26/09/2023 10:33 GMT+7

Miền Tây chủ động chống hạn mặn giữ bữa ăn cho mọi người

Những trận mưa lớn cuối tháng 9-2023 vẫn không làm người dân miền Tây yên lòng bởi những dữ liệu có liên quan đều đưa đến dự báo về một mùa khô khốc liệt, một đợt hạn mặn kéo dài có thể xảy ra trong thời gian tới.

Hệ thống cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền, đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng - Ảnh: M.TR.

Hệ thống cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền, đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng - Ảnh: M.TR.

Các địa phương và người dân vùng ĐBSCL đang bước vào cuộc đua để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024. Đây là mùa khô được dự báo là sẽ đến sớm và nghiêm trọng, để bảo vệ mùa màng chính là giữ ổn định bữa ăn cho mọi người khi cả thế giới đang chật vật thiếu lương thực thực phẩm.

Lo mặn giảm trồng lúa

Ông Đoàn Thanh Tân (xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) cho biết từ tháng 10 đến Tết, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào kênh nội đồng, có khi nồng độ mặn lên hơn 10‰. Do đó, chính quyền thường khuyến cáo người dân ở vùng bị ảnh hưởng nên gieo sạ sớm vụ lúa đông xuân, sử dụng giống lúa chịu mặn...

Nhiều nơi cũng sản xuất mô hình tôm - lúa (một vụ lúa, một vụ tôm) bởi lo ngại thu hoạch lúa trễ sẽ bị ảnh hưởng mặn. "Hiện tại mưa nhiều, kênh nội đồng chưa nhiễm mặn. Tôi gieo sạ 3ha lúa giống ST24, đang phát triển xanh tốt nhưng chỉ sợ mặn bất chợt sẽ gây ảnh hưởng đến lúa. Nhưng cũng may, ngoài đê bao, các hệ thống cống ven biển An Biên - An Minh sẽ vận hành, nhờ vậy cũng bớt sợ mặn ảnh hưởng đến năng suất lúa nữa", ông Tân nhấn mạnh.

Sau nhiều năm gắn bó với cây mía không thể khấm khá hơn, bà Lý Thị Tình (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) chuyển sang trồng khoai lang và bắp cho 4 công rẫy nhưng nếu không có nước ngọt tưới trong khoảng năm tháng mùa khô sẽ bỏ đất hoang. "Nghe nói mùa mưa năm nay kết thúc sớm, lại bị hạn mặn nên tui đã bỏ ra gần 3 triệu đồng để mướn người nạo vét hai cái ao gần nhà sâu hơn 3m nhằm chủ động nước ngọt...", bà Tình cho hay.

Ông Nguyễn Tài Xô (xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) cho biết gia đình ông kiên quyết nói không với lúa vụ 3 do lo bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. "Năm nay, để có nước ngọt và né hạn mặn, sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, tui bắt tay ngay vào làm đất để xuống giống lúa đông xuân sớm hơn mọi năm 20 ngày. Không làm vụ ba cũng hơi tiếc nhưng đành chịu", ông Xô cho biết.

Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống hạn mặn, nhưng trước dự báo mùa khô năm nay sẽ đến sớm và xâm nhập mặn sẽ khốc liệt không kém năm 2015 - 2016, người dân đã chuẩn bị nhiều phương án để dự phòng. 

Đặc biệt, ngoài mương vườn được nạo vét để làm nơi trữ nước mưa, người trồng sầu riêng tại huyện Châu Thành (Bến Tre) và huyện Cai Lậy (Tiền Giang) còn chuẩn bị các túi đựng nước để sẵn sàng cứu sầu riêng khi cần thiết.

Chống mặn cho cây ăn trái

Sau hai lần bị thiệt hại nặng nề do nước mặn (lần 1 vào năm 2016 và lần 2 vào năm 2020), từ đầu năm 2022 đến nay Tiền Giang đã đầu tư 846 tỉ đồng để làm sáu cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền để bảo vệ vùng cây ăn trái phía trong. 

Hệ thống cống này đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9-2023. Một số cống còn lại do Bộ NN&PTNT thi công cũng đã cơ bản hoàn thành, có thể chặn dòng tạm thời khi nước mặn xâm nhập.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Toàn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết để đảm bảo nước sinh hoạt cho vùng nông thôn và các huyện đảo, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo sở phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành hệ thống cống ở TP Rạch Giá, ven sông Cái Bé để giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả. 

Ngoài ra, địa phương này cũng đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cống, lắp cửa van cho 17 cống ven biển, xây dựng đập ngăn mặn... nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho người dân.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng vừa thông qua các kịch bản ứng phó với tình hình diễn biến hạn, mặn trong mùa khô. Theo đó, nếu hạn hán, xâm nhập mặn năm nay ít gay gắt so với mùa khô năm 2015 - 2016, kế hoạch sản xuất lúa thu đông là 43.156ha, lúa vụ mùa (tôm - lúa) 46.275ha, lúa đông xuân 47.575ha, rau màu 7.000ha. 

Còn diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 sẽ giảm khoảng 2.900ha lúa đông xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt.

Ông Phạm Tấn Đạo, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát nạo vét hệ thống kênh thủy lợi, tận dụng hạ tầng sẵn có để trữ nước ngọt.
"Công trình thủy lợi ứng phó hạn mặn đòi hỏi đầu tư dài hạn, kinh phí lớn. Trong khi chờ đợi trung ương hỗ trợ, bằng nguồn lực của mình, Sóc Trăng chủ động nạo vét nhiều tuyến kênh, coi đây là "hồ" chứa nước ngọt, để dành sử dụng khi cần", ông Đạo thông tin.

Theo ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo một số vùng của các huyện Trần Đề, Kế Sách, Long Phú... xuống giống lúa đông xuân sớm hơn mọi năm nửa tháng. 

"Chỉ có gieo sạ sớm người dân trồng lúa vùng này mới tránh được hạn mặn, đảm bảo năng suất. Ngoài ra, những vùng không chủ động được nguồn nước ngọt thì dứt khoát không làm lúa vụ ba", ông Phước nói.

Nước lũ về ĐBSCL thấp hơn báo động 1, có nguy cơ xâm nhập mặn sớm - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nước lũ về ĐBSCL thấp hơn báo động 1, có nguy cơ xâm nhập mặn sớm - Ảnh: BỬU ĐẤU

Hạn, mặn có thể đến sớm

Theo ông Nguyễn Văn Đắc - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), dự báo hạn mặn năm nay sẽ đến sớm và gay gắt nên chúng tôi đã thông báo kịp thời cho người dân trên địa bàn, đồng thời tập trung nạo vét hệ thống kênh rạch. 

"Chúng tôi hướng dẫn người dân tự nạo vét ao mương của gia đình để chủ động trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất trong những tháng mùa khô", ông Đắc nói.

Trước đó, tại hội nghị nhận định tình hình thời tiết 2023 - 2024 được tổ chức tại Bến Tre, ông Phùng Tiến Dũng, trưởng phòng dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mực nước tại Biển Hồ Campuchia chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1m. 

Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô từ thượng nguồn Mekong về hạ lưu và ĐBSCL khả năng thiếu hụt 20 - 25% so với bình quân nhiều năm.

Chưa hết, mùa mưa ở miền Tây sẽ kết thúc sớm, trước tháng 11, tổng lượng mưa cả năm thiếu hụt so với các năm. "Do đó, xâm nhập mặn ở miền Tây ở mức độ sâu và gay gắt hơn. Thậm chí có thời điểm xâm nhập mặn tại một số nhánh sông có thể tương đương mùa khô 2015 - 2016", ông Dũng nhận định.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết theo dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino xuất hiện cuối tháng 5 đến tháng 6-2023 và khả năng kéo dài sang năm 2024 (xác suất khoảng 70 - 80%) gây tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ cấp độ 3 - 4 và xảy ra trên phạm vi rộng cả nước. 

Các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... đều nằm ở hạ nguồn những con sông lớn và chịu ảnh hưởng sớm nhất của tình trạng xâm nhập mặn nên cũng đã đưa ra những kịch bản xấu nhất trong mùa khô sắp tới để ứng phó.

Ông Bùi Văn Thắm, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết dựa trên những dữ liệu đã được các cơ quan chuyên môn đưa ra, khoảng hai tháng nữa xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng địa phương. 

Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng của hạn mặn nặng nề nhất trong những năm qua. Bình quân mỗi năm địa phương này sẽ bị xâm nhập mặn khoảng ba tháng, có những năm nước mặn bao phủ toàn tỉnh và kéo dài gần nửa năm.

Để giảm bớt thiệt hại, ông Thắm cho rằng các bản tin khí tượng thủy văn trong giai đoạn xâm nhập mặn gay gắt cần sớm đưa ra dự báo cụ thể hơn về thời điểm, khu vực có nước ngọt để người dân dự trữ.

Xâm nhập mặn ở mức nghiêm trọng

PGS.TS Trần Bá Hoằng, viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết theo tính toán của viện, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở ĐBSCL thuộc nhóm mặn nghiêm trọng, mặn xuất hiện sớm và sâu. Thời gian ảnh hưởng xâm nhập mặn đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ cuối tháng 12-2023, sớm hơn một tháng so với trung bình nhiều năm.

Dự báo lưu lượng dòng chảy về ĐBSCL giảm nhỏ ngay từ đầu mùa khô và sẽ kéo dài đến tháng 3-2024. Thêm vào đó, lượng nước tích trữ trong Biển Hồ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 26% và dung tích trữ có khả năng giảm nhanh do mùa mưa kết thúc sớm. Do đó, theo ông Hoằng, một số khu vực cần quan tâm và tăng cường giải pháp phòng chống hạn, mặn với diện tích tương ứng khoảng 66.000ha ở Long An (6.000ha), Tiền Giang (13.000ha), Bến Tre (12.000ha), Trà Vinh (15.000ha), Sóc Trăng (20.000ha).

Mùa mưa năm nay cũng được dự báo sẽ kết thúc sớm nên khả năng xảy ra thiếu nước trong vùng lúa - tôm ở Kiên Giang, Cà Mau khoảng 38.000ha, cần bổ sung giải pháp nguồn nước để đáp ứng đúng độ mặn cho nuôi thủy sản. Cây ăn trái dự báo có khoảng 43.300ha bị ảnh hưởng, trong đó Long An 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 6.000ha, Sóc Trăng 3.400ha... Các vùng này cần tích trữ nước ngay từ đầu mùa khô.

Diễn tập ứng phó mặn

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành diễn tập cụm cống Cái Lớn - Cái Bé, phân luồng điều tiết phương tiện lưu thông qua âu thuyền cống - Ảnh: CHÍ CÔNG

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành diễn tập cụm cống Cái Lớn - Cái Bé, phân luồng điều tiết phương tiện lưu thông qua âu thuyền cống - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Lê Tự Do, giám đốc chi nhánh ĐBSCL thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, cho biết nhận định hiện tượng El Nino nóng trong năm 2024 có thể xảy ra nên đơn vị đã có kế hoạch vận hành diễn tập cụm cống Cái Lớn - Cái Bé, phân luồng điều tiết phương tiện lưu thông qua âu thuyền cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô.

Thời gian diễn tập từ ngày 25 đến 28-9 với nhiều nội dung như: vận hành tiêu nước đệm, hỗ trợ giảm ngập úng hạ lưu trong trường hợp bất lợi; vận hành tiêu úng, bảo vệ tuyệt đối sản xuất trong trường hợp đặc biệt và vận hành hỗ trợ tiêu úng cục bộ phía nội đồng và giảm ngập thượng, hạ lưu khu vực công trình.

"Qua hai năm vận hành, cống Cái Lớn - Cái Bé bước đầu đã phát huy hiệu quả giúp cho người sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt. Đặc biệt, Hậu Giang và các vùng sản xuất nông nghiệp Kiên Giang không còn đắp những đập tạm; giải quyết được môi trường sinh thái, giao thông, đảm bảo sản xuất nông nghiệp của người dân hiệu quả", ông Do nói.

Tuy nhiên, theo ông Do, các địa phương cần hoàn thiện một số công trình ngăn mặn ở đê biển Tây, trong nội đồng cần có hệ thống đê bao và cống đập để chủ động kiểm soát nguồn nước đảm bảo sản xuất nông nghiệp ở các tiểu vùng Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm và gay gắt hơnXâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm và gay gắt hơn

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn trong mùa khô 2023-2024 do mưa và lũ về thấp hơn trung bình nhiều năm và tác động của triều cường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp