Mưa lũ chia cắt trở lại nhiều ngôi làng ở Quảng Nam - Ảnh: P.L.
Vì thế sẽ có hai đợt mưa lớn, đợt 1 kéo dài đến ngày 11-10, trọng tâm là ngày và đêm 7-10, tập trung ở Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Với đợt 2, lượng mưa sẽ tùy thuộc vào cường độ và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới/bão. Tổng kết hai đợt, lượng mưa từ 500 - 1.000mm, có nơi cao hơn.
Tuổi Trẻ ghi nhận tình hình mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung trong ngày hôm qua 7-10.
Quảng Bình: học sinh miền núi nghỉ học
Tại Quảng Bình, mưa lớn liên tục, nước sông, suối dâng cao gây chia cắt ở một số nơi nên huyện miền núi Minh Hóa đã cho học sinh các cấp học được nghỉ học từ chiều 7-10. Riêng học sinh 2 trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS ở Trọng Hóa và Dân Hóa được lệnh ở lại tránh trú ngay tại trường để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn cũng khiến tuyến đường về xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa đoạn qua ngầm Bến Sú ngập sâu. Nước lũ trên sông Rào Nan lên nhanh gây ngập sâu ở các ngầm tràn. Các tuyến đường vào bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa), bản Vùng Lòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa)... bị chia cắt nhiều đoạn. Riêng bản Mò O Ồ Ồ, nơi sinh sống của đồng bào người Rục bị cô lập do nước lũ tràn về gây ngập đường huyết mạch đi vào bản.
Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã tạm ngừng đón khách tại một số tuyến, điểm du lịch như tuyến tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn; tuyến khám phá chiều sâu bí ẩn động Phong Nha 4.500m, tuyến du lịch sông Chày - hang Tối, điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc.
Quảng Trị: lật đò, 2 người mất tích
Chiều 7-10, ông Lê Quang Lam - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị - cho biết Quảng Trị đã có mưa lớn trên diện rộng liên tục hơn một ngày qua khiến nhiều nơi bị ngập nặng và chia cắt cục bộ. Đặc biệt, ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có lượng mưa rất lớn, có nơi lên đến 340mm.
Tại 2 huyện này, các đập và cầu tràn như Ba Tầng, A Dơi, Hướng Hiệp, xã Ba Lòng, xã A Vao, xã Ba Nang... bị ngập, nước chảy xiết và chia cắt cục bộ nhiều khu vực dân cư. Lực lượng biên phòng, dân quân đã tổ chức chốt chặn ở các điểm ngập để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Hướng Hóa, 2 người đàn ông mất tích do đò lật khi đi qua suối trong lúc mưa lớn đến chiều muộn vẫn chưa tìm thấy. Hiện huyện Đakrông sẵn sàng di chuyển 300 người dân và tài sản ở xã Ba Lòng đến nơi an toàn.
Huế: thủy điện xả lũ điều tiết
Chiều 7-10, ông Đặng Văn Hòa, phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thủy điện Hương Điền đã được lệnh xả nước qua cổng tràn và tuôcbin để điều tiết nước trong hồ, sẵn sàn đón lũ lớn.
Thủy điện A Lưới cũng được lệnh mở cửa xả điều tiết nước qua tỉnh Sêkông (Lào). Hồ Tả Trạch cũng được lệnh xả nước điều tiết với lưu lượng xả khoảng 50m3/s. Các van đập Thảo Long, Cửa Lác cũng được yêu cầu mở để sẵn sàng thoát lũ nhanh.
Trong ngày hôm qua 7-10, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, ngập cục bộ trong thời gian ngắn ở một số nơi. Hiện các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh này vẫn ở mức an toàn vì tình trạng thiếu nước kéo dài trong mùa khô. Tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát, đưa ra phương án di dân ở các khu vực có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Đà Nẵng cũng có mưa lớn nhưng dự báo không gây ngập úng - Ảnh: T. LỰC
Quảng Nam: huyện Tây Giang lại bị chia cắt
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 7-10, ông Lê Hoàng Linh - phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho biết mưa trút xuống các xã vùng cao nằm dưới các thung lũng, nhiều ngọn núi đã vốn no nước, sạt lở nặng trong cơn bão số 5 nay lại xuất hiện các mối nguy hiểm trở lại.
Theo ông Linh, tính tới chiều 7-10 sạt lở và nước sông suối dâng đã chia cắt cục bộ một số ngôi làng, các tuyến đường liên xã vùng sâu cũng bị đất đá đổ xuống đường. "Mức độ sạt lở chưa nặng nề như trong đợt bão số 5 nên điểm nào sạt là chúng tôi cho xe san ủi thông đường ngay" - ông Linh nói.
Lúc 12h trưa 7-10, nước lũ dâng cao trên sông A Vương cũng đã khiến một cây cầu tạm bắc qua thôn Tà Làng (xã Bha Lê) bị cuốn trôi, người dân không thể qua lại. Trong khi đó, cầu nối thôn A Banh 1 và A Banh 2 ở xã Tr’hy cũng đã bị nước lũ cuốn khiến giao thông tê liệt.
Sau những trận mưa lớn vào đêm 6 và ngày 7-10, nhiều tuyến đường tại TP Tam Kỳ ngập nặng, xe cộ qua lại bị hư hỏng, tắt máy. Tại xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ chiều 7-10 đã xảy ra lốc xoáy khiến 1 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, 2 ngôi nhà bị tốc mái một phần cũng như làm tốc mái, bể nhiều ngói ở chợ Tam Thanh. Một số quầy hàng, kiôt ở chợ cũng bị gió quật bay.
Quảng Ngãi: dừng tàu chuyến Sa Kỳ - Lý Sơn
Ông Huỳnh Công Trí - giám đốc Ban quản lý cảng Lý Sơn - cho biết toàn bộ các tàu cao tốc chở khách và tàu hàng tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn phải dừng hoạt động từ ngày 7-10. Trước đó vào ngày 6-10, ban quản lý cảng Sa Kỳ và Lý Sơn đã phối hợp bố trí tàu cao tốc đưa hơn 400 người từ đảo Lý Sơn vào đất liền và hơn 200 người từ đất liền ra đảo Lý Sơn.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi các chủ tàu chủ động đưa tàu vào cảng neo trú ở vị trí an toàn đề phòng thời tiết biến động xấu. Song song đó, biên phòng và các đài icom cộng đồng liên tục theo dõi và thông báo tình hình thời tiết cho các tàu cá đang hoạt động trên biển chủ động ứng phó.
Phú Yên, Bình Định: cảnh giác!
Từ chiều tối 6-10 đến trưa 7-10, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên có mưa vừa, mưa to, tuy nhiên từ trưa đến chiều 7-10 thì mưa tạnh, trời hanh nắng. Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, tuy có mưa vừa, mưa to nhưng vì mới đầu mùa mưa nên không có thiệt hại được ghi nhận. Tương tự, ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc điều hành Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định - cho hay trong ngày đã đi kiểm tra nhiều khu vực xung yếu nhưng chưa ghi nhận thiệt hại gì do mưa lớn của vùng áp thấp gây ra.
Tuy nhiên, 2 địa phương này vẫn nâng cao cảnh giác. Ông Phúc nói ở phía bắc tỉnh Bình Định ngày 7-10 có mưa to 270mm, nếu mưa lớn lượng như vậy kéo dài thêm 2-3 ngày nữa thì khả năng một số huyện như An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn có thể bị ngập lụt.
Ông Nguyễn Trọng Tùng cho hay sẽ tập trung triển khai phương án phòng chống ngập úng các đô thị và bảo vệ sản xuất, khẩn trương triển khai thu hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công và sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
DUY THANH
Không để lũ chồng lũ
Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay diện tích lúa chưa thu hoạch ở Bắc Trung Bộ còn 25.000ha tập trung ở các huyện vùng cao, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 150.000ha, trong đó có khoảng 50% diện tích có thể thu hoạch nên bộ đang chỉ đạo địa phương khẩn trương thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Ông Trần Quang Hoài - tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - đề nghị dù các hồ chứa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam dung tích còn thấp nhưng tập đoàn cần kiểm tra phía hạ du để sẵn sàng phương án xả lũ. Kinh nghiệm năm 2011, đồng loạt các địa phương phản đối về việc thủy điện xả lũ ồ ạt gây ra lũ chồng lũ. Do đó, năm nay kiên quyết không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận