Đến dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp chuyên về lúa gạo.
Phát triển lúa gạo đa giá trị
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng và sẽ khắc phục tính phân mảnh, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án xác định yêu cầu tiên quyết là "chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo"...
Đề án tập trung vào các giải pháp liên kết ngành hàng lúa gạo trong vùng, từ không gian liên kết cấp vùng, hình thành các cụm liên kết ngành lúa gạo, kết nối thị trường, kiến thức kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Đề án mong muốn tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo "minh bạch, trách nhiệm, bền vững"...
"Đề án không chỉ mang yếu tố kỹ thuật đơn thuần, mà tích hợp đa dạng yếu tố kinh tế - xã hội. Trong đó người nông dân có năng lực hợp tác là trung tâm; doanh nghiệp có vai trò liên kết, kết nối dẫn dắt thị trường; các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị, hướng dẫn ứng dụng chuẩn hóa, Nhà nước đóng vai trò khởi tạo và hỗ trợ bằng cơ chế chính sách", ông Hoan nói.
"Ánh sáng cuối đường hầm" cho ngành gạo
Còn ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời - tin tưởng đề án ra đời sẽ tạo động lực rất lớn cho ngành nông nghiệp.
"Đề án 1 triệu ha lúa này được xem là 'ánh sáng cuối đường hầm' cho chúng tôi. Vì ở đó, tôi đã nhìn thấy nó là hệ sinh thái cộng sinh, liên quan đến mọi thành phần từ nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước.
Đề án sẽ khắc phục yếu kém từ bài học của cánh đồng mẫu lớn vừa qua", ông Thòn nói.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng hôm nay bàn về hạt gạo với xu hướng mới, tư duy mới, cách làm mới trong bối cảnh thời đại mới. Phó thủ tướng lưu ý các bộ, ngành và các địa phương đây là cuộc chơi lớn, có nhiều thời cơ, thách thức khác nhau và sẽ bị tác động bởi thị trường.
Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thực hiện 10 từ: "hết lòng - tuân thủ - linh hoạt - hợp tác - kiểm soát".
"Hợp tác có thể là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương hay các doanh nghiệp. Nếu các anh không hợp tác sẽ thất bại, còn nếu hợp tác tốt trong đề án sẽ tạo sức mạnh rất lớn. Xin mọi người hãy kiểm soát.
Tức là xem xét lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Trước mắt, tôi sẽ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị để trình Thủ tướng", phó thủ tướng nói.
Giảm 20% chi phí sản xuất lúa cho nông dân
"Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" sẽ được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, được triển khai theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 héc ta.
Giai đoạn 2 (2026-2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 héc ta.
Mục tiêu của đề án là giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỉ đồng. Việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận