Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Vĩnh Long về lĩnh vực văn hóa, giáo dục - Ảnh: C.H.
Ngày 7-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng có buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long về lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết: "Về giáo dục, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học, cũng như bảo đảm được chất lượng, sự an toàn cho giáo viên và học sinh.
Bà kiến nghị chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo cần có tiêu chí phân bổ đặc thù cho các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, có chính sách phát triển hệ thống các trường nghề đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS, THPT để phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Lãnh đạo Vĩnh Long cho biết thêm công tác phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch được tỉnh chú trọng. Song, thời gian gần đây hoạt động du lịch bị suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh. Một số kết quả tích cực của địa phương là đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL và đề án di sản đương đại Mang Thít.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cam kết sẽ đồng hành cùng Vĩnh Long triển khai hai đề án du lịch. Đồng thời cho biết thêm tỉnh cần thu hút được những nhà đầu tư chiến lược về hạ tầng, sản phẩm du lịch, gắn với việc tạo ra một không gian văn hóa, thông qua bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa. "Tôi đề nghị tỉnh tổ chức ngay một diễn đàn du lịch với sự tham gia, khảo sát của các doanh nghiệp lớn" - ông nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Vĩnh Long sớm có giải pháp kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tìm ra những giá trị thật sự độc đáo, riêng biệt. Đồng thời cho rằng, Vĩnh Long và nhiều tỉnh miền Tây đã từng bước thoát khỏi tình trạng "vùng trũng giáo dục phổ thông", và đây là thành quả của sự nỗ lực, kiên trì dài lâu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân.
"Tỉnh cần có những giải pháp tăng cường quản lý thống nhất về giáo dục gồm giáo viên, học sinh, nguồn lực, trường lớp. Giải quyết vấn đề biên chế giáo viên bằng cách đẩy mạnh tự chủ, bắt đầu từ bậc mầm non đến phổ thông với cơ chế quản lý học phí công khai, có quỹ hỗ trợ cho học sinh khó khăn.
Bộ Giáo dục và đào tạo đánh giá lại toàn diện, để chuyển trạng thái giáo dục vùng ĐBSCL sau khi thoát "vùng trũng giáo dục phổ thông" để có bước tiến mạnh hơn về giáo dục cao đẳng, đại học.
Triển khai thí điểm những mô hình đột phá nhằm thu hút nguồn lực xã hội thông qua cơ chế tự chủ tại các trường. Trước mắt, tiếp tục điều chỉnh hướng dẫn cho các địa phương trong việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa mới trên tinh thần phù hợp, tiết kiệm…" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận