
* Học nặng lý thuyết mà thiếu thực hành
+ Mình là sinh viên năm ba của trường ĐHGTVT, chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Nói thật ra là mình cũng chỉ áp chính sách học để thi, cầu mong cho có được tấm bằng đúng hạn. Bao nhiêu đam mê ngành xây dựng bây giờ lên đại học như dập tắt.
Học chỉ nặng về lí thuyết thì làm sao mà ra làm việc được. Chưa kể đến một số môn học mình chẳng biết học có phục vụ công việc sau này không mà cứ đưa vào chương trình dạy.
* Thầy cô chạy theo bằng cấp, đồng tiền
+ Nhiều quý thầy cô chạy đua theo đồng tiền dưới mác giáo viên thỉnh giảng, giảng viên hợp đồng để hợp lý hóa vị trí đứng lớp và giảng như một cái máy, con vẹt đúng nghĩa. Họ rất khôn khéo khi chạy đua theo thành tích, từ thạc sĩ, tiến sĩ, rồi phó giáo sư, giáo sư.
Để làm gì? Họ lấy cái mác ấy để len lỏi vào bộ máy giáo dục, để vào biên chế và rồi ngồi chơi xơi nước vì trong biên chế tạo cho họ nhiều lợi ích, quyền lực "mềm" hơn nữa.
Họ chạy theo bằng cấp để lấy "ghế" trong khi thiếu hụt kinh nghiệm thực tế ở mảng tham gia giảng dạy, một số còn chưa va chạm thực tế mà chạy ̣đua theo học vị lấy đâu thời gian mà đi tìm kinh nghiệm thực tế ở môi trường doanh nghiệp.
Có chăng cái họ có chỉ là năng lực sư phạm để đọc sách rồi đứng thuyết trình.
Thực chất họ đã bị hỏng kiến thức thực tế. Họ học rất cao, rất xa nhưng họ chưa từng, chưa bao giờ đem chúng áp dụng ở môi trường doanh nghiệp, công ty.
Hiện tại, tương lai, họ vẫn sống khỏe vì thực tế là thế, họ biết điều này nhưng làm thế nào được?
Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ Online cũng nhận được những ý kiến phản biện cho rằng, chính các bạn sinh viên đang "giết" chính mình bằng suy nghĩ, bằng thái độ học tập. Tuổi Trẻ Online sẽ đăng tải những ý kiến đó vào ngày mai 22-11, và mong tiếp tục đón nhận những ý kiến tham gia về câu chuyện liệu cách dạy và học hiện nay trong trường Đại học có thực sự giúp sinh viên trang bị được kiến thức để sau này dễ tìm việc làm? Ý kiến xin gửi về [email protected] hoặc phần Phản hồi bạn đọc dưới ngay bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận