Người dân mặc áo phao đi giữa nước ngập tại thị xã Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Hàng ngàn nhà dân ở Quảng Trị ngập sâu
Ngày 8-10, hàng ngàn nhà dân ở khu vực phía ven sông Ô Lâu và sông Thạch Hãn (Quảng Trị) ngập sâu. Người sân phải di chuyển bằng thuyền, bè và phao.
Ở phía bắc sông Ô Lâu, các xã Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Phong bị ngập rất sâu, có nơi ngập từ 0,4-1,2m. Có nhà nước ngập hơn nửa chiều cao nhà.
Ông Lê Văn Huân - chủ tịch UBND xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) - cho biết UBND xã đã di dời những hộ dân sống dọc sông Ô Lâu có nguy cơ ngập sâu lên vùng an toàn. Người dân cũng được khuyến cáo sơ tán tài sản, chuyển lương thực, gia súc lên vị trí cao trước vài ngày.
Ghi nhận tại thị xã Quảng Trị, nhiều ngôi nhà nước dâng ngập gần chạm mái nhà. Tại phường 2, nhiều nhà dân ngập sâu hơn 1,5m. Giao thông khu vực thị xã Quảng Trị bị chia cắt, nhiều xóm nội thành đường Trần Hưng Đạo ngập hơn 1m.
Bà Lê Thị Lành (phường 2, thị xã Quảng Trị) cho biết nước dâng cao, hầu hết người dân đều an toàn, tuy nhiên lũ đợt này lên nhanh khiến heo, gà chết rất nhiều, nhiều tài sản cũng hư hỏng do chuyển không kịp.
Quảng Nam: nước rút nhưng không chủ quan
Nước lũ ngập nhiều nhà dân ở xã Đại Cường - Ảnh: LÊ TRUNG
Đến chiều 8-10, mực nước sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu rút xuống, nước lũ ở nhiều thôn, khu dân cư cũng đã hạ thấp.
Dù vậy, người dân vùng lũ vẫn không dám chủ quan. Bà Phạm Thị Thọ (65 tuổi, thôn Mỹ Hảo) cho biết từ đêm qua nước lũ đã tràn vào nhà, bà và mẹ già đã phải chất đồ đạc giá trị lên ghe để ở, hiện nước đã rút nhưng bà vẫn để nguyên như vậy phòng nước lũ lại dâng
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Huyện ủy Đại Lộc đã đến thăm và trao nhu yếu phẩm cho nhiều nhà dân bị ngập lụt. Ông Nguyễn Công Thanh - bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện - cho biết dọc sông Vu Gia có 2.000 nhà bị ngập lũ, địa phương đã chỉ đạo di dời người dân vùng thấp lũ đến nơi cao.
"Giờ nước lũ rút nhưng dự báo tình hình còn mưa lớn, nước sông có thể dâng lên nên bà con không được chủ quan mà cần chủ động các biện pháp để đối phó" - ông Thanh nói.
Hà Tĩnh vẫn mưa lớn, hơn 23.000 học sinh nghỉ học ngày 9-10
Nhiều tuyến đường ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bị nước lũ chia cắt do mưa lớn nhiều giờ qua - Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Chiều 8-10, ông Trần Đình Hùng - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết hiện tại mưa lớn vẫn đang tiếp diễn nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, phòng đã quyết định cho học sinh từ mầm non đến bậc THCS nghỉ học từ ngày 9-10.
Theo đó, toàn huyện Hương Khê có 55 trường với hơn 23.000 học sinh sẽ nghỉ học. Việc dạy và học của các trường sẽ được tiếp tục sau khi nước rút.
Trong ngày 8-10, toàn huyện Hương Khê đã có hàng ngàn học sinh phải nghỉ học, trong đó bậc THCS vắng gần 200 em, tiểu học gần 400 em, còn lại là bậc mầm non.
Mưa lớn kéo dài cùng với việc hồ thủy điện Hố Hô xả lũ đã gây ngập cục bộ, chia cắt tại một số xã ở huyện Hương Khê như: Hương Thủy, Hương Đô, Hà Linh, Hòa Hải, Hương Giang, Phương Điền và Phương Mỹ. Hiện chính quyền địa phương đã cử các lực lượng lập các chốt chặn ở các đập tràn nguy hiểm cảnh báo người dân không qua lại.
Kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Hương Khê vào sáng 8-10, ông Vũ Xuân Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - nhấn mạnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương nằm trong vùng có mưa lớn đợt này.
Tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp nên địa phương không được chủ quan mà cần xác định các tình huống có thể xảy ra để lên sẵn các phương án ứng phó, di dời dân, nhất là vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Công an huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở đường bị nước lũ chia cắt - Ảnh: HÀ LINH
Nước trên các sông ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đang lên - Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Người dân về nhà giữa mênh mông nước lũ - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Người dân xã Hải Sơn (Hải Lăng, Quảng Trị) ven sông Ô Lâu di chuyển bằng thuyền do nước lũ dâng - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Những ngôi nhà nước ngập sâu gần 2m tại phường 2, thị xã Quảng Trị chiều 8-10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Một tuyến đường bị ngập lũ ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Nước lũ ngập cổng một nhà dân ở huyện Đại Lộc - Ảnh: LÊ TRUNG
Mực nước sông Vu Gia dâng cao trên mức báo động 3, gây ngập nặng - Ảnh: LÊ TRUNG
Nhà dân bị ngập lụt nhìn từ trên cao - Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân xã Đại Phong, huyện Đại Lộc làm giàn để đưa các vật dụng, đồ đạc có giá trị lên nơi cao tránh lũ - Ảnh: LÊ TRUNG
Bà Thọ đem đồ đạc lên ghe để ở khi nước lũ về trong đêm 7-10, hiện nước đã rút nhưng bà vẫn để nguyên như vậy phòng nước lũ lại dâng - Ảnh: LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận