02/01/2019 11:57 GMT+7

Miền Tây căng sức ứng phó bão số 1

K.NAM - T.TRÌNH - K.TÂM - C.QUỐC - D.KHÁNH
K.NAM - T.TRÌNH - K.TÂM - C.QUỐC - D.KHÁNH

TTO - Đến sáng 2-1, lo ngại diễn biến khó lường của cơn bão số 1 (bão Pabuk), các địa phương miền Tây Nam Bộ đang nỗ lực ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra.

Miền Tây căng sức ứng phó bão số 1 - Ảnh 1.

Toàn bộ tàu khách đi các đảo đã tạm ngưng hoạt động, đang neo đậu tại cảng hành khách Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: KHOA NAM

Kiên Giang: 520 tàu cá đang khẩn trương vào bờ

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, địa phương này hiện còn khoảng 520 tàu cá đang trên đường vào bờ tránh trú bão, dự kiến việc kêu gọi toàn bộ tàu cá Kiên Giang vào bờ sẽ kết thúc vào lúc 16h chiều 2-1.

Hiện tại, Kiên Giang có 10.618 tàu đánh cá, trong đó có 4.910 tàu đánh bắt xa bờ. Tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã tổ chức liên lạc thường xuyên, kêu gọi vào bờ đối với 400 tàu khai thác gần bờ đang đánh bắt tại các vùng biển Kiên Hải, Phú Quốc, Cà Mau…, đồng thời giữ liên lạc và kêu gọi 120 tàu đang khai thác ở ngư trường Biển Đông.

Tỉnh Kiên Giang cũng đã bố trí nhiều khu vực neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại các địa phương: Kim Quy, Xẻo Nhàu (huyện An Minh), sông Cái Bé - Cái Lớn (huyện An Biên, Châu Thành), Lình Huỳnh, Vàm Rầy (huyện Hòn Đất), Ba Hòn (huyện Kiên Lương), TP Hà Tiên, TP Rạch Giá.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang cũng đã tổ chức di dời 2.800 lồng bè nuôi thủy sản trên biển vào nơi khuất gió, chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương có biện pháp khẩn cấp bảo vệ 119.000ha tôm nuôi.

Cùng ngày, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn khẩn chỉ đạo công tác ứng phó bão số 1, yêu cầu các đơn vị, địa phương, sở, ban, ngành bố trí trực cơ quan 24/24. Đặc biệt lực lượng tàu cứu hộ cứu nạn trên biển được huy động 100%.

Sở Công thương Kiên Giang cũng ban hành công văn khẩn chỉ đạo đảm bảo an toàn lưới điện, cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu không để xảy ra đột biến trên thị trường, ưu tiên dự trữ hàng hóa, lương thực cho các xã đảo, vùng nông thôn ven biển…

Miền Tây căng sức ứng phó bão số 1 - Ảnh 2.

Hàng trăm tàu cá và lồng bè của ngư dân ở xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) đã vào neo đậu an toàn - Ảnh: DUY KHÁNH

Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang cũng yêu cầu tạm ngưng toàn bộ các chuyến tàu, phà chở người, phương tiện từ đất liền đi các đảo kể từ 6h sáng ngày 2-1, chờ đến khi có thông báo mới.

Đại diện hãng tàu cao tốc Superdong cho biết rất may là việc tạm ngưng chạy tàu chỉ bắt đầu từ sáng 2-1 nên lượng khách kẹt lại ở đảo Phú Quốc rất ít. Hiện đơn vị này đang khẩn trương hoàn tất việc đổi, trả vé cho hành khách.

Hiện tại, khu vực cửa biển Rạch Giá bắt đầu có gió khá mạnh khoảng cấp 3-4, trời se lạnh và bắt đầu lất phất mưa. Tại Phú Quốc thì từ sáng đến trưa trời âm u, lất phất mưa và bắt đầu có gió.

Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc Mai Văn Huỳnh đã gửi công văn đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 phối hợp lực lượng, sẵn sàng phương tiện để hỗ trợ ngư dân.

Miền Tây căng sức ứng phó bão số 1 - Ảnh 3.

Tàu của ngư dân vào tránh bão tại xã đảo Thổ Châu (Kiên Giang) - Ảnh: VĂN BÌNH

Cà Mau, Bạc Liêu: Cấm biển, kêu gọi tàu vào nơi trú ẩn

UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành lệnh cấm các loại tàu thuyền ra biển từ chiều 1-1. Đến sáng 2-1, ông Nguyễn Long Hoai - chi cục trưởng Chi cục thủy lợi kiêm chánh văn phòng Cơ quan phòng chống lụt bão tỉnh - cho biết vẫn còn 1.086 tàu của Cà Mau đang đánh bắt ngoài biển và đang được kêu gọi nhanh chóng vào nơi trú ẩn an toàn.

Ông Hoai nhận định bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Cà Mau, do đó lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương duy trì chế độ trực chiến, sẵn sàng di dời dân khi cần thiết.

Ông Lý Hoàng Tiến - chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, huyện cực Nam có Mũi Cà Mau - cho biết đã phát thông báo đến các tàu bè, hộ dân cảnh báo cơn bão đầu tiên trong năm. Trước mắt, huyện này thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của chủ tịch UBND tỉnh.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu cấm tàu thuyền ra khơi từ 9h ngày 1-1 cho đến khi có thông báo cuối cùng về tình hình thời tiết, đồng thời kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang hoạt động trên biển, thông tin cho họ về diễn biến của bão số 1 để tìm nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão.

Tỉnh cũng chuẩn bị tinh thần triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu bão số 1 gây mưa lớn trên diện rộng.

Ông Nguyễn Minh Luân - giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Cà Mau - nói đã xin ý kiến UBND tỉnh, đồng thời triển khai xuống các huyện ven biển gồm Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, tùy diễn biến thực tế của bão để có quyết định cho học sinh trong vùng ảnh hưởng nghỉ học. Trước mắt, học sinh vẫn đi học bình thường.

Miền Tây căng sức ứng phó bão số 1 - Ảnh 4.

Một số tàu của ngư dân đã vào rạch Cầu Sấu, thị trấn An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) để neo đậu tránh bão - Ảnh: DUY KHÁNH

Sóc Trăng: trên 1.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng

Ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết do ảnh hưởng bão số 1, mưa kéo dài khiến khoảng 1.000ha lúa đông xuân sớm ở tỉnh này bị đổ ngã.

"Thương lái chê mưa gió nên giá lúa mua tại đồng trong những ngày qua cũng giảm 500-1.000 đồng/kg, giảm thu nhập của bà con", ông Quyết nói. Hiện giá lúa dao động 5.200-6.000 đồng/kg.

Ông Trần Hoàng Thắng - chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu - cho biết mưa dầm có khả năng làm giảm 20% sản lượng hành tím của địa phương. Vụ màu 2019-2020, Vĩnh Châu trồng 5.000ha hành tím, hiện đã trên 30 ngày tuổi.

Miền Tây căng sức ứng phó bão số 1 - Ảnh 5.

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh bão trên biển Tây - Ảnh: VĂN BÌNH

Bão cách Côn Đảo 360km, có thể mạnh thêm

TTO - Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10 và còn có khả năng mạnh thêm.

K.NAM - T.TRÌNH - K.TÂM - C.QUỐC - D.KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp